Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (mâm bồng gốm men ngũ sắc)

Thứ năm - 16/09/2021 20:57
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (mâm bồng gốm men ngũ sắc)
Tên gọi: Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu (mâm bồng gốm men ngũ sắc)
Quyết định công nhận bảo vật: 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại không gian trưng bày Cổ vật tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Số đăng ký BTQN 6150/ G684.
Phát hiện: Bảo tàng Quảng Ninh sưu tầm (mua lại) chiếc mâm bồng này của ông Nguyễn Tuấn Anh tại số nhà 383, đường Hồng Hà, phường Phúc Tân, quận Hoàng Kiếm, Hà Nội. Mâm bồng gốm men nhiều màu đã được đăng ký tại Sở văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2018.   
Niên đại: Thế kỷ XV
Kích thước: đường kính miệng 41,3 - 41,5cm; đường kính đáy 20,6cm; cao 8,5cm; lòng đĩa sâu 6,5cm. 
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu có trọng lượng 5.500 gram, chiều cao tổng cộng 27cm, gồm ba phần: mâm, cổ và chân. Mâm nằm ở trên cùng có cấu trúc giống như loại đĩa lớn sâu lòng, thành uốn cong, miệng giật cấp và tạo hình cánh sen. Phần cổ nằm ở giữa, hai đầu trên dưới có cấu trúc tròn và thắt lại; phần giữa hình lục giác, phình ra và giật lại 2 cấp; Chân đế có cấu trúc hình bán cầu, mặt với 6 điểm nhô ra tạo thành 6 chân kiểu chân quỳ, phần giữa các chân thụt vào thành các hộc nông; toàn bộ 6 chân và hộc đặt trên vành tròn, là điểm tiếp giáp của đế.

Tổng thể mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu, có cấu trúc giống như một đài sen với phần mâm phía trên chính là phần bông sen, cổ và thân giống như phần cuống của bông sen. Ở góc nhìn thẳng từ trên xuống, mâm bồng giống như một đoá sen đang độ khai mãn. Các dải băng hoa văn, đồ án hoa văn chủ yếu được sử dụng trang trí mâm bồng: Cá chép hoá rồng, linh thú, văn mây, cánh sen, long mã, bát bửu, bát tiên… Mỗi dải băng, đồ án hoa văn được trang trí trên mâm bồng đều thể hiện bố cục chặt chẽ, khúc chiết mang ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng thời đại: Đồ án hoa văn trung tâm cá hóa rồng biểu trưng cho Nho giáo (Nho giáo trở thành quốc giáo thời Lê sơ) thì dải băng hoa văn Hoa sen lại biểu trưng cho Phật giáo (thể hiện sự dung hòa giữa các tôn giáo cùng phát triển  trong thế kỷ XV). Sự điều chỉnh chuyển hóa 5 bản nguyên thế giới thể hiện qua hoa văn hình ngựa có cánh phi nước đại biểu trưng không chỉ về tín ngưỡng cổ truyền mà phần nào phản ánh về nhân sinh quan về cái nhìn nhận thức về vũ trụ, thế giới… Toàn bộ mỗi băng dải hoa văn và đồ án hoa văn kết hợp lại với nhau tạo điểm nhấn riêng, cùng gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc bản, đạt đỉnh cao của sự tinh mỹ trong bố cục hoa văn cho tổng thể mâm bồng.
Mâm bồng được tạo dáng bằng kỹ thuật bàn xoay kết hợp với bằng tay từ đất sét trắng, có hàm lượng cao lanh cao được tinh lọc cẩn thận, hàm lượng nhôm trong cốt gốm trên 40%.
Căn cứ vào hình dáng và các họa tiết hoa văn trang trí của mâm bồng, gốm men nhiều màu, theo đánh giá của các chuyên gia giám định cổ vật, các nhà nghiên cứu cho rằng mâm bồng có niên đại thời Lê sơ (thế kỷ 15). So sánh chiếc mâm bồng này với những đồ gốm Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội) được trục vớt từ con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có thể nhận ra nhiều nét tương đồng, có nhiều khả năng mâm bồng này có xuất xứ từ cuộc trục vớt tàu đắm đó.
Hiện nay, mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu niên đại thời Lê sơ có bốn tiêu bản: hai tiêu bản ở trong nước gồm một chiếc tại Bảo tàng Quảng Ninh, một chiếc khác trong sưu tập tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh và hai tiêu bản ở nước ngoài, một ở bảo tàng Nghệ thuật Idemitsu, Tokyo (Nhật Bản) và một trong sưu tập của Kerry Nguyễn Long.  Tuy nhiên, cả ba tiêu bản nêu trên rất khác với tiêu bản ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Bởi vậy, mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu ở Bảo tàng Quảng Ninh là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu về nghệ thuật, mỹ thuật, kỹ thuật gốm men thời Lê sơ (thế kỷ XV)
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn:
Cục Di sản Văn hóa, Mâm bồng gốm vẽ men nhiều màu, http://dsvh.gov.vn/mam-bong-gom-men-ve-nhieu-mau-3258
Tình Lê, Chiêm ngưỡng mâm đồng gốm men vẽ nhiều màu vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia, https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-unesco/di-san/chiem-nguong-mam-bong-gom-men-ve-nhieu-mau-vua-duoc-cong-nhan-la-bao-vat-quoc-gia-616321.html

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây