Bảo tàng Nhân họchttps://ma.ussh.vnu.edu.vn/uploads/ma/logo-btnh_1.png
Thứ hai - 25/10/2021 10:23
Cập nhật ngày 30 tháng 1 năm 2020, bởi Nicoletta Maestri[1] Nguồn: Maestri, Nicoletta. "The Domestication History of Cotton (Gossypium)." ThoughtCo, Feb. 16, 2021, thoughtco.com/domestication-history-of-cotton-gossypium-170429. https://www.thoughtco.com/domestication-history-of-cotton-gossypium-170429 Lược dịch: Nguyễn Huy Nhâm-Bảo tàng Nhân học
Bông (Gossypium sp.) là một trong những cây phi lương thực quan trọng nhất và được thuần hóa sớm nhất trên thế giới. Bông được sử dụng chủ yếu để lấy sợi, đã được thuần hóa độc lập ở cả Cựu Thế giới và Tân Thế giới. Từ "cotton" có nguồn gốc từ thuật ngữ tiếng Ả Rập là al qutn, từ này là algodón trong tiếng Tây Ban Nha và cotton trong tiếng Anh. Gần như tất cả bông được sản xuất trên thế giới ngày nay là loài Gossypium hirsutum của Tân Thế giới, nhưng trước thế kỷ 19, một số loài đã được trồng ở các lục địa khác nhau. Bốn loài Gossypium đã được thuần hóa thuộc họ Malvaceae là G. arboreum L., được thuần hóa ở thung lũng Indus của Pakistan và Ấn Độ; G. herbaceum L. từ Ả Rập và Syria; G. hirsutum từ Mesoamerica; và G. barbadense từ Nam Mỹ. Tất cả bốn loài nội địa và loài họ hàng hoang dã của chúng là cây bụi hoặc cây nhỏ được trồng theo truyền thống như cây trồng mùa hè; các giống thuần hóa là cây trồng chịu hạn và mặn cao, phát triển tốt trong môi trường khô hạn và bất lợi. Bông ở Cựu Thế giới có sợi ngắn, thô và yếu, ngày nay chủ yếu được sử dụng để nhồi và làm chăn bông; Tân Thế giới có nhu cầu sản xuất Bông cao hơn nhưng cung cấp sợi dài hơn, chắc hơn và năng suất cao hơn. Làm bông Bông dại nhạy cảm với chu kỳ sáng; nói cách khác, cây bắt đầu nảy mầm khi độ dài ngày đạt đến một điểm nhất định. Cây bông dại sống lâu năm, hình dáng xum xuê. Bông đã được thuần dưỡng là cây bụi, nhỏ gọn, không phản ứng với những thay đổi về độ dài ngày; đó là một lợi thế nếu cây phát triển ở những nơi có mùa đông mát mẻ vì cả bông dại và bông thuần dưỡng đều không chịu được sương giá. Quả bông là những quả nang chứa một số hạt được bao phủ bởi hai loại sợi: hạt ngắn gọi là lông tơ và hạt dài gọi là xơ vải. Chỉ có các sợi xơ vải là hữu ích để làm hàng dệt và các cây trồng thuần dưỡng có hạt lớn hơn được bao phủ bởi xơ vải tương đối phong phú. Theo truyền thống, bông được thu hoạch bằng tay, sau đó bông được tỉa hột - xử lý để tách hạt ra khỏi xơ. Sau quá trình tỉa hột, các sợi bông được chải bằng nơ gỗ để mềm hơn và được chải thô bằng lược tay để tách các sợi trước khi kéo sợi. Kéo sợi sẽ xoắn các sợi riêng lẻ thành một sợi, có thể được hoàn thành bằng tay với trục quay và dọi xe sợi/spindle whorl (ở Tân Thế giới) hoặc bằng bánh quay/spinning wheel (được phát triển ở Cựu Thế giới). Bông ở Cựu Thế giới Bông lần đầu tiên được thuần hóa ở Cựu thế giới khoảng 7.000 năm trước; bằng chứng khảo cổ sớm nhất về việc sử dụng bông là từ thời kỳ đồ đá mới tại Mehrgarh, ở Đồng bằng Kachi của Balochistan, Pakistan, vào thiên niên kỷ VI trước Công nguyên. Việc trồng loài G. arboreum bắt đầu ở Thung lũng Indus của Ấn Độ và Pakistan, sau đó lan rộng ra Châu Phi và Châu Á, trong khi loài G. herbaceum lần đầu tiên được trồng ở Ả Rập và Syria. Hai loài chính G. arboreum và G. herbaceum rất khác nhau về mặt di truyền và có lẽ đã phân tách trước khi được thuần hóa. Các nhà chuyên môn đồng ý rằng tổ tiên hoang dã của loài G. herbaceum là một loài châu Phi, trong khi tổ tiên của G. arboreum vẫn chưa được biết đến. Các khu vực có thể có nguồn gốc của tổ tiên của loài G. arboreum có thể là Madagascar hoặc Thung lũng Indus, nơi đã tìm thấy bằng chứng cổ xưa nhất về bông trồng. Gossypium Arboreum Có rất nhiều bằng chứng khảo cổ học về việc thuần hóa ban đầu và khai thác loài G. arboreum, bởi nền văn minh Harappan (hay còn gọi là Thung lũng Indus) ở Pakistan. Ngôi làng nông nghiệp sớm nhất ở Thung lũng Indus là Mehrgarh, lưu giữ nhiều bằng chứng về hạt và sợi bông có từ khoảng 6000 năm trước Công nguyên. Những mảnh vải và hàng dệt bông tại Mohenjo-Daro, được xác đinh có niên đại vào khoảng thiên niên kỷ IV trước Công nguyên và các nhà khảo cổ học đồng ý rằng hầu hết hoạt động thương mại khiến thành phố phát triển đều dựa vào xuất khẩu bông. Nguyên liệu thô và vải thành phẩm được xuất khẩu từ Nam Á vào Dhuweila ở miền đông Jordan vào khoảng 6450–5000 năm trước và đến Maikop (Majkop hoặc Maykop) ở phía bắc Caucasus vào năm 6000 BP. Vải bông đã được tìm thấy tại Nimrud ở Iraq (thế kỷ 8-7 trước Công nguyên), Arjan ở Iran (cuối thế kỷ 7 - đầu thế kỷ 6 trước Công nguyên) và Kerameikos ở Hy Lạp (thế kỷ 5 trước Công nguyên). Theo ghi chép của người Assyria, vua Sennacherib (705–681 TCN), bông được trồng trong vườn thực vật hoàng gia ở Nineveh, nhưng vào mùa đông mát mẻ, ở đó sẽ không thể sản xuất quy mô lớn. Bởi vì G. arboreum là một loài thực vật nhiệt đới và cận nhiệt đới nên nông nghiệp trồng bông đã không lan rộng ra bên ngoài tiểu lục địa Ấn Độ cho đến hàng nghìn năm sau khi nó được thuần hóa. Việc trồng bông lần đầu tiên được nhìn thấy ở Vịnh Ba Tư tại Qal'at al-Bahrain (khoảng 600–400 TCN), và ở Bắc Phi tại Qasr Ibrim, Kellis và al-Zerqa giữa thế kỷ 1 và 4 sau CN. Các cuộc điều tra gần đây tại Karatepe ở Uzbekistan đã phát hiện ra bông thành phẩm có niên đại khoảng 300–500 sau CN. G. arboreum được cho là đã du nhập vào Trung Quốc như một loài cây cảnh cách đây khoảng 1.000 năm. Bông có thể đã được trồng ở các thành phố thuộc tỉnh Tân Cương (Trung Quốc) vào thế kỷ thứ 8 CN như Turfan và Khotan. Cuối cùng, bông đã được thích nghi để phát triển ở những vùng khí hậu ôn hòa hơn bởi Cách mạng Nông nghiệp Hồi giáo và giữa những năm 900–1000 sau CN, sự bùng nổ sản xuất bông lan sang Ba Tư, Tây Nam Á, Bắc Phi và Lưu vực Địa Trung Hải. Gossypium Herbaceum G. herbaceum ít được biết đến hơn nhiều so với G. arboreum và thường mọc trong các khu rừng thưa và đồng cỏ Châu Phi. Đặc điểm của các loài G. herbaceum hoang dại là một loại cây cao hơn so với các loại cây bụi đã được thuần hóa, quả nhỏ hơn và lớp vỏ hạt dày hơn. Thật không may, không có dấu tích thuần hóa rõ ràng nào của G. herbaceum được thu thập từ các địa điểm khảo cổ học. Tuy nhiên, sự phân bố của tổ tiên hoang dại gần nhất của nó cho thấy sự phân bố về phía bắc đối với Bắc Phi và Cận Đông. Bông ở Tân Thế giới Trong số các loài châu Mỹ, G. hirsutum được trồng đầu tiên ở Mexico, và G. barbadense sau đó được trồng ở Peru. Tuy nhiên, một số ít các nhà nghiên cứu tin rằng, loại bông sớm nhất đã được đưa vào Mesoamerica như một dạng G. barbadense đã được thuần hóa từ ven biển Ecuador và Peru. Cho dù câu chuyện nào kết thúc là đúng thì bông là một trong những loại cây phi lương thực đầu tiên được những cư dân tiền sử ở châu Mỹ thuần hóa. Ở miền Trung Andes, đặc biệt là ở các bờ biển phía bắc và miền trung của Peru, bông là một phần của nền kinh tế đánh bắt cá và lối sống dựa vào biển. Người ta đã sử dụng bông để làm lưới đánh cá và các loại vải dệt khác. Những dấu tích về bông đã được thu thập ở nhiều địa điểm khảo cổ dọc bờ biển đặc biệt là ở các di chỉ đống rác bếp. Gossypium Hirsutum (Bông ở vùng cao) Bằng chứng lâu đời nhất về Gossypium Hirsutum ở Mesoamerica đến từ thung lũng Tehuacan và có niên đại từ năm 3400 đến 2300 trước Công nguyên. Trong các hang động khác nhau của khu vực này, các nhà khảo cổ học thuộc dự án của Richard MacNeish đã tìm thấy dấu tích của những loài bông đã được thuần hóa hoàn toàn. Các nghiên cứu gần đây đã so sánh quả bông và hạt bông thu được từ các cuộc khai quật ở hang Guila Naquitz, Oaxaca, với các ví dụ sống của loài G. hirsutum punctatum hoang dã và thuần hóa mọc dọc theo bờ biển phía đông Mexico. Các nghiên cứu di truyền bổ sung (Coppens d'Eeckenbrugge và Lacape 2014) ủng hộ các kết quả trước đó, chỉ ra rằng G. hirsutum có thể ban đầu được thuần hóa ở bán đảo Yucatán. Một trung tâm thuần hóa khác có thể là vùng Caribê. Ở các thời đại khác nhau và giữa các nền văn hóa Mesoamerican khác nhau, bông là một mặt hàng được có nhu cao và là một mặt hàng trao đổi quý giá. Các thương nhân Maya và Aztec buôn bán bông để lấy các mặt hàng xa xỉ khác và các quý tộc trang điểm cho mình bằng những tấm áo choàng dệt và nhuộm bằng chất liệu quý giá. Các vị vua Aztec thường tặng các sản phẩm bông cho các du khách quý tộc như một món quà và cho các thủ lĩnh quân đội như một khoản thanh toán. Gossypium Barbadense (Bông Pima) Giống G. barbadense được biết đến với khả năng sản xuất sợi chất lượng cao và được gọi là bông Pima, Ai Cập hoặc Sea Island. Bằng chứng rõ ràng đầu tiên về bông Pima được thuần hóa đến từ khu vực Ancón-Chillón của bờ biển miền trung Peru. Các địa điểm trong khu vực này cho thấy quá trình thuần hóa đã bắt đầu từ thời kỳ tiền-gốm, bắt đầu khoảng 2500 năm trước Công nguyên. Cho đến năm 1000 TCN, kích thước và hình dạng của quả bông Peru không thể phân biệt được với các giống cây G. barbadense hiện đại ngày nay. Sản xuất bông bắt đầu ở các bờ biển nhưng cuối cùng đã đưa vào vào đất liền, được tạo điều kiện thuận lợi bởi việc xây dựng các kênh tưới tiêu. Vào thời kỳ sơ khai, các địa điểm như Huaca Prieta đã có bông thuần hóa từ 1.500 đến 1.000 năm trước khi trồng gốm và trồng ngô. Không giống như Cựu Thế giới, bông ở Peru ban đầu là một phần của các hoạt động sinh kế, được sử dụng làm lưới đánh cá và săn bắn, cũng như hàng dệt, quần áo và túi đựng đồ. Nguồn tham khảo
Bouchaud, Charlène, Margareta Tengberg, and Patricia Dal Prà. "Cotton Cultivation and Textile Production in the Arabian Peninsula During Antiquity; the Evidence from Madâ’in Sâlih (Saudi Arabia) and Qal’at Al-Bahrain (Bahrain)." Vegetation History and Archaeobotany 20.5 (2011): 405–17. Print.
Brite, Elizabeth Baker, and John M. Marston. "Environmental Change, Agricultural Innovation, and the Spread of Cotton Agriculture in the Old World." Journal of Anthropological Archaeology 32.1 (2013): 39–53. Print.
Coppens d'Eeckenbrugge, Geo, and Jean–Marc Lacape. "Distribution and Differentiation of Wild, Feral, and Cultivated Populations of Perennial Upland Cotton (" PLoS ONE 9.9 (2014): e107458. Print.
Gossypium hirsutum L.) in Mesoamerica and the Caribbean.
Du, Xiongming, et al. "Resequencing of 243 Diploid Cotton Accessions Based on an Updated a Genome Identifies the Genetic Basis of Key Agronomic Traits." Nature Genetics 50.6 (2018): 796–802. Print.
Moulherat, Christophe, et al. "First Evidence of Cotton at Neolithic Mehrgarh, Pakistan: Analysis of Mineralized Fibres from a Copper Bead." Journal of Archaeological Science 29.12 (2002): 1393–401. Print.
Nixon, Sam, Mary Murray, and Dorian Fuller. "Plant Use at an Early Islamic Merchant Town in the West African Sahel: The Archaeobotany of Essouk–Tadmakka (Mali)." Vegetation History and Archaeobotany 20.3 (2011): 223–39. Print.
Reddy, Umesh K., et al. "Genome-Wide Divergence, Haplotype Distribution and Population Demographic Histories for Gossypium Hirsutum and Gossypium Barbadense as Revealed by Genome–Anchored SNPs." Scientific Reports 7 (2017): 41285. Print.
Renny–Byfield, Simon, et al. "Independent Domestication of Two Old World Cotton Species." Genome Biology and Evolution 8.6 (2016): 1940–47. Print.
Wang, Maojun, et al. "Asymmetric Subgenome Selection and Cis-Regulatory Divergence During Cotton Domestication." Nature Genetics 49 (2017): 579. Print.
Zhang, Shu–Wen, et al. "Mapping of Fiber Quality Qtls Reveals Useful Variation and Footprints of Cotton Domestication Using Introgression Lines." Scientific Reports 6 (2016): 31954. Print.
[1] Ph.D., Anthropology, University of California Riverside M.A., Anthropology, University of California Riverside B.A., Humanities, University of Bologna