Về sự tiến bộ của nông nghiệp trong thời kỳ Tiên Tần ở vùng đồng bằng Trung tâm Trung Hoa dựa trên những phát hiện về thực vật cổ đại

Thứ ba - 01/06/2021 15:24
Tác giả: Hua Zhong, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc
Lược dịch: Nguyễn Huy Nhâm-Bảo tàng Nhân học
Đồng bằng Trung tâm ở Trung Hoa là một khu vực nghiên cứu trọng tâm về nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa, quá trình phân hóa của xã hội, sự hình thành các nhà nước sơ khai, v.v. Trong suốt thời kỳ Tiền nhà Tần, có ít nhất ba thay đổi lớn trong nông nghiệp ở khu vực này. Những phát triển này minh chứng cho những tiến bộ bản địa cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến các xu hướng phát triển văn hóa.
Sự thay đổi lớn đầu tiên trong nông nghiệp diễn ra trong giai đoạn văn hóa Mã Gia Diêu (Yangshao/Miaodigou) (6000-5500 BP). Kê đuôi cáo (Setaria italica) trở thành cây trồng chiếm ưu thế so với kê Proso- kê Châu Âu (Panicum miliaceum) và các hoạt động trồng trọt đã trở thành phương thức sinh sống chính thay vì săn bắt và hái lượm. Hơn nữa, các hệ thống canh tác khô và xã hội nông nghiệp cũng được thành lập. Những thay đổi đáng kể này đã cải thiện việc sử dụng đất và sản lượng trung bình, mang lại sự phát triển cho người Mã Gia Diêu.
Sự thay đổi thứ hai trong nông nghiệp của vùng Đồng bằng Trung tâm diễn ra vào giai đoạn văn hóa Long Sơn (4600-3900 a B.P.). Mặc dù hệ thống canh tác khô bằng kê đuôi cáo vẫn chiếm ưu thế, nhưng tầm quan trọng của lúa (Oryza sativa) và đậu nành (Glycine max) đã tăng lên. Tình trạng tăng của cây lúa trong thời kỳ Long Sơn là chưa từng có. Điều này có được từ việc biến đổi đầm lầy và đất ngập lụt thành ruộng lúa, hoặc thực hiện tưới tiêu, cả hai đều đòi hỏi đầu vào lao động cao hơn nhiều. Đậu nành có thể cung cấp lượng đạm thực vật đáng kể đồng thời bổ sung độ phì nhiêu cho đất. Trong giai đoạn văn hóa Long Sơn, sự gia tăng diện tích canh tác và năng suất cây trồng đã đặt nền tảng quan trọng cho sự phân hóa xã hội ngày càng cao, và sự hình thành nền văn minh sơ khai ở Đồng bằng Trung tâm.           
Sự thay đổi thứ ba xuất hiện trong giai đoạn Văn hóa Nhị Lý Cương (đầu và giữa triều đại nhà Thương), khi cây lúa mì (Triticum aestivum) được đưa vào hệ thống canh tác bản địa. Từ các bằng chứng về địa thực vật học gần đây, lúa mì sớm nhất được tìm thấy ở Trung Quốc là từ bán đảo Gia Đông của Sơn Đông trong giai đoạn Long Sơn. Tuy nhiên, những khám phá về lúa mì sớm vẫn còn lẻ tẻ ở cả Bán đảo Gia Đông và Đồng bằng Trung tâm. Một sự thay đổi rõ ràng hơn đối với việc trồng lúa mì ở Đồng bằng Trung tâm là trong Giai đoạn Nhị Lý Cương. Mặc dù kê đuôi cáo vẫn là cây trồng chủ đạo, nhưng số lượng và vai trò của lúa mì đã tăng lên ở khu vực này. Với tư cách là thủ phủ ban đầu của nhà nước vào thời điểm đó, những người nông dân Nhị Lý Cương có thể đã giảm bớt rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc vào nông nghiệp kê truyền thống bằng cách bổ sung lúa mì cho cây trồng.
Ba thay đổi sâu sắc này trong nông nghiệp của Đồng bằng Trung tâm giai đoạn Tiền nhà Tần phản ánh sự tiến bộ của nông nghiệp so với các vùng xung quanh và có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường địa phương và sự phát triển của văn hóa địa phương. Việc đưa các cây trồng mới và điều chỉnh các cây trồng cũ chứng tỏ vùng đất này đã thường xuyên thực hiện việc cải thiện chất lượng dinh dưỡng và độ tin cậy cho các sản phẩm nông nghiệp. Bằng cách tăng sản lượng nông nghiệp của đất canh tác và tái sử dụng các khu vực cằn cỗi, các nhu cầu gia tăng dân số liên tục ở Đồng bằng Trung tâm có thể được đáp ứng. Ngoài ra, con đường phát triển độc đáo này cũng chứa đựng động lực bên trong của việc hình thành xã hội nông nghiệp và hình thành nền văn minh sơ khai giúp nhận biết các giai đoạn phát triển của khu vực này với các vùng lân cận./.
The original article was published in SEAA Newsletter March 2021 Issue 1. https://seaa-web.org/sites/default/files/seaa_newsletter_2021_march_issue_1.pdf
Source: https://seaa-web.org/
Lược dịch ngày 14/5/2021.
BẢO TÀNG NHÂN HỌC
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây