Tên gọi: Trống đồng Trà Lộc
Quyết định công nhận bảo vật: Số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, thuộc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Số kiểm kê 1464/KL483
Phát hiện: Trống đồng Trà Lộc được ông Hoàng Công Sơn phát hiện vào ngày 20/3/1998 trong khi rà tìm phế liệu tại khu vực Rú Cát thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân (huyện Hải Lăng).
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2500 năm
Kích thước: Đường kính mặt trống: 33,5cm; đường kính chân trống: 41,5cm; cao toàn thân: 27cm, trọng lượng: 8kg.
Tình trạng: Nguyên vẹn
Trống đồng Trà Lộc tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị
Trống có hình dạng chân thon, đế choải, tang phình có 4 quai.
Mặt trống được trang trí hình sao 10 cánh mập; xen giữa cánh sao là chữ V lồng, đầu chữ V quay ra ngoài; gồm 7 vành hoa văn với các họa tiết như: vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa; chim mỏ dài có mào, đuôi dài, đang bay ngược chiều kim đồng hồ; hoa văn chấm dải…
Tang trống trang trí hoa văn 4 hình thuyền có người đang chèo.
Thân trống có 5 vành hoa văn được trang trí hình bò u nổi cao, hình chấm dải.
Quai trống có 2 đôi quai kép hình bán khuyên, được trang trí hoa văn thừng tết.
Trống được đúc bằng khuôn nhiều mang, dấu vết mang khuôn vẫn còn khá rõ.
Chân trống choãi, không trang trí hoa văn
Những trang trí chủ đạo như hình người có mặt giống thú, bò u thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của văn hóa Điền – Vân Nam (Trung Quốc), sự kết hợp giữa hai phong cách Điền – Việt qua hoa văn trang trí được thể hiện rất rõ trên trống đồng Trà Lộc.
Trống đồng Trà Lộc và những hiện vật đồ đồng Văn hóa Đông Sơn đều được phát hiện ngẫu nhiên ở Quảng Trị, là vùng giao thoa văn hóa giữa Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Sa Huỳnh.
Trống đồng Trà Lộc là hiện vật độc bản, dù về mặt tổng thể mang đặc trưng của trống đồng Văn hóa Đông Sơn, nhưng về chi tiết cũng có nhiều nét riêng, độc đáo, gần gũi với trống ở di chỉ Làng Vạc (Nghệ An), là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao của Văn hóa Đông Sơn.
Trống Trà Lộc cùng với những trống đồng Đông Sơn khác đã phát hiện ở miền Trung, miền Nam Việt Nam và một số khu vực ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn và mối quan hệ văn hóa, kinh tế, chính trị giữa các cộng đồng cư dân Đông Sơn với những cộng đồng cư dân khác cùng thời.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn