Trống đồng Pha Long

Thứ sáu - 25/06/2021 12:17
Trống đồng Pha Long
Tên gọi: Trống đồng Pha Long
Tên gọi cũ: Trống Bản Lầu
Quyết định công nhận bảo vật: số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng tỉnh Lào Cai
Phát hiện: trống đồng Pha Long được ông Vàng Dìu Quáng ở xã Pha Long, huyện Mường Khương phát hiện trong khi làm nương và giao lại cho Bảo tàng Hoàng Liên Sơn từ năm 1958. Năm 1992 khi chia tách Bảo tàng Hoàng Liên Sơn, mặt trống đồng Pha Long được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2500 – 2000 năm. Trống kiểu A2.
Trống chỉ còn nguyên vẹn phần mặt và 1 phần tang. Đường kính mặt 74cm.
Mặt trống
Các cánh hoa văn đã bị mờ. Chính giữa mặt là hình ngôi sao nổi 16 cánh. Xen giữa các cánh là những hình chữ V long nhau. Từ trong ra ngoài có 16 vành hoa văn.
Vành 1,2,3 để trơn.
Vành 5 là vành chính rộng nền.
Vành 4,6,9,11,16 là chấm dải
Vành 2 và 7 là những hình bông lúa kép.
Vành 8,12,15 là văn rang cưa.
Vành 13 và 14 là những hình bông lúa đơn.
Vành 10 là 20 hình chim mỏ và đuôi dài bay ngược chiều kim đồng hồ.
Theo các nhà nghiên cứu hình chim trống Pha Long khá giống hình chim bay trên trống Đonđét (CHDCND Lào).

Mặt trống đồng Pha Long
Hoa văn trên mặt trống Pha Long (Bản vẽ của Nguyễn Sơn Ka)
Thân trống
Phần còn lại của tang cao khoảng 16cm được trang trí khá phong phú. Phía trên gần mặt trống là một mảng hoa văn hình học gồm 6 băng.
Băng 1 và 6 là những chấm dải
Băng 2 và 5 là văn răng cưa có chấm
Băng 3 và 4 là những vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa
Phía dưới mảng hoa văn này chỉ còn thấy một vài bộ phận như cán vũ khí trên cắm long chim và những chóp mũ của người trang sức long chim, có lẽ là hình ảnh của người trên thuyền như ở trên các trống nhóm A.
Giá trị tiêu biểu: Trống đồng Đông Sơn là hiện vật đặc sắc của người Việt cổ trong thời văn hóa Đông Sơn, phản ánh nhiều mặt đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt cổ trong thời kỳ dựng nước đầu tiên của Việt Nam. Trống đồng xuất hiện ở đâu, tùy theo bối cảnh, vị trí sẽ có giá trị phản ánh chân thực các đặc trưng tộc  người, lãnh thổ hay giao lưu văn hóa. Việc tìm thấy trống đồng Đông Sơn ở khu vực Lào Cai, gần với Yên Bái - một khu vực tiếp cận gần với Vân Nam (nước Điền ngày xưa) có giá trị to lớn trong việc góp phần xác định vùng phân bố của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam cũng là vùng giao thoa mạnh mẽ giữa văn  hóa Đông Sơn và văn hóa Điền, qua đó cũng góp phần xác định lãnh thổ Văn Lang - Âu Lạc thời các vua Hùng, vua Thục trong khoảng vài ba thế kỷ trước Công nguyên. Các loại trống Đông Sơn ở vùng biên viễn khá hiếm, do vậy, trống đồng Pha Long tìm thấy ở Lào Cai có giá trị lịch sử - văn hóa cao trong việc tìm hiểu lịch sử Lào Cai, cũng như lãnh thổ Việt Nam thời dựng nước đầu tiên. Những chiếc trống Đông Sơn như vậy hiện đang được huy động vào việc biên soạn Lịch sử Việt Nam thời dựng nước tập 2, (thường gọi là Quốc sử).


Hoa văn hình ngôi sao và chim bay trên mặt trống Pha Long (Ảnh Trịnh Sinh)
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn tài liệu tham khảo
Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên và Trịnh Sinh 1987, Trống Đông Sơn, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.52.
Trống đồng Pha Long, http://dsvh.gov.vn/trong-dong-pha-long-3087
http://doingoailaocai.vn/vi/bai-viet/9430
Trịnh Sinh Thêm một “cột mốc chủ quyền” ở Pha Long, https://www.bienphong.com.vn/them-mot-coc-moc-chu-quyen-o-pha-long-post428768.html

 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây