Chủ đề trưng bày
Bảo tàng Nhân học
2021-04-01T14:01:28+07:00
2021-04-01T14:01:28+07:00
https://ma.ussh.vnu.edu.vn/vi/phong-truyen-thong/chu-de-trung-bay.html
/themes/default/images/no_image.gif
Bảo tàng Nhân học
https://ma.ussh.vnu.edu.vn/uploads/ma/untitled-1_6.png
Phần 1: Quá trình hình thành và phát triển
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức hoạt động với tư cách là một trường Đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 9/9/1995 nhưng lịch sử và truyền thống của Nhà trường không phải chỉ từ ngày ấy. Bản nguyên gần nhất của Trường là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thành lập năm 1956. Trước đó, cơ sở truyền thống của Trường là Trường Đại học Văn khoa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 45-SL thành lập ngày mùng 9/10/1945, ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Quốc Tử Giám là cái nôi truyền thống đầu tiên khai mở công cuộc đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn.
Hơn 70 năm qua, từ truyền thống của Đại học Văn khoa, qua gần 50 năm xây dựng và trưởng thành trong Đại học Tổng hợp Hà Nội đến hơn 20 năm hoạt động theo định hướng phát triển bền vững của một thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có một bước tiến dài, đạt được nhiều thành tựu toàn diên và vững chắc. Tới nay, Trường đã có cơ cấu đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khá đa dạng, hoàn chỉnh, bao gồm 15 khoa, 1 bộ môn trực thuộc trường, 2 viện đào tạo và nghiên cứu, 13 trung tâm nghiên cứu và phục vụ đào tạo, 1 bảo tàng, 1 công ty (Công ty Dịch vụ Khoa học và Du lịch). Đây là cơ sở để Trường gia tăng tiềm lực tiến tới xây dựng mô hình đại học nghiên cứu và hội nhập quốc tế hiệu quả.
Quốc Tử Giám là nơi đào tạo các học quan, tầng lớp nho sĩ, tri thức tinh hoa về các tri thức nhân văn, con người và xã hội, quan hệ xã hội, quản lý xã hội…Những nguyên tắc giáo dục, đào tạo, nguyên tắc tu thân được giảng dạy ở đó đã tạo nên truyền thống học tập suốt đời, trọng trân học, thực tài, lấy phụng sự đất nước, xã hội làm trọng. Quốc Tử Giám đã đào tạo, nuôi dưỡng nhiều thế hệ tri thức tiêu biểu của đất nước. Mạch nguồn thẳm sâu ấy đã được nối dài trong lịch sử giáo dục Việt Nam, trong đó có lĩnh vực đào tạo về Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trên nền tảng truyền thống về trách nhiệm ươm mầm đào tạo hiền tài cho đất nước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi chuyên về đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, có thể xem như là một hậu duệ “chính dòng”, tiếp nối truyền thống của Quốc Tử Giám.
Phần 2: Một thời Hoa lửa
Chiến tranh ngày càng ác liệt, theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong đó có nhiều giảng viên trẻ, sinh viên của Khoa Lịch sử và Khoa Ngữ văn đã “Xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ”, tham gia làm nhiệm vụ tuyên huấn, văn hóa, nghệ thuật, chiến đấu… trên khắp các chiến trường miền Nam. Nhiều cán bộ, sinh viên của Khoa Lịch sử, Khoa Ngữ văn đã bỏ lại một phần xương máu, có người đã ngã xuống cho ngày độc lập, thống nhất non sông khi tuổi đời còn rất trẻ như liệt sĩ Ca Lê Hiến (bút danh Lê Anh Xuân), Chu Cẩm Phong… Những cán bộ và sinh viên này là những tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Những chiến công thầm lặng và sự hy sinh oanh liệt của các anh đã góp phần tô thắm trang sử của dân tộc, khắc tạc nên một “Dáng đứng Việt Nam”. Sự hy sinh vì Tổ quốc của các anh đã tạc vào lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã học và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng, một mẫu mực về đức hy sinh, về tình yêu quê hương, đất nước, về lý tưởng và lẽ sống…
Phần 3: Còn mãi với thời gian
Phần 4: USSH - Đào tạo, nghiên cứu và hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Đào tạo và nghiên cứu là hai mũi nhọn và thế mạnh tạo nên vị thế, thương hiệu của Nhà trường. Nghiên cứu để đào tạo rộng hơn, sâu hơn; đào tạo để tiếp tục nghiên cứu, giải quyết hoặc phục vụ giải quyết những vấn đề của cộng đồng, đất nước đặt ra như vấn đề chủ quyền biển đảo, chủ quyền biên giới Tây Nam… Để phục vụ cho mục tiêu, xây dựng một trường đại học hiện đại, tiên tiến, hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu của Trường đã được mở rộng không ngừng tới hơn 140 trường đại học và tổ chức của các nước trên thế giới. Trong hoạt động nghiên cứu, tới năm 2018, Trường đã có 1 Trung tâm nghiên cứu trọng điểm, 6 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia và 1 nhóm nghiên cứu tiềm năng.
Với những đóng góp to lớn về đào tạo và nghiên cứu, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Lao động (hạng Nhất, Nhì, Ba); Cờ thi đua của Chính phủ... Bên cạnh đó, nhiều đơn vị và cá nhân của Nhà trường cũng đã được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó Khoa Lịch sử được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động, 1 nhà giáo được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 31 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 49 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (tính đến năm 2018). Để đạt được các thành tích đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của tập thể các thế hệ cán bộ và sinh viên, Nhà trường còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong quá trình phát triển, Nhà trường đã vinh dự nhiều lần đón các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong nước và quốc tế tới thăm.
Là một trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và truyền thống lâu đời, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Mục tiêu của Nhà trường là trở thành một đại học nghiên cứu, đứng đầu đất nước về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới.