Quyết định công nhận bảo vật: Số 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội
Phát hiện: Người dân tình cờ phát hiện khi đào giếng ở độ sâu khoảng 1m cách mặt đất tại khu di tích lịch sử đền Trần, thôn Tức Mạc phường Lộc Vượng thành phố Nam Định vào khảng giữa năm 1972.
Niên đại: Thời Trần (1225 – 1400).
Kích thước: Cao: 57 cm; ĐK miệng: 35 cm; Đk thân: 50cm; Đk đáy: 34cm
Hiện trạng: Nguyên vẹn
Thống gốm hoa nâu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Thống gốm hoa nâu có miệng rộng nổi thành gờ viền, thân to phình chia thành 8 múi cân đối thuôn dần xuống đáy, trên vai đắp nổi băng cánh sen, cánh to xen kẽ cánh nhỏ. Chân đế thấp, hơi loe.
Thống được tạo dáng như một bông sen nở 8 cánh, trong mỗi cánh dọc thân là một cành hoa sen gồm 3 bông hoa sen nở xòe hết cỡ, 4 lá sen cách đều. Cành hoa sen này được cắm vào một bình có chân đế cao. Thống gốm hoa nâu có dáng chắc khỏe, cốt gốm dầy, chất đất thô xốp, trong lòng để mộc không tráng men, đồ án trang trí trên thống theo lối khắc vẽ thành đường nền rồi dùng màu nâu lấy từ đất đỏ, tô vẽ thành mảng. Sau cùng mới phủ tráng một lớp men vàng ngà.
Chi tiết hoa văn trang trí trên thống
Thống gốm hoa nâu chính là vật dụng trong cung của các vị Thái thượng hoàng vương triều nhà Trần. Vật ngự dụng độc đáo điển hình này lại được phát hiện ngay tại khu di tích đền Trần ở thôn Tức Mạc là quê hương và cũng là kinh đô thứ hai của vương triều Trần, một vương triều quân chủ thịnh trị và vẻ vang nhất trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Hiện đây là khu di tích lịch sử quan trọng của quốc gia có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử của thế kỷ 13 - 14.
Thống gốm là ví dụ điển hình cho kỹ thuật làm gốm đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của nghệ thuật gốm cổ như đồ án trang trí trên gốm theo lối khắc vẽ thành đường nền rồi dùng màu nâu lấy từ đất đỏ, tô vẽ thành mảng, sau cùng phủ tráng một lớp men vàng ngà. Đây là kỹ thuật tạo đồ án trang trí đặc trưng nhất trong lịch sử làm gốm của dân tộc. Duy nhất trong thời Trần ở khu vực Bắc bộ Việt Nam mới có lối kỹ thuật tạo đồ án trang trí trên gốm như vậy. Đề tài trang trí của mang đậm dấu ấn nghệ thuật Phật giáo dân tộc. Đến thời Trần, Phật giáo Việt Nam bắt đầu nở rộ, hoa sen chính là biểu tượng của nhà Phật. Sự kiện Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để lên lên núi Yên Tử đi tu đó chính là sự nở hoa kết trái của phái Thiền tông.
Thống gốm hoa nâu triều Trần là đại diện đặc sắc cả về kiểu dáng và kỹ thuật tạo đồ án trang trí trong phức hợp gốm hoa nâu lưu giữ tại BTLSQG, là hiện vật để lại nhiều ấn tượng cho khách tham quan và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Chu Lâm Anh sưu tầm và biên soạn