Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng

Thứ tư - 23/06/2021 09:01
Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng
Tên gọi: Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng Hà Nội
 
Trống đồng Cổ Loa
Phát hiện: Năm 1982, trong khi làm vườn, một nông dân đã phát hiện trên cánh đồng Mả Tre (Cổ Loa) một chiếc trống đồng Đông Sơn trong tư thế nằm ngửa. Bên trong chứa đầy các đồ đồng bao gồm trống đồng (4 cái tính cả trống làm đồ đựng), thố, giáo , dao găm, mũi tên, rìu, cuốc, lưỡi cày. Trống lớn nhất chính là trống dùng làm đồ đựng, 3 trống khác chỉ còn mảnh vỡ. Trống lớn nhất là trống Cổ Loa I, các trống nhỏ vỡ là trống Cổ Loa II, III và IV.
Niên đại: Thuộc văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay trên 2000 năm.
Kích thước: Đường kính mặt 73,8cm, cao 53cm. Theo Minh văn in trên trống, trống nặng 281 cân (1 cân thời Tần Hán nặng 256,25 gr). Trọng lượng thực 72 kg.
Trống đồng Cổ Loa trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội

Trống Cổ Loa, phát hiện tại gò Mả Tre năm 1982
Mặt trống:
Chính giữa là mặt hình ngôi sao nổi 14 cánh, xen giữa các cánh là hình lông công.
Mặt trống có 15 vành hoa văn, số thứ tự cách vành từ trong ra ngoài.
Vành 1,5,9,14 là những chấm dải.
Vành 2, 4, 7, 11 và 12 là những vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa.
Vành 3 hoa văn chữ S
Vành 6 và 8 trang trí hình người, vật và động vật quanh ngôi sao chuyển động theo chiều ngược hướng kim đồng hồ. Vành 6 được chia thành hai nửa đối xứng nhau gồm 2 nhóm người múa, 2 dàn trống có người đánh, 2 nhà mái cong, 2 nhà mái tròn, hai nhóm giã gạo. Bố cục giống trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ.
Theo các nhà nghiên cứu, mặt trống Cổ Loa giống với trống Hoàng Hạ. So với trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ, đường nét trang trí trên trống Cổ Loa kém tinh tế hơn.
Thân trống
Gần mặt trống có 6 băng văn hình học
Băng 1 và 6 là văn chấm dải
Băng 1 và 5 là văn răng lược.
Băng 3 và 4 là vòng tròn tiếp tuyến.
Phía dưới là băng trang trí chủ đạo có hình sáu chiếc thuyền, xen kẽ các hình thuyền có một chim đứng mỏ dài, đuôi dài, chân cao. Do trống bị gỉ nhiều nên trong số sáu thuyền, chỉ còn một thuyền có thể nhận rõ người trên thuyền.
Lưng trống có những băng hoa văn hình học bố trí theo chiều thẳng đứng chia thành 6 ô hình chữ nhật. Trống có 4 quai kép, trang trí văn thừng.
Minh văn: Đây là chiếc trống đầu tiên có minh văn (chữ khắc) được tìm thấy trong thành Cổ Loa. Mặt trong chân trống có khắc chìm một dòng chữ Hán, được phiên âm là "Tây Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân", theo TS. Nguyễn Việt có thể dịch là “Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”.
 
 
Minh văn bên trong vành chân đế trống Cổ Loa

Đây là một trống đồng thuộc loại quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, bởi vì có kích thước lớn và hoa văn trang trí trên mặt, trên thân cùng kiểu như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ nhưng với số vành hoa văn ít hơn và loại hoa văn trang trí cũng đơn giản hơn.
 
Bộ sưu tập lưỡi cày đồng
Bộ sưu tập lưỡi cày đồng gồm 20 chiếc, chủ yếu có 3 kiểu chính là lưỡi cày hình tim, hình bầu dục và gần hình tròn. Bộ sưu tập được phát hiện bên trong trống Cổ Loa I.
Lưỡi cày thuộc sưu tập đồ đồng bên trong trống Cổ Loa I
 
Phát hiện trống Cổ Loa I và sưu tập đồ đồng bên trong trống tại Mả Tre có lẽ cũng giống như phát hiện kho mũi tên đồng Cầu Vực và nhóm hiện vật xóm Nhồi, đều ở Cổ Loa cho thấy đây có thể là kho giấu tài sản trước một biến động lớn trong xã hội.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn tài liệu tham khảo
1. Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987, Trống Đông Sơn, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.47-48.

2. Nguyễn Việt, Trống đồng Cổ Loa – Minh văn và một cách hiểu mới, http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3091/9120/trong-djong-co-loa-minh-van-va-mot-cach-hieu-moi.html
3. https://thanhcoloa.vn/trong-dong-co-loa

 

Tổng số điểm của bài viết là: 71 trong 16 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 16 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây