Nguồn gốc và lịch sử của cây lúa ở Trung Quốc và bên ngoài Trung Quốc

Thứ hai - 11/10/2021 08:25
Nguồn gốc của việc thuần hóa cây lúa ở Trung Quốc
Cập nhật ngày 03 tháng 7 năm 2019, bởi K. Kris Hirst,
Nguồn: Hirst, K. Kris. "The Origins and History of Rice in China and Beyond." ThoughtCo, Feb. 18, 2021, thoughtco.com/origins-history-of-rice-in-china-170639. https://www.thoughtco.com/origins-history-of-rice-in-china-170639
Lược dịch: Nguyễn Huy Nhâm-Bảo tàng Nhân học
Nguồn gốc và lịch sử của cây lúa ở Trung Quốc và bên ngoài Trung Quốc


Ngày nay, cây lúa (loài Oryza) cung cấp thức ăn cho hơn một nửa dân số thế giới và chiếm 20% tổng lượng calo tiêu thụ của thế giới. Mặc dù là một thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn trên toàn thế giới, cây lúa gạo vẫn là trung tâm của nền kinh tế và các nền văn minh cổ đại và hiện đại Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Đặc biệt, trái ngược với các nền văn hóa Địa Trung Hải chủ yếu dựa trên lúa mì bánh mì, phong cách nấu ăn châu Á, kết cấu thực phẩm theo sở thích, và các lễ nghi thiết đãi tiệc đều dựa trên việc tiêu thụ của loại cây trồng quan trọng này.
Cây lúa mọc ở mọi lục địa trên thế giới ngoại trừ Nam Cực, và có 21 giống dại khác nhau và ba loài canh tác riêng biệt: Oryza sativa japonica, được thuần hóa ở vùng đất ngày nay là miền Trung Trung Quốc vào khoảng 7.000 năm TCN, Oryza sativa indica, được thuần hóa/lai tạo ở Ấn Độ tiểu lục địa khoảng 2500 TCN, và Oryza glabberima, được thuần hóa/lai tạo ở Tây Phi vào khoảng năm 1500 đến 800 TCN.
Bằng chứng sớm nhất
Bằng chứng lâu đời nhất về việc tiêu thụ gạo được xác định cho đến nay là bốn hạt gạo thu được từ hang động Yuchanyan, một hang trú ẩn bằng đá ở huyện Dao, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Một số học giả có liên quan đến địa điểm này đã lập luận rằng những loại ngũ cốc này dường như đại diện cho các hình thức thuần hóa rất sớm, có các đặc điểm của cả giống lúa japonica và sativa. Về mặt văn hóa, địa điểm Yuchanyan gắn liền với thời hậu kỳ đồ đá cũ/thời kỳ chớm nở văn hóa Jomon, có niên đại từ 12.000 đến 16.000 năm trước.
Các hạt khoáng sỏi thực vật (phytolith) từ các hạt gạo (một số trong số đó dường như có thể nhận dạng được là japonica) đã được xác định trong các lớp trầm tích của hang Diaotonghuan, nằm gần hồ Poyang ở giữa thung lũng sông Dương Tử (Yangtse) có niên đại khoảng 10.000-9000 năm cách ngày nay. Thử nghiệm bổ sung lõi đất của trầm tích hồ cho thấy phytoliths từ gạo của một số loại lúa gạo hiện diện trong thung lũng từ trước năm 12.820 BP.
Tuy nhiên, các học giả khác cho rằng mặc dù sự xuất hiện của những hạt gạo này trong các địa điểm khảo cổ như hang động Yuchanyan và Diaotonghuan đại diện cho việc tiêu thụ và/hoặc sử dụng để làm gốm nung, nhưng chúng không đại diện cho bằng chứng về sự thuần hóa.
Nguồn gốc của cây lúa ở Trung Quốc
Oryza sativa japonica có nguồn gốc từ Oryza rufipogon, một loại lúa năng suất kém có nguồn gốc từ các vùng đầm lầy đòi hỏi phải có sự điều tiết, sử dụng cả nước, muối và một số thí nghiệm thu hoạch. Điều đó xảy ra khi nào và ở đâu vẫn còn gây tranh cãi.
Có bốn khu vực hiện được coi là có thể được thuần hóa ở Trung Quốc gồm: miền Trung sông Dương Tử (văn hóa Bành Đầu Sơn/Pengtoushan[1], bao gồm các địa điểm như ở Bashidang); sông Hoài (bao gồm cả di chỉ Giả Hồ/Jiahu) ở phía tây nam tỉnh Hà Nam; văn hóa Hậu Lý/Houli của tỉnh Sơn Đông; và vùng hạ lưu sông Dương Tử. Không phải tất cả nhưng hầu hết các học giả đều chỉ ra hạ lưu sông Dương Tử vào cuối thời kỳ Younger Dryas (giữa năm 9650 và 5000 trước Công nguyên) ở phần rìa phía bắc có thể là nguồn gốc ra đời của cây lúa (loài O. rufipogon) ở Trung Quốc . Những thay đổi khí hậu thời kỳ Younger Dryas của khu vực bao gồm sự gia tăng nhiệt độ cục bộ, lượng mưa gió mùa mùa hè và ngập lụt phần lớn các vùng ven biển của Trung Quốc khi nước biển dâng ước tính lên đến 200 feet (60 mét).
Bằng chứng ban đầu về việc tiêu thụ loại lúa O. rufipogon hoang dã đã được xác định tại Thượng Sơn (Shangshan 上山)[2] và Giả Hồ (Jiahu), cả hai đều chứa các bình gốm được ủ với trấu gạo và có niên đại từ 8000–7000 TCN. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc do Xinxin Zuo dẫn đầu đã báo cáo xác định niên đại của hạt gạo tại hai địa điểm lưu vực sông Yangtse là: Shangshan (9400 cal BP) và Hehuashan (9000 cal BP), tức khoảng 7.000 TCN. Khoảng 5.000 TCN, loại lúa thuần hóa japonica được tìm thấy khắp thung lũng Yangtse, bao gồm một lượng lớn hạt gạo tại các địa điểm như TongZian Luojiajiao (7100 BP) và Hemuda (7000 BP). Đến năm 6000–3500 trước Công nguyên, lúa gạo và những thay đổi về lối sống thời đồ đá mới khác đã lan rộng khắp miền nam Trung Quốc. Lúa gạo lan truyền đến Đông Nam Á vào Việt Nam và Thái Lan (thời kỳ văn hóa Hòa Bình) trước 3000–2000 TCN.
Quá trình thuần hóa có thể diễn ra rất chậm, kéo dài từ năm 7000 đến 100 TCN. Nhà khảo cổ học Trung QUốc Yongchao Ma và các đồng nghiệp đã xác định được ba giai đoạn trong quá trình thuần hóa, trong đó lúa gạo thay đổi từ từ, cuối cùng trở thành một phần chính trong khẩu phần ăn của người dân địa phương vào khoảng 2500 năm trước Công nguyên. Những thay đổi so với cây ban đầu được ghi nhận là vị trí của ruộng lúa bên ngoài đầm lầy và đất ngập nước lâu năm, và những cuống lúa không bị gãy đổ.
Ngoài Trung Quốc
Mặc dù các học giả đã đạt được sự nhất trí cao về nguồn gốc của cây lúa ở Trung Quốc, nhưng sự lan rộng của cây lúa từ trung tâm thuần hóa là hạ lưu sông Dương Tử ra bên ngoài vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Các học giả thường đồng ý rằng cây lúa ban đầu được thuần hóa cho tất cả các giống lúa là Oryza sativa japonica, được thuần hóa từ loài O. rufipogon ở hạ lưu sông Dương Tử bởi những người săn bắn hái lượm khoảng 9.000 đến 10.000 năm trước.
Các học giả đã đề xuất có ít nhất 11 con đường riêng biệt để lan truyền cây lúa gạo ra khắp châu Á, châu Đại Dương và châu Phi. Các học giả cho biết, công đoạn thuần hóa cây lúa gạo japonica đã được thực hiện ít nhất hai lần: ở tiểu lục địa Ấn Độ khoảng 2500 năm trước Công nguyên và ở Tây Phi từ năm 1500 đến 800 trước Công nguyên.
Ở Ấn Độ và Indonesia
Trong một thời gian dài, các học giả đã bị chia rẽ về sự hiện diện của cây lúa gạo ở Ấn Độ và Indonesia, nó đến từ đâu và khi nào nó đến. Một số học giả đã lập luận rằng cây lúa gạo chỉ đơn giản là giống O. s. japonica, được du nhập từ Trung Quốc; những người khác lập luận rằng giống lúa O. indica không liên quan đến japonica và được thuần hóa độc lập từ Oryza nivara . Các học giả khác cho rằng  Oryza indica  là giống lai giữa Oryza japonica đã được thuần hóa hoàn toàn  và phiên bản hoang dã bán thuần hóa hoặc phiên bản địa phương của Oryza nivara .
Không giống như O. japonica, O. nivara có thể được khai thác trên quy mô lớn mà không cần tiến hành canh tác hoặc thay đổi môi trường sống. Loại hình nông nghiệp lúa sớm nhất được sử dụng ở sông Hằng (Ganges) có lẽ là canh tác khô, khi nước tưới cho cây lúa được cung cấp bởi những trận mưa gió mùa và lũ lụt theo mùa. Lúa nước được tưới sớm nhất ở sông Hằng ít nhất là vào cuối thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên và chắc chắn là vào đầu thời đại đồ sắt.
Ở thung lũng Indus
Ghi chép khảo cổ cho thấy O. japonica lan đến Thung lũng Indus ít nhất là vào khoảng năm 2400–2200 trước Công nguyên, và tồn tại ở vùng sông Hằng bắt đầu vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Tuy nhiên, ít nhất vào khoảng 2500 năm trước Công nguyên, tại địa điểm Senuwar-vùng đất khô hạn, việc canh tác giống lúa O. nivara có lẽ là đã được thực hiện. Bằng chứng bổ sung cho sự tương tác liên tục của Trung Quốc vào năm 2000 trước Công nguyên với Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan đến từ sự xuất hiện của các loại cây trồng khác tới từ Trung Quốc, bao gồm: đào, mơ, kê chổi và cần sa. Dao thu hoạch theo kiểu văn hóa  Long Sơn (Longshan) được sản xuất và sử dụng ở các vùng Kashmir và Swat sau năm 2000 trước Công nguyên.
Mặc dù Thái Lan chắc chắn đã tiếp nhận lúa thuần hóa lần đầu tiên từ Trung Quốc - dữ liệu khảo cổ học chỉ ra rằng cho đến khoảng năm 300 trước Công nguyên, loại chủ đạo là O. japonica – có liên hệ với Ấn Độ khoảng 300 trước Công nguyên, dẫn đến việc thiết lập cách thức canh tác lúa dựa trên hệ thống đất nông nghiệp ngập nước và sử dụng  giống O. indica. Lúa nước - có nghĩa là lúa được trồng trên những cánh đồng ngập nước - là một phát minh của nông dân Trung Quốc, và vì vậy việc khai thác nó ở Ấn Độ đang được quan tâm.
Phát minh lúa gạo
Tất cả các loài lúa hoang đều là các loài lúa nước: tuy nhiên, tài liệu khảo cổ học ngụ ý rằng quá trình thuần hóa ban đầu của cây lúa là đưa nó vào môi trường đất nhiều hoặc ít khô hạn hơn, được trồng dọc theo các rìa của vùng đất ngập nước, sau đó để cho nó bị ngập lụt bởi lũ lụt tự nhiên và các kiểu mưa hàng năm. Canh tác lúa nước, bao gồm cả việc tạo ra cánh đồng lúa, đã được phát minh bởi Trung Quốc khoảng 5000 năm trước Công nguyên, với bằng chứng sớm nhất cho đến nay tại Tianluoshan, nơi những cánh đồng lúa đã được xác định và xác định niên đại.
Lúa nước sử dụng nhiều lao động hơn so với lúa cạn, và nó đòi hỏi phải có quyền sở hữu có tổ chức và ổn định đối với các thửa đất. Nhưng nó có năng suất cao hơn nhiều so với lúa cạn, và bằng cách tạo ra sự ổn định của việc xây dựng ruộng bậc thang và đồng ruộng, nó làm giảm thiệt hại về môi trường do lũ lụt không liên tục gây ra. Ngoài ra, việc để dòng sông làm ngập các cánh đồng sẽ bổ sung thay thế phù sa bị mất từ việc canh tác.
Bằng chứng trực tiếp về nông nghiệp lúa nước thâm canh, bao gồm các hệ thống đồng ruộng, đến từ hai địa điểm ở hạ lưu Dương Tử (Chuodun và Caoxieshan), cả hai đều có niên đại 4200–3800 TCN, và một địa điểm (Chengtoushan) ở trung lưu Dương Tử vào khoảng 4500 TCN.
Gạo ở Châu Phi
Sự thuần hóa/lai tạo lần thứ ba dường như đã xảy ra trong Thời đại đồ sắt châu Phi ở vùng đồng bằng Niger phía tây châu Phi, qua đó Oryza sativa được lai chéo với O. barthii để tạo ra O. glaberrima. Những vết in hình hạt lúa gạo trên đồ gốm sớm nhất có niên đại từ năm 1800 đến 800 trước Công nguyên ở phía Ganjigana, phía đông bắc Nigeria. O. glaberrima thuần hóa lần đầu tiên được được ghi nhận tại Jenne-Jeno ở Mali, có niên đại từ năm 300 đến năm 200 trước Công nguyên. Nhà di truyền học thực vật người Pháp Philippe Cubry và các đồng nghiệp cho rằng quá trình thuần hóa có thể đã được bắt đầu từ khoảng 3.200 năm trước khi sa mạc Sahara đang mở rộng và khiến cây lúa hoang khó tìm thấy hơn.
Nguồn tham khảo:
  • Cubry, Philippe, et al. "The Rise and Fall of African Rice Cultivation Revealed by Analysis of 246 New Genomes." Current Biology 28.14 (2018): 2274–82.e6. Print.
  • Luo, Wuhong, et al. "Phytolith Records of Rice Agriculture During the Middle Neolithic in the Middle Reaches of ." Quaternary International 426 (2016): 133–40. Print.Huai River Region, China
  • Ma, Yongchao, et al. "Rice Bulliform Phytoliths Reveal the Process of Rice Domestication in the Neolithic Lower Yangtze River Region." Quaternary International 426 (2016): 126–32. Print.
  • Shillito, Lisa-Marie. "Grains of Truth or Transparent Blindfolds? A Review of Current Debates in Archaeological Phytolith Analysis." Vegetation History and Archaeobotany 22.1 (2013): 71–82. Print.
  • Wang, Muhua, et al. "The Genome Sequence of African Rice (Oryza Glaberrima) and Evidence for Independent Domestication." Nature Genetics 46.9 (2014): 982–8. Print.
  • Win, Khin Thanda, et al. "A Single Base Change Explains the Independent Origin of and Selection for the Nonshattering Gene in African Rice Domestication." New Phytologist 213.4 (2016): 1925–35. Print.
  • Zheng, Yunfei, et al. "Rice Domestication Revealed by Reduced Shattering of Archaeological Rice from the Lower Yangtze Valley." Scientific Reports 6 (2016): 28136. Print.
  • Zuo, Xinxin, et al. "Dating Rice Remains through Phytolith Carbon-14 Study Reveals Domestication at the Beginning of the Holocene." Proceedings of the National Academy of Sciences 114.25 (2017): 6486–91. Print.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây