Tháp gốm men chùa Trò

Thứ sáu - 10/09/2021 10:09
Tháp gốm men chùa Trò
Tên gọi: Tháp gốm men chùa Trò
Quyết định công nhận bảo vật: Số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc
Phát hiện: Không rõ thông tin
Niên đại: Thế kỷ XIV
Kích thước: Cao 145cm, đế rộng 50cm x 50cm. 
Hiện trạng: Nguyên vẹn


Tháp gốm men chùa Trò
(Ảnh: Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Bảo vật Quốc gia tháp gốm men chùa Trò vốn là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự) thuộc thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Hiện nay, cây tháp thờ được đặt trang nghiêm trước cửa chùa. Chùa Trò tương truyền được xây dựng từ thời Lý - Trần.
Tháp được làm bằng đất nung, tráng men ba màu: xanh ngọc, trắng và nâu, dáng một khối hộp hình vuông, rộng ở đế và thu nhỏ dần về phía đỉnh, phần còn lại 9 tầng, lòng tháp rỗng. Bốn mặt các tầng tháp đều có cửa hình tò vò. Toàn bộ tháp được trang trí hoa văn, mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIV.
Tính từ đế lên tới đỉnh, tháp được làm thành ba thớt, tương ứng với ba phần: đế, bệ và thân. Đế tháp được tạo 4 khối tương tự nhau, sau đó ghép lại thành một khối hộp vuông vững chắc, trên đế có 2 băng hoa văn; bệ tháp là một khối hộp hình vuông, có 4 chân quỳ trang trí hình lá đề ở 4 góc; thân tháp cũng là một khối hộp vuông được làm rời nhau, nay còn lại 9 tầng cùng với 446 tượng Phật bố trí từ trên xuống dưới tạo nên cảm giác tầng tầng, lớp lớp, 4 phương, 8 hướng đâu đâu cũng có hình ảnh Đức Phật.
Từ sau thế kỷ X, gốm men Đại Việt có một bước đột phá ngoạn mục, với sự hoàn thiện của hầu như tất cả các dòng gốm men: men ngọc, men trắng, men nâu, men lục nhẹ lửa, gốm hoa nâu… Đây là thời kỳ được hai nhà gốm sứ học hàng đầu thế giới Jonh Stevenson và Jonh Guy lấy làm bản lề để xây dựng nên một danh xưng: “Gốm Việt Nam - một truyền thống riêng biệt”. Từ góc độ truyền thống này, tháp gốm chùa Trò là một đại diện tiêu biểu, xuất sắc, minh định cho ý kiến của hai nhà nghiên cứu nêu trên.
Tháp gốm men chùa Trò với những đề tài trang trí đậm sắc màu Phật giáo đã phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, khi tôn giáo này được hai triều Lý và Trần tôn vinh thành Quốc giáo. Những đề tài trang trí trên tháp, dẫu mang đậm chất nhà Phật, nhưng đó lại là sự mở đầu, làm cơ sở cho nghệ thuật của các triều đại sau lấy cảm hứng để tiếp thu và sáng tạo. Hoa văn trang trí trên tháp còn phản ánh sự dung nạp nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và Champa của Đại Việt với một thái độ mềm dẻo, nhưng cũng khẳng định sự kế thừa những yếu tố truyền thống Đông Sơn trước đó hơn một nghìn năm, được biểu hiện qua băng hoa văn kỷ hà, khắc họa trên diềm mái các tầng trên của tháp. Sự kế thừa truyền thống Đông Sơn, trên cây bảo tháp này tuy còn mờ nhạt, nhưng trên sưu tập gốm thời Lý - Trần đã trở thành một hiện tượng nổi trội, được giới nghiên cứu khẳng định từ nhiều thập niên trước. Cùng một lúc, ba màu men xuất hiện trên tháp chùa Trò, cũng là ba màu cơ bản của gốm men thời Lý - Trần đánh dấu mốc khởi phát của dòng gốm men đa sắc Việt Nam, làm tiền đề cho gốm tam thái, ngũ thái thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn phát triển và hung thịnh.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn:
Thanh Tâm, Tháp gốm men chùa Trò được công nhận là bảo vật Quốc gia, https://phatgiao.org.vn/thap-gom-men-chua-tro-duoc-cong-nhan-la-bao-vat-quoc-gia-d35065.html#
Cục Di sản Văn hóa, Tháp gốm men chùa Trò, http://dsvh.gov.vn/thap-gom-men-chua-tro-3093

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây