Cây đèn gốm men lam xám

Thứ ba - 31/08/2021 10:30
Cây đèn gốm men lam xám
Tên gọi: Cây đèn gốm men lam xám
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng Hà Nội, số hiệu BTHN 4444
Phát hiện: Theo các nhà nghiên cứu, chân đèn gốm này là đồ thờ được cung tiến vào chùa Thanh Lan (thôn My Xuyên, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương).
Niên đại: Thời Mạc, TK. XVI, Niên hiệu Diên Thành 5 (1582).
Kích thước: chiều cao 73,5cm, đường kính miệng 16,5cm, đường kính đáy 22cm, trọng lượng 12kg
Hiện trạng: Nguyên vẹn
Người làm: Nghệ nhân gốm Đặng Huyền Thông, người đã sáng tạo ra dòng gốm men lam xám đại diện cho phong cách gốm thời Mạc, đây là sản phẩm tiêu biểu của ông.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung lập triều Mạc. Dưới thời vương triều Mạc, sản xuất gốm tiếp tục phát triển kế thừa truyền thống sản xuất gốm thời Lê Sơ. Đặc biệt dưới thời Mạc đã có thêm một số loại hình gốm mới, đó là chân đèn, lư hương và con nghê gốm. Những trung tâm sản xuất gốm thời kỳ này có Bát Tràng (Hà Nội), một số địa điểm ở Hải Dương như Chu Đậu, Hợp Lễ. Lư hương gốm sành tráng men thường được làm ở Phù Lãng. Những chân đèn thời Mạc hiện không nhiều và đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Hà Nội… Trong số những chân đèn, một số có ghi rõ tên người làm và nơi sản xuất, trong đó có Đặng Huyền Thông (tức Đặng Nghiệp) ở xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, Phủ Nam Sách (ngay cạnh địa điểm sản xuất gốm nổi tiếng Chu Đậu).

Cây đèn ở Bảo tàng Hà Nội gồm hai phần rời được khớp lại với nhau. Phần dưới cây đèn giống một chiếc mai bình, phần trên như bông sen nở. Cây đèn được trang trí hoa văn với các đề tài như: Rồng yên ngựa, rồng trong lá đề, răng cưa, vạch đứng song song, bông hoa tròn hình ngôi sao 8 cánh nhọn... Các hoa văn này đều mang nét đặc trưng của phong cách Đặng Huyền Thông và kế thừa hoa văn thời Lê Sơ. Phần trên cây đèn có miệng đấu (để đặt đĩa đèn) và hai đoạn hình loa, giữa hai đoạn là một đường gờ nổi. Cổ nhỏ lắp khớp với phần trên, vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi. Trên vai chân đèn có một hàng chữ Hán đúc nổi, mỗi chữ đặt trong ô hình vuông có nội dung: “Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình, chúng sinh đồng thụ phúc trường diên khảo”. Trước đầu rồng ở phần thân chân đèn có 3 chữ “Thanh Lan tự” đúc nổi trong ô tròn. Đặc biệt, xen kẽ hình rồng ở phần dưới chân đèn có khắc chìm dưới men bài minh văn bằng chữ Hán, gồm 27 dòng. Trên đèn còn khắc thời gian tạo tác là năm 1582 - đời vua Mạc Mậu Hợp. Thông tin về minh văn trên đồ gốm này là minh chứng cho thời kỳ phục hưng Phật giáo ở Việt Nam trong thế kỷ XVI.
Trong số các tác phẩm của tác giả Đặng Huyền Thông còn lại đến nay, đây là chân đèn gốm đặc biệt nhất, là hiện vật gốc còn tương đối nguyên vẹn. Với những giá trị nổi bật, hiện vật chân đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của Đặng Huyền Thông đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn

Bảo vật Quốc gia ở Bảo tàng Hà Nội, http://baotanghanoi.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-vat-quoc-gia-o-bao-tang-ha-noi-25549
Thùy Hương, Cây đèn gốm men lam thế kỷ XVI, http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/977502/cay-den-gom-men-lam-the-ky-xvi
Hà Văn Tấn (cb), 2002, Khảo cổ học Việt Nam, T.III. Khảo cổ học Lịch sử Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.240-241

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây