Mô hình nhà thời Trần

Chủ nhật - 29/08/2021 07:31
Mô hình nhà thời Trần
Tên gọi: Mô hình nhà
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng tỉnh Nam Định
Phát hiện: Do người dân đào được tại khu lăng Chiếng, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định năm 1973. 
Niên đại:  thời Trần, thế kỷ XIII-XIV
Kích thước: Cạnh tường dài từ 12-39cm, cao: 20-27cm, mái rộng: 8-13cm, dày: 1,5-3cm.
Hiện trạng: Nguyên vẹn

Mô hình nhà đất nung thời Trần (ảnh tư liệu của Bảo tàng Nam Định)

Bảo vật Quốc gia “Mô hình nhà thời Trần, thế kỷ XIII-XIV”
đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh của Báo Nam Định).
Mô hình của một kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” với nghệ thuật độc đáo và hoàn chỉnh gồm 14 mảnh ghép với nhau. Bên ngoài là tường bao gồm 8 mảnh, phía trước là cổng, chính giữa tường sau là một tòa nhà 4 mái được lợp bằng ngói mũi sen, mặt trước 2 bên chạm thông phong hoa văn nhánh cúc, mặt sau bên cạnh hoa văn hoa thị khắc các đường gờ nổi song song với nhau. Hai bên tường mở 2 cửa, trong đó cửa cổng bên phải có bố cục và đồ án trang trí hình đôi rồng chầu lá đề, phần dưới trang trí hoa văn sóng nước, cổng cửa bên trái có vệt tròn vạch vào chính giữa. Cổng có 4 mái lợp ngói. Mặt trong tường để trơn, mặt ngoài trang trí ô hoa văn hoa thị 4 cánh. Tường tạo 2 mái vát, mái chính lợp ngói mũi sen, mái phụ lợp ngói ống. Trung tâm của mô hình nhà là cụm công trình gồm tòa nhà chính hình chữ nhật 4 mái lợp ngói, hiên rộng, dựng 2 cột tròn 2 bên, phía trong là bộ cánh cửa trang trí hình rồng chầu. Kế tiếp là 2 dãy nhà dọc ở 2 bên (dạng ống muống) vuông góc và gối một đầu lên nhà chính. Nhà 2 mái lợp ngói. Bên phải công trình chính là nhà đặt bia, bên trái là tháp 2 tầng 4 mái lợp ngói. Qua nghiên cứu các chi tiết, cấu tạo của mô hình này, các nhà khoa học đều nhận định mô hình được trang trí tỉ mỉ, các chi tiết kiến trúc cột, trụ, đấu, xà, vì kèo được thiết kế tinh xảo. Đây là điểm độc đáo của mô hình nhà thời Trần phát hiện ở Nam Định mà những mô hình khác không có được. Các họa tiết, hoa văn trang trí chủ đạo như: Lá đề, hoa thị, hoa cúc, hình rồng… đều là đặc trưng của thời Trần, minh chứng bằng việc đã tìm thấy nhiều đồ án trang trí này tại các công trình kiến trúc, di vật thuộc khu vực hành cung Thiên Trường xưa. Tại vị trí các cánh cửa bên phải tường bao và trong căn nhà giữa của mô hình còn được trang trí mô típ hoa văn hình đôi rồng chầu cùng các hoa văn phụ trợ giống cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh thời nhà Trần tại Nam Định. Đó chính là sự liên kết và thống nhất về phong cách nghệ thuật, mỹ thuật, cũng như tư duy thẩm mỹ trong văn hóa thời nhàTrần. Các vật liệu xây dựng trang trí ngói lợp: Ngói sen đơn, sen kép thuần Việt và ngói ống của phương Bắc phản ánh sự giao thoa văn hóa. Mái chính của công trình được lợp bằng ngói mũi sen, các phần kiến trúc phụ lợp bằng ngói ống thể hiện rõ ý thức dân tộc, tinh thần Đông A thời nhà Trần.
 
                                                Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn
Bảo tàng tình Nam Định, Mô hình nhà – Bảo vật Quốc gia
http://baotangtinhnamdinh.vn/tin-tuc-detail.aspx?id=65
Bảo tàng Quảng Ninh, Đặc sắc mô hình nhà thời Trần
http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/dac-sac-mo-hinh-nha-thoi-tran-883.htm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây