Giới thiệu

Không lâu sau Lễ Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45/SL thành lập Đại học Văn khoa tại Hà Nội với mục đích đưa nền khoa học nước nhà “theo kịp bước các nước tiên tiến trên toàn cầu”. Ngày 15/11/1945, Trường ĐHQGHN đã tổ chức Lễ khai giảng năm học đầu tiên tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Trong chín năm kháng chiến trường kỳ, các trung tâm đại học đã được thành lập ở Việt Bắc, Liên khu IV, có cơ sở đặt ở Nam Ninh (Trung Quốc).

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nền đại học Việt Nam tiếp tục phát triển và mở rộng. Ngày 4/6/1956, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2183/CP thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm cán bộ và sinh viên Nhà trường.

Từ năm 1956 đến năm 1995 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Nhà trường với tư cách trung tâm nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản hàng đầu của cả nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ các giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu đất nước đã làm việc, cống hiến sức lực và trí tuệ ở nơi đây. Những nền tảng cơ bản nhất của nền khoa học Việt Nam đã được xây đắp và khẳng định giá trị. Cũng từ mái trường này, nhiều cán bộ và sinh viên đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Tháng 9/1995, trên nền tảng các ngành KHXH&NV của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐHKHXH&NV chính thức được thành lập và trở thành một thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường gắn liền với tên tuổi của những giáo sư nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Hoàng Xuân Nhị, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Trần Định Hượu…

Có thể nói, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay là sự tiếp nối lịch sử của Đại học Văn khoa mùa Thu sao vàng tháng Tám, của Đại học Tổng hợp Hà Nội, của Đại học Quốc gia Hà Nội, đang hướng tới mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, với sứ mệnh "đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và truyền bá tri thức khoa học xã hội và nhân văn". Trong 75 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn lớn nhất của đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung kiên và tiên phong, chuẩn mực và sáng tạo là những giá trị truyền thống cốt lõi của Nhà trường, luôn được các thế hệ cán bộ, sinh viên giữ gìn và phát huy.

Năm 2005, kỷ niệm 60 năm truyền thống, Nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu:

ANH HÙNG LAO ĐỘNG

Năm 2010, kỷ niệm 65 năm truyền thống, Nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu:

HUÂN CHƯƠNG HỒ CHÍ MINH

Năm 2015, kỷ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập Trường ĐHKHXH&NV, ghi nhận những đóng góp của Nhà trường vào sự nghiệp đào tạo và khoa học công nghệ của nước nhà trong giai đoạn 2019-2014, Chủ tịch nước tặng danh hiệu:

HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHẤT

Trải qua 75 năm phát triển, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng sự đoàn kết, tinh thần dấn thân, Nhà trường đã ngày càng phát triển lớn mạnh, khẳng định được vị thế và đóng góp to lớn cho nền khoa học và giáo dục Việt Nam, hướng đến trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến của khu vực và thế giới.

Trường ĐHKHXH&NV hiện có 15 khoa; 1 bộ môn trực thuộc; 9 phòng ban chức năng; 01 Viện đào tạo; 01 viện nghiên cứu; 10 trung tâm đào tạo, nghiên cứu; 01 công ty; 01 Bảo tàng; 01 Tạp chí; 01 Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trường có 520 cán bộ viên chức : 70% là tiến sỹ, 28% là GS/PGS; hệ thống quản trị đại học đang hoàn thiện theo hướng hiện đại và hội nhập.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây