Khảo cổ học quá trình

Thứ ba - 03/08/2021 17:08
Processual Archaeology
Ứng dụng Phương pháp Khoa học của Khảo cổ học Mới
Cập nhật ngày 12 tháng 8 năm 2018, bởi K. Kris Hirst
Nguồn: Hirst, K. Kris. "Processual Archaeology." ThoughtCo, Aug. 26, 2020, thoughtco.com/what-is-processual-archaeology-172242. https://www.thoughtco.com/what-is-processual-archaeology-172242
Lược dịch: Nguyễn Huy Nhâm-Bảo tàng Nhân học
Khảo cổ học quá trình



Khảo cổ học quá trình là một phong trào giới trí thức những năm 1960, được gọi là "khảo cổ học mới" (new archaeology), ủng hộ chủ nghĩa thực chứng lôgic như một triết lý nghiên cứu hướng dẫn, được mô phỏng theo phương pháp khoa học - một thứ chưa từng được áp dụng cho khảo cổ học trước đây.
Những người theo chủ nghĩa quá trình bác bỏ quan điểm văn hóa-lịch sử vốn cho rằng văn hóa là một tập hợp các chuẩn mực do một nhóm nắm giữ và truyền đạt cho các nhóm khác bằng cách truyền bá và thay vào đó lập luận rằng các dấu tích khảo cổ của một nền văn hóa là kết quả ứng xử của sự thích nghi của một quần thể với các điều kiện môi trường cụ thể. Đã đến lúc Khảo cổ học Mới sẽ tận dụng phương pháp khoa học để tìm ra và làm rõ các quy luật chung (lý thuyết) của sự phát triển văn hóa theo cách mà các xã hội phản ứng với môi trường của họ.
Khảo cổ học mới
Khảo cổ học Mới nhấn mạnh việc hình thành lý thuyết, xây dựng mô hình và kiểm tra giả thuyết trong nghiên cứu nhằm tìm kiếm các quy luật chung về hành vi của con người. Những người theo chủ nghĩa quá trình học lập luận rằng lịch sử văn hóa là không thể lặp lại: việc kể một câu chuyện về sự thay đổi của một nền văn hóa là vô ích trừ khi bạn kiểm tra các suy luận của nó. Làm thế nào để bạn biết một sự kiện lịch sử văn hóa mà bạn đã phục dựng là chính xác? Trên thực tế, bạn có thể nhầm lẫn nghiêm trọng nhưng không có cơ sở khoa học nào để bác bỏ điều đó. Những người theo chủ nghĩa quá trình rõ ràng muốn vượt ra khỏi các phương pháp lịch sử - văn hóa của quá khứ (chỉ đơn giản là xây dựng hồ sơ về những thay đổi) để tập trung vào các quá trình của văn hóa (điều gì đã xảy ra để tạo nên nền văn hóa đó).
Ngoài ra còn có một cách định nghĩa lại ngụ ý văn hóa là gì. Văn hóa trong khảo cổ học quá trình được quan niệm chủ yếu là cơ chế thích ứng cho phép con người đối phó với môi trường của họ. Văn hóa theo quan niệm của khảo cổ học quá trình được xem như một hệ thống bao gồm các hệ thống con, và khung giải thích của tất cả các hệ thống đó là hệ sinh thái văn hóa (cultural ecology), do đó cung cấp cơ sở cho các mô hình giả thuyết suy luận mà những người theo chủ nghĩa quá trình có thể kiểm tra.
Những công cụ mới
Để thành công trong ngành khảo cổ học mới này, các nhà quá trình học đã có hai công cụ: khảo cổ học dân tộc họccác loại kỹ thuật thống kê đang phát triển nhanh chóng, một phần của "cuộc cách mạng định lượng" mà tất cả các ngành khoa học ngày nay đã trải qua và một động lực của "big data" ngày nay. Cả hai công cụ này vẫn hoạt động trong ngành khảo cổ học: cả hai đều được sử dụng đầu tiên trong những năm 1960.
Khảo cổ học dân tộc học là việc sử dụng các kỹ thuật khảo cổ học ở các ngôi làng bị bỏ hoang, các khu định cư và các địa điểm có người sinh sống. Nghiên cứu khảo cổ dân tộc học quá trình cổ điển là cuộc kiểm tra của Lewis Binford đối với các di tích khảo cổ do những người săn bắn và hái lượm di động của người Inuit để lại (1980). Binford rõ ràng đang tìm kiếm bằng chứng về các quá trình lặp lại theo khuôn mẫu, một "biến thể thường xuyên" (regular variability) có thể được tìm kiếm và tìm thấy trên các địa điểm khảo cổ do những người săn bắn hái lượm thuộc thời hậu kỳ đồ đá cũ để lại.
Với phương pháp tiếp cận khoa học mà các nhà quá trình học mong muốn, họ cần rất nhiều dữ liệu để kiểm tra. Khảo cổ học quá trình ra đời trong cuộc cách mạng định lượng, bao gồm sự bùng nổ của các kỹ thuật thống kê tinh vi được thúc đẩy bởi sức mạnh tính toán ngày càng tăng và khả năng tiếp cận chúng ngày càng tăng. Dữ liệu được thu thập bởi các nhà quá trình học (và vẫn tiếp tục thực hiện cho đến ngày nay) bao gồm cả các đặc điểm văn hóa vật chất (như kích thước, hình dạng và vị trí hiện vật) và dữ liệu từ các nghiên cứu dân tộc học về quá trình hình thành và di chuyển dân số đã biết trong lịch sử. Những dữ liệu đó được sử dụng để xây dựng và cuối cùng kiểm tra khả năng thích nghi của một nhóm sống trong các điều kiện môi trường cụ thể và qua đó để giải thích các hệ thống văn hóa thời tiền sử.
Chuyên ngành phụ
Những người theo chủ nghĩa quá trình quan tâm đến các mối quan hệ động-dynamic relationships (nguyên nhân và tác động) hoạt động giữa các thành phần của một hệ thống hoặc giữa các thành phần của hệ thống và môi trường. Quá trình theo định nghĩa là sự lặp đi lặp lại: đầu tiên, nhà khảo cổ học quan sát các hiện tượng trong ghi chép khảo cổ học hoặc dân tộc học, sau đó họ sử dụng những quan sát đó để hình thành giả thuyết rõ ràng về mối liên hệ của dữ liệu đó với các sự kiện hoặc điều kiện trong quá khứ có thể gây ra những hiện tượng đã quan sát. Tiếp theo, nhà khảo cổ học sẽ tìm ra loại dữ liệu nào có thể hỗ trợ hoặc bác bỏ giả thuyết đó, và cuối cùng, nhà khảo cổ học sẽ thu thập thêm dữ liệu và tìm hiểu xem giả thuyết có hợp lệ hay không. Nếu nó hợp lệ cho một địa điểm hoặc hoàn cảnh, giả thuyết đó có thể được kiểm tra ở một địa điểm hoặc hoàn cảnh khác.
Việc tìm kiếm các quy luật chung nhanh chóng trở nên phức tạp, bởi vì có quá nhiều dữ liệu và quá nhiều biến tùy thuộc vào những gì nhà khảo cổ học đã nghiên cứu. Một cách nhanh chóng, các nhà khảo cổ học tìm thấy mình trong các chuyên ngành phụ có khả năng ứng phó: khảo cổ học không gian (spatial archaeology) xử lý các mối quan hệ không gian ở mọi cấp độ từ hiện vật đến các mô hình cư trú; khảo cổ học khu vực (regional archaeology) tìm hiểu thương mại và trao đổi trong một khu vực; khảo cổ học xen kẽ (intersite archaeology) tìm cách xác định và báo cáo về tổ chức chính trị xã hội và sự tồn tại; và khảo cổ học tại chỗ (intrasite archaeology) nhằm tìm hiểu mô hình hoạt động của con người.
Lợi ích và Chi phí của Khảo cổ học Quá trình
Trước khảo cổ học quá trình, khảo cổ học thường không được coi là một khoa học, bởi vì các điều kiện trên một địa điểm hoặc đặc điểm (feature) không bao giờ giống nhau và do đó theo định nghĩa là không thể lặp lại. Những gì các nhà Khảo cổ học Mới (New Archaeologists) đã làm là biến phương pháp khoa học trở nên thực tế trong những hạn chế của nó.
Tuy nhiên, những gì mà các nhà khảo cổ học quá trình phát hiện ra là các địa điểm, nền văn hóa và hoàn cảnh khác nhau quá nhiều trong khi chúng chỉ được giải thích đơn giản là một phản ứng với các điều kiện môi trường. Đó là một nguyên tắc chính thức, nhất thể mà nhà khảo cổ học Alison Wylie gọi là "làm tê liệt đòi hỏi về sự chắc chắn". Phải có những thứ khác đang diễn ra, bao gồm cả những hành vi xã hội của con người không liên quan gì đến việc thích nghi với môi trường.
Những phê phán đối với chủ nghĩa quá trình ra đời từ những năm 1980 được gọi là chủ nghĩa hậu quá trình (post-processualism), đây là một câu chuyện khác nhưng không kém phần ảnh hưởng đến khoa học khảo cổ học ngày nay.
Nguồn tham khảo
  • Binford LR. 1968. Some Comments on Historical versus Processual Archaeology. Southwestern Journal of Anthropology 24(3):267-275.
  • Binford LR. 1980. Willow smoke and dog's tails: Hunter gatherer settlement systems and archaeological site formation. American Antiquity 45(1):4-20.
  • Earle TK, Preucel RW, Brumfiel EM, Carr C, Limp WF, Chippindale C, Gilman A, Hodder I, Johnson GA, Keegan WF et al. 1987. Processual Archaeology and the Radical Critique [and Comments and Reply]. Current Anthropology 28(4):501-538.
  • Fewster KJ. 2006. The Potential of Analogy in Post-Processual Archaeologies: A Case Study from Basimane Ward, Serowe, Botswana. The Journal of the Royal Anthropological Institute 12(1):61-87.
  • Kobylinski Z, Lanata JL, and Yacobaccio HD. 1987. On Processual Archaeology and the Radical Critique. Current Anthropology 28(5):680-682.
  • Kushner G. 1970. A Consideration of Some Processual Designs for Archaeology as Anthropology. American Antiquity 35(2):125-132.
  • Patterson TC. 1989. History and the Post-Processual Archaeologies. Man 24(4):555-566.
  • Wylie A. 1985. The Reaction against Analogy. Advances in Archaeological Method and Theory 8:63-111.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây