Trống đồng Quảng Chính

Chủ nhật - 11/07/2021 12:53
Trống đồng Quảng Chính
Tên gọi: Trống đồng Quảng Chính
Quyết định công nhận bảo vật: Số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại phòng trưng bày Tiền - Sơ sử của Bảo tàng Quảng Ninh. Số đăng ký BTQN. 5224/ KL874.
Phát hiện: Năm 1981, ông Đinh Khắc Lân, xã viên HTX Quảng Lễ, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà tình cờ phát hiện trống trên một quả đồi thấp ở độ sâu hơn 1 mét. Năm 1983 trống được chuyển về Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh để trưng bày. Kể từ đó đến nay, đây vẫn là chiếc trống đồng duy nhất được tìm thấy tại Quảng Ninh
Niên đại: Căn cứ vào hình dáng, phong cách chế tác và đặc biệt là các họa tiết hoa văn trang trí của trống, các nhà nghiên cứu cho rằng trống Quảng Chính thuộc giai đoạn Đông Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ III-II trước Công nguyên. Trống thuộc loại 4 nhóm A trong hệ thống phân loại trống đồng Đông Sơn của Việt Nam.
Hiện trạng: Tương đối nguyên vẹn, phần mặt bị thủng một lỗ nhỏ

Ảnh chụp cận cảnh trống đồng Quảng Chính
(Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh)

Mặt trống Quảng Chính (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh)
Kích thước:
  • Trống cao 31cm; đường kính mặt 40cm; mặt cắt 48cm; đường kính đáy 54cm; trọng lượng 12,7kg
  • Phần mặt trống đường kính 40cm
  • Phần tang trống chu vi 147cm
  • Phần thân trống, cao 14cm, chu vi 126cm
  • Chân trống cao 5,3cm, chu vi 167cm

Trống được đúc từ hợp kim đồng - thiếc. Có hình trụ tròn gồm tang phình, thân thắt, chân choãi. Tang trống phần trên phình ra hình nón cụt, giữa thắt lại hình trụ tròn, phần chân loe ra hình phễu. Trống gồm 4 bộ phận: mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống, nhìn ngang trống được chia thành 3 tầng khác nhau: tầng thứ nhất là tầng chân, chân trống choãi; tầng 2 là thân trống, hơi loe; tầng 3 là tầng tang và mặt trống, phình ở giữa và thắt dần về hai phía ráp với mặt và thân trống.
 
Mặt trống được trang trí không trùng lặp với bất kỳ họa tiết của những trống đồng đã biết bởi những hình ngôi sao 16 cánh tượng trưng cho thần Mặt trời và nền văn minh lúa nước; Tiếp đến là hình các chú chim hạc mỏ và đuôi dài đang sải cánh bay cùng chiều kim đồng hồ; các hoa văn đồng tâm, họa tiết hoa văn răng cưa, điểm chú ý là rìa mặt trống có 12 lỗ nhỏ cách đều nhau, là dấu vết những con kê trên khuôn đúc trống.
Tang trống có hoa văn trang trí chủ đạo là hoa văn hình học với hình bốn chiếc thuyền được chạm khắc theo dáng hình đầu chim, vòng cung uốn cong lên chuyển động từ phải qua trái. Hình thuyền trên tang trống cũng độc đáo ở chỗ mũi thuyền nằm ở phía trái, tức là hướng chuyển động của thuyền là từ phải qua trái, trong khi các trống đồng khác thì ngược lại. Trên thuyền còn chạm khắc hình người ngồi giữa thuyền với tư thế tĩnh, hình người ngồi mũi thuyền đang trong tư thế chèo thuyền với tóc búi, trang phục đơn sơ, hướng ngồi của người trên thuyền đều hướng về phía mũi thuyền.
Thân trống được sắp xếp rất cân đối bằng các mô típ hoa văn khắc vạch và hoa văn chữ s chia làm 12 ô tượng trưng cho 12 tháng trong năm, giữa các ô là 12 con chim có thể là hình tượng của chim Bồ Nông mỏ dài, đuôi ngắn, đứng với nhiều tư thế khác nhau, quay theo hướng từ trái qua phải. Có điều khác biệt ở phần thân trống đồng Quảng Chính, có hai con chim ở ráp hai thân trống quay mặt vào nhau trên cùng một ô.
 Chân trống có 16 lỗ nhỏ vuông cách đều nhau,để trơn không có hình trang trí.

Trống đồng Quảng Chính là hiện vật gốc, độc bản, mang phong cách của trống Đông Sơn, nhưng cũng có sự khác biệt, có những nét riêng về hoa văn trang trí trên trống so với trống đồng Đông Sơn khác, nhất là hoa văn tả thực trên trống Quảng Chính. Họa tiết hình chim trên trống này cũng rất độc đáo, bay cùng chiều kim đồng hồ được thể hiện bằng các đường cong mềm mại với hình dáng cổ, mỏ, hình chim được thể hiện theo phong cách tả thực, trong khi trên các trống Đông Sơn chim lại bay ngược chiều kim đồng hồ với đuôi hình tam giác dài, thân dài, cánh hơi ngắn, cổ và mỏ dài. Hoa văn hình người chèo thuyền là mô típ phổ biến trên trống đồng Đông Sơn, nhưng hình người trên trống Quảng Chính lại thể hiện khá đơn giản. Hoa văn hình chim đứng trên trống Quảng Chính cũng khá đặc biệt, là độc nhất vô nhị mà ta biết được cho đến nay. Thành phần hợp kim không có chì cũng là một điểm khác biệt.
Như vậy, trống đồng Quảng Chính thể hiện truyền thống của văn hóa Đông Sơn, nhưng mang những sắc thái riêng biệt.
Đây là trống xa nhất về phía biển ở miền Bắc Việt Nam - nơi được coi là quê hương của trống đồng. Vị trí tìm thấy trống cũng là vị trí xa nhất về phía Bắc của vùng duyên hải phía Đông Bắc. Cùng với trống Pha Long phát hiện ở Lào Cai, trống Quảng Chính đã chứng minh cương vực và tầm ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn là một khu vực rộng lớn, từ núi cao cho đến duyên hải.
                                                                 Lâm Anh sưu tầm và biên soạn

Nguồn tài liệu tham khảo
Hồ sơ Tư liệu Cục Di sản Văn hóa
Trống đồng Quảng Chính http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/bao-vat-quoc-gia-trong-dong-quang-chinh-884.htm
Vài nét về trống đồng Quảng Chính https://baoquangninh.com.vn/vai-net-ve-trong-dong-quang-chinh-2475703.html
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây