Tên gọi: Đôi trống đồng Lô Lô
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng tỉnh Hà Giang
Phát hiện: Ở khu vực nơi cộng đồng người Lô Lô sinh sống, chưa có thông tin về năm phát hiện
Niên đại: trống Đông Sơn nhóm D (khoảng Thế kỷ V)
Kích thước: Đường kính mặt trống đực là 56cm và cao 24cm. Đường kính mặt trống cái là 62cm và cao 22cm.
Trống đồng Lô Lô trưng bày tại Bảo tàng Hà Giang, Ảnh: Internet
So sánh với những chiếc trống đồng Lô Lô mà Bảo tàng tỉnh Hà Giang đang lưu giữ thì đôi trống đồng Lô Lô này có số lượng vòng hoa văn phong phú nhất, bên cạnh đó có vành hoa văn lạ chưa từng thấy trên các trống Đông Sơn và các trống đã phát hiện được ở Hà Giang. Đó là Tổ hợp hoa văn biến ảo (gồm hình thuyền ngược, văn hình tam giác lồng, văn thổ cẩm hình nơ, văn bông lúa cách điệu).
Người Lô Lô ở Hà Giang hiện có khoảng trên 1.000 người, sống tập trung, quần tụ thành từng làng nhỏ. Đây là nét đặc trưng trong lối sống của người Lô Lô khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trong các bài dân ca của người Lô Lô, trống đồng được nhắc đến nhiều như một biểu tượng văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của người Lô Lô. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến động, thăng trầm của lịch sử, trống đồng Lô Lô vẫn được đồng bào dân tộc nơi đây bảo tồn đến ngày nay.
Trống đồng Lô Lô thường đi thành cặp, một chiếc đực (nhỏ hơn) và một chiếc cái (lớn hơn), dùng trong các dịp lễ Tết, tang ma. Trống được cấu tạo tang mở, thân eo, chân choãi, có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh. Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tiêu biểu như: đường thẳng song song hướng tâm, vòng tròn chấm, hình người hóa trang cách điệu, mặt trống có nhiều lỗ tròn thủng. Người Lô Lô quan niệm, những lỗ tròn ấy là mặt trời, tia trống là con mắt của mặt trời, vành hoa xung quanh là các hành tinh. Hoa văn trên mặt trống đồng có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc này.
Người Lô Lô sử dụng trống đồng thường có đôi, có cặp: một trống đực và một trống cái. Ảnh: Internet
Trống đồng được sử dụng trong những dịp lễ của dân tộc. Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống. Trong lễ tế trời, người ta dùng trống mồ dảnh (trống trời). Lễ cúng thổ thần dùng trống Po dảnh (trống ếch). Trong tang ma dùng trống múi dảnh, thắng dảnh. Khi đánh trống, người ta treo trống đực và trống cái quay mặt vào nhau, 2 tay cầm hai dùi đánh 36 điệu. Người đánh trống phải được lựa chọn, đó là những người đàn ông chưa vợ và nếu có vợ thì vợ phải không trong thời kỳ mang thai. Tiếng trống đồng đại diện cho tiếng nói thần linh đưa hồn người chết về với đất mẹ. Trống đồng dùng xong sẽ được bí mật đem chôn giấu ngay ở một nơi sạch sẽ, kín đáo, mặt trống để xuống dưới, chân trống trở lên trên rồi phủ đất lên.
Ngày nay, trống đồng chủ yếu dược sử dụng trong lễ ma khô của đồng bào. Nó dược coi như chiếc cầu nối giữa cõi sống và cõi chết. Tiếng trống đồng đại diện cho tiếng nói thần linh đưa hồn người chết về với đất mẹ. Trống đồng chỉ đánh vào buổi chiều trước khi đưa ma. Tiếng trống đồng cất lện trầm bổng, lúc dồn dập, lúc khoan thai theo lời đọc của thầy cúng, giữ nhịp cho các điệu múa nghi lễ. Thày cúng, trống đồng và các điệu múa nghi lễ là bộ ba không tách rời trong lễ ma khô của người Lô Lô.
Người Lô Lô xem trống đồng như một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng về sức sống trường tồn của dân tộc mình. Trước đây, mỗi dòng họ thường có một đôi trống đồng nhưng hiện nay số lượng trống đồng trong các làng Lô Lô còn rất ít; Nguyên nhân chủ yếu là bị đánh cắp, hoặc đem bán đi vì đa phần các trống đồng Lô Lô đều là những cổ vật rất giá trị, có tuổi hàng nghìn năm.
Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng. Ảnh: Internet
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn