Bảo vật Quốc gia
Tên gọi: Trống đồng Hữu Chung
Quyết định công nhận bảo vật số: 53/QĐ-TTg ngày 14/01/2014
Hiện đang trưng bày và lưu giữ tại: Bảo tàng tỉnh Hải Dương
Phát hiện: Tháng 5/1961, khi lấy đất đóng gạch, người dân đã tìm được một chiếc trống đồng ở độ sâu 0.80m trong bãi đất ven sông Luộc thuộc thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Khi được phát hiện trống đặt ngửa, xung quanh trống không có hiện vật. Trống còn tương đối nguyên vẹn.
Niên đại: Trống thuộc văn hóa Đông Sơn, kiểu C1, cách ngày nay trên 2000 năm
Kích thước: Đường kính mặt 82 cm, cao 67 cm.
Theo thông tin của báo Hải Dương Trống có đường kính mặt 91,5 cm, đường kính chân 97,7 cm, cao 67 cm, trọng lượng 75 kg
Mặt trống: Chính giữa mặt là hình ngôi sao nổi 12 cánh, xen giữa các cánh là những hình lông công xen kẽ với những hình chữ V lồng nhau. Từ trong ra ngoài có 9 vành hoa văn. Vành 1 là đường gẫy khúc hình chữ N liên tiếp và lồng nhau. Vành 2 và 8 là vòng tròn đồng tâm chấm giữa và có tiếp tuyến. Vành 3, 7, 9 là văn răng lược. Vành 4 là đường gấp khúc liên tiếp tạo thành những ô hình quả trám. Vành 5 là văn hình người trang sức lông chim cách điệu giống hình chim gắn vào đầu người ở lưng trống Quảng Xương. Vành 6 có hai họa tiết gần giống chiếc trâm cài tóc và những hình quả trám nối tiếp nhau tạo nên, trong mỗi hình có một vòng tròn đồng tâm chấm giữa. Hai hình trâm chia vành này thành hai phần bằng nhau, mỗi phần có 5 hình chim mỏ dài, đuôi dài có mào đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Gần rìa trống có 4 khối tượng cóc quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Mình cóc có trang trí văn hình học.
Thân trống: Phần trên của tang là một mảng hoa văn gồm 4 băng. Băng 1 và 4 là văn răng lược. Băng 2 và 3 là vòng tròn đồng tâm chấm giữa có tiếp tuyến. Băng 5 và 6 chiếc thuyền lớn nhỏ xen kẽ nhau. Thuyền có dáng cong như hình chim, ở đuôi có bánh lái, đầu thuyền được tạo ra như hình đầu chim có mào, há mỏ, giống hình thuyền trên trống Quảng Xương, gần giống với thuyền trên trống Salayo. Trên thuyền có những hình người như mặt trống nhưng cứ từng cặp hai hình chồng lên nhau liên tiếp.
Lưng có những cột hoa văn hình học giống như trên tang chia thành những ô hình chữ nhật, trong các ô có những hình chim cách điệu, cứ từng tốp ba con một chồng lên nhau, kiểu dáng giống hình chim trên mặt và trên thuyền.
Chân có ba đường chỉ nhỏ
Trống có 4 quai trang trí văn thừng tết
Trống Hữu Chung được các nhà nghiên cứu xác định là trống tiêu biểu cho sự chuyển hóa của nghệ thuật trống Đông Sơn. Ngoài một số hoa văn truyền thống vẫn được nhắc lại, một số hình mới xuất hiện như các khối tượng cóc trên mặt trống, hoa văn hình trám nối tiếp, đường chỉ trang trí ở chân và đặc biệt là hình chim được cách điệu hóa cao gần với dạng văn hình học. Lối cách điệu hóa phát triển theo xu hướng “biến hình thể” này cũng là một phong cách thể hiện độc đáo trong giai đoạn cuối của nghệ thuật trống Đông Sơn.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn tài liệu tham khảo
- Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh (1987), “Trống Đông Sơn”, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 93-94
- http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/53025/bo-suu-tap-quy-ve-do-dong-dong-son.html
- http://www.baohaiduong.vn/di-tich/ky-thu-nhung-lan-phat-hien-trong-dong-65682