Bảo tàng Nhân họchttps://ma.ussh.vnu.edu.vn/uploads/ma/logo-btnh_1.png
Thứ hai - 16/08/2021 08:35
Cập nhật ngày 16 tháng 8 năm 2019, bởi N.S. Gill Nguồn: Gill, N.S. "Japan: Ancient Cultures." ThoughtCo, Aug. 26, 2020, thoughtco.com/japan-ancient-cultures-4070770. https://www.thoughtco.com/japan-ancient-cultures-4070770 Lược dịch: Nguyễn Huy Nhâm-Bảo tàng Nhân học
Trên cơ sở các phát hiện khảo cổ học, người ta đã mặc nhiên công nhận hoạt động sống của loài vượn người (hominid) ở Nhật Bản có thể có niên đại sớm nhất là 200.000 năm trước Công nguyên khi các hòn đảo nối liền với lục địa Châu Á. Mặc dù một số học giả nghi ngờ về niên đại sinh sống sớm này, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng vào khoảng 40.000 năm trước Công nguyên, quá trình băng hà đã kết nối lại các hòn đảo với đất liền. Cư trú trên lãnh thổ Nhật Bản Dựa trên các bằng chứng khảo cổ học, các học giả cũng đồng ý rằng vào khoảng 35.000 đến 30.000 TCN Người Homo sapiens đã di cư đến các hòn đảo từ phía đông và đông nam châu Á và hình thành mô hình săn bắt, hái lượm và chế tạo công cụ bằng đá. Các công cụ bằng đá, địa điểm cư trú và hóa thạch người từ thời kỳ này đã được tìm thấy trên khắp các hòn đảo của Nhật Bản. Thời kỳ Jomon Các mô hình sống đã ổn định hơn vào khoảng 10.000 năm trước Công nguyên cho đến thời kỳ đồ đá mới hoặc như một số học giả lập luận là văn hóa đá giữa (Mesolithic culture). Có thể là tổ tiên xa xôi của thổ dân Ainu ở Nhật Bản hiện đại, các thành viên của nền văn hóa Jomon không đồng nhất (khoảng 10.000-300 năm TCN) đã để lại những chứng cứ khảo cổ rất rõ ràng. Đến năm 3.000 TCN, người Jomon đã tạo ra những hình tượng và bình bằng đất sét được trang trí bằng hoa văn bằng cách dùng dây thừng bện hoặc không bện và quê in lên đất sét ướt (Jomon có nghĩa là “hoa văn thừng bện”) ngày càng tinh vi. Người Jomon cũng sử dụng các công cụ đá ghè đẽo, bẫy, cung tên và họ là những người săn bắn, hái lượm và đánh cá ven biển và nước sâu khéo léo. Họ thực hành nông nghiệp thô sơ, sống trong các hang động và sau đó là các nhóm ở tạm thời trong hố nông hoặc những ngôi nhà trên mặt đất, để lại những đống rác bếp giàu có để nghiên cứu nhân học hiện đại. Theo các nghiên cứu khảo cổ học, vào cuối thời kỳ Jomon, một sự thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra . Canh tác sơ khai đã phát triển thành canh tác lúa nước phức tạp và có sự kiểm soát. Nhiều yếu tố khác của văn hóa Nhật Bản cũng có thể có từ thời kỳ này và phản ánh một cuộc di cư hòa trộn từ lục địa bắc Á và các khu vực nam Thái Bình Dương. Trong số các yếu tố này có thần thoại Shinto, phong tục kết hôn, phong cách kiến trúc và sự phát triển công nghệ, chẳng hạn như đồ sơn mài, dệt may, gia công kim loại và sản xuất thủy tinh. Thời kỳ Yayoi Thời kỳ văn hóa tiếp theo là Yayoi (được đặt theo tên khu vực phía Bắc của khuôn viên Đại học Tokyo, nơi tìm ra những bình gốm bàn xoay đầu tiên của văn hóa Yayoi thông qua các hoạt động điều tra khảo cổ )[1] phát triển mạnh mẽ trong khoảng từ năm 300 trước Công nguyên đến năm 250 sau Công nguyên từ miền nam Kyushu đến miền bắc Honshu. Những người sớm nhất trong số này được cho là đã di cư từ Triều Tiên đến miền bắc Kyushu và trộn lẫn với người Jomon, cũng sử dụng các công cụ bằng đá ghè đẽo. Dù đồ gốm của người Yayoi có công nghệ tiên tiến hơn nhưng nó được trang trí đơn giản hơn đồ gốm của người Jomon. Người Yayoi đã làm ra những chiếc chuông, gương và vũ khí vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và sau đó là các công cụ nông nghiệp và vũ khí bằng sắt. Khi dân số tăng lên và xã hội trở nên phức tạp hơn, họ dệt vải; sống trong các làng nông nghiệp cố định; xây dựng các tòa nhà bằng gỗ và đá; của cải tích lũy thông qua quyền sở hữu đất đai, tích trữ ngũ cốc; và phân hóa thành các tầng lớp xã hội khác biệt. Nền văn hóa lúa nước được tưới tiêu của họ tương tự như ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc, đòi hỏi nhiều lao động của con người, dẫn đến sự phát triển và cuối cùng là sự phát triển cao của một xã hội nông nghiệp định canh. Không giống như Trung Quốc, nước phải thực hiện các công trình công cộng lớn và các công trình trị thủy, dẫn đến một chính phủ tập trung cao độ, Nhật Bản có nguồn nước dồi dào. Khi đó, ở Nhật Bản, sự phát triển chính trị và xã hội địa phương quan trọng hơn các hoạt động của chính quyền trung ương và một xã hội phân tầng. Các ghi chép sớm nhất về Nhật Bản có nguồn gốc từ các nguồn tư liệu của Trung Quốc ở thời kỳ này. Wa (Wa là cách phát âm tiếng Nhật tên tiếng Trung ban đầu của Nhật Bản) lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 57 sau Công nguyên. Các nhà sử học Trung Quốc đầu tiên mô tả Wa là một vùng đất của hàng trăm cộng đồng bộ lạc rải rác, không phải là vùng đất thống nhất với truyền thống 700 năm như đã nêu ra trong Nihongi (Biên niên sử Nhật Bản), nơi thành lập Nhật Bản vào năm 660 trước Công nguyên Các nguồn tài liệu của Trung Quốc vào thế kỷ III cho biết người Wa sống bằng rau sống, cơm và cá được dọn trên khay tre và gỗ, có quan hệ chư hầu-lãnh chúa, thu thuế, có kho thóc và chợ của tỉnh, chắp tay thờ phượng (vẫn thực hành trong các đền thờ Thần đạo), có các cuộc tranh giành quyền kế vị bạo lực, xây dựng các gò mộ bằng đất và để tang. Himiko, một nữ trị vì của một liên bang chính trị ban đầu được gọi là Yamatai, phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ thứ ba. Trong khi Himiko trị vì như một nhà lãnh đạo tinh thần, em trai của bà thực hiện các công việc của nhà nước, bao gồm quan hệ ngoại giao với triều đình nhà Ngụy Trung Quốc (năm 220 đến năm 65 sau Công nguyên).