Bảo vật Quốc gia
Tên gọi: Trống đồng Hoàng Hạ
Quyết định công nhận bảo vật: Số 1426/QĐ-TTG ngày 01/12/2012
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội
Phát hiện: Vào khoảng tháng 3 năm 1937, trong khi đào mương, nhân dân xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội) đã tìm thấy trống Hoàng Hạ ở độ sâu 1,5m trong lòng đất. Trống đã được V.Goloubew sưu tầm sau đó vào ngày 27 tháng 3 năm 1937.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay từ 2.500 đến 2.000 năm
Kích thước: Trống có hình dáng và kích thước cân đối gần giống trống đồng Ngọc Lũ. Đường kính mặt 78,5cm, đường kính chân 79,9cm, chiều cao 61,5cm. Trọng lượng của trống 78kg
Cấu trúc trống gồm các bộ phận: Mặt trống, tang trống, thân trống và chân trống. Mặt trống đúc liền chờm ra khỏi tang trống. Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi ra.
Mặt trống: Bố cục của những hình trang trí trên mặt trống rất gần với mặt trống Ngọc Lũ. Chính giữa đúc nổi ngôi sao 16 cánh, xen kẽ các cánh sao là họa tiết trang trí hình lông công. Bao quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn gồm hai loại: văn hình học, hình khắc người, động vật và vật.
Về hoa văn hình học: Ngoài các hoa văn giống trống Ngọc Lũ như: hoa văn chấm nhỏ thẳng hàng, chữ S gãy khúc nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, văn răng cưa, trống Hoàng Hạ còn có thêm hoa văn hình xoắn ốc và vòng tròn đồng tâm.
Về hình khắc người và vật: Trên vành 9 của trống thấy có 14 chim mỏ dài, đuôi và chân dài, có mào bay ngược chiều kim đồng hồ. Đặc biệt ở vành 6 của trống có hình người mặc áo lông chim, trên đầu có mũ cắm hình đầu chim đang nhảy múa, tay cầm vũ khí hoặc nhạc khí; người giã gạo chày đôi; nhà sàn mái cong; chim mỏ dài và chim mỏ ngắn đang bay. Rìa mặt trống có 30 lỗ nhỏ cách đều nhau, là dấu vết những con kê trên khuôn đúc trống.
Tang trống: Bố cục trang trí và hình hoa văn giống như trống Ngọc Lũ, gồm 2 phần:
Phần trên gồm 6 vành hoa văn hình học: những đường chấm nhỏ thẳng hàng, văn răng cưa, hoa văn vòng tròn đồng tâm chấm giữa, nối với nhau bằng những tiếp tuyến song song.
Phần dưới có 6 chiến thuyền dáng cong hình vòng cung, đầu và đuôi thuyền cũng được thể hiện theo hình đầu chim, chuyển động từ trái sang phải. Trên thuyền có những chiến binh tay cầm vũ khí diễn tả cảnh giết tù binh. Xen giữa các thuyền là những hình chim có từ hai đến bốn con. Đó là loại chim nước có mào, mỏ dài, chân cao, đuôi dài. Có chỗ hai chim đứng quay mặt vào nhau, hoặc chim nọ đứng trên lưng chim kia, có lẽ biểu hiện hình chim đạp mái. Đặc biệt dưới gầm một số thuyền còn thấy hình cá.
Thân trống: Có bố cục trang trí tương tự trống đồng Ngọc Lũ: phần trên của thân có những hoa văn hình học chạy song song cắt nhau tạo thành các ô hình chữ nhật. Trong mỗi ô có hai hình vũ sĩ đầu đội mũ lông chim, tay cầm vũ khí, tư thế vận động từ trái qua phải. Phần dưới của thân là những vành hoa văn hình học: hàng chấm nhỏ, văn răng cưa, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến và đường chỉ trơn.Trống có hai đôi quai kép trang trí văn bện thừng.
Chân trống: Để trơn, không trang trí hoa văn.
Trống đồng Hoàng Hạ được xếp vào loại H1 - Heger (theo phân loại của học giả F.Héger người Áo vào năm 1902) và A1 theo phân loại của các học giả Việt Nam với dáng cân đối, hài hòa, chia ba phần rõ rệt, chiều cao của tang và lưng xấp xỉ nhau, có kích thước lớn. Hoa văn trang trí phong phú, tinh tế, bố cục hài hòa gồm. hoa văn tả người, vật, động vật và hoa văn hình học. Hoa văn có thể chia làm hai khôi: hoa vãn nền và khối hoa văn hiện thực. Hoa văn trang trí đơn thuần, thường làm nền cho những hoa văn hiện thực tả người, động vật, thực vật hay vật dụng. Chính nhờ khối hoa văn nền này mà khối hoa văn hiện thực trở nên nổi nét. Có lẽ ý đô của người nghệ sĩ tạo hình muốn gửi gắm suy tư của mình chủ yếu qua khối hoa văn hiện thực.
Trống đồng Hoàng Hạ là loại trống H1 điển hình, kiểu dáng, đề tài hoa văn trang trí độc đáo và còn khá nguyên vẹn. Trống đồng Hoàng Hạ có kích thước lớn là một tiêu bản đặc biệt được xếp vào cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, nhóm trống đặc trưng tiêu biểu nhất.
Có thể nói đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn mà ở đó, người Việt đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Đồ đồng có mặt trong toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của người Đông Sơn. Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng thời này đã đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn không thể lẫn với bất kì nền Văn hóa khảo cổ nào khác trên thế giới. Trong số những hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu nhất chính là trồng đồng. Chính vì thế, cùng với trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ đã thể hiện được tất cả ý nghĩa, giá trị, kỹ thuật, nghệ thuật của một thời kỳ đỉnh cao của dân tộc Việt: văn hóa Đông Sơn. Trống đồng Hoàng Hạ xứng đáng là Bảo vật Quốc gia của Việt Nam.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn tài liệu tham khảo
- http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1001/13607/gioi-thieu-bao-vat-quoc-gia-2-trong-djong-hoang-ha-a-hau-trong-djong-djong-son.html
- Hà Văn Tấn (cb) 1994, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.