Tên gọi: Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga
Quyết định công nhận bảo vật: Số 1426/QĐ-TTg ngày 1/12/2012
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội
Phát hiện: Phát hiện trong cuộc khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm năm 1999-2000 và thuộc sưu tập đồ độc bản mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lưu giữ và trưng bày.
Niên đại: Thế kỷ XV (Thời Lê Sơ)
Kích thước: cao: 56,5cm; đường kính miệng: 23,8cm; đường kính đáy: 25,8 cm
Hiện trạng: Nguyên vẹn
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga.
Bình có dáng búp sen, miệng loe tròn, gờ miệng phẳng. Thân phình thuôn dần xuống đáy. Từ miệng, cổ và thân bình đều được vẽ trang trí hoa lam bao gồm 7 băng hoa văn: hoa dây, cánh sen kép trong có xoắn ốc, vân mây dải hình khánh, phong cảnh, cây hoa lá, sóng nước, lá đề xen kẽ bốn chim Thiên Nga với các tư thế bay đậu khác nhau, theo chủ đề phi minh túc thực. Với bốn tư thế của thiên nga trong khung cảnh cây cỏ, khóm tre đồ án mang đặc điểm riêng không giống với những đồ án thuộc đề tài tương tự trong trang trí trên đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản.
Về xuất xứ và nơi sản xuất, theo một số nhà nghiên cứu, có thể bình gốm được chế tạo tại khu lò gốm Chu Đậu. Tại đây đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Hải Dương phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu Australia cũng như các nghiên cứu của học giả trong nước. Làng gốm Chu Đậu (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm lớn nhất của Đại Việt ra đời vào thế kỷ XIV và phát triển rực rõ nhất vào thế kỷ XV-XVI. Làng gốm Chu Đậu sản xuất những loại gốm cao cấp, gốm mỹ nghệ, phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Dòng gốm Chu Đậu có sự kết hợp nhiều kỹ thuật trang trí như đắp nổi, chạm, dán ghép, khắc chìm, vẽ lam, vẽ nhiều màu và vàng kim trên men. Các loại men sử dụng với nhiều sắc độ khác nhau như: men trắng vẽ lam, men nâu, xanh lục, men ngọc, men trắng vẽ tam thái hoặc kết hợp vẽ vàng kim trên men. Một ý kiến khác về xuất xư bình gốm là của Bùi Minh Trí (Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Hà Nội) khi cho rằng chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga này được sản xuất từ khu vực lò gốm của kinh thành Thăng Long (Hà Nội).
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga từ kiểu dáng, kích thước cho đến trang trí là một minh chứng đỉnh cao của dòng gốm hoa lam. Những đề tài trang trí ở đây thoát ra khỏi khuôn mẫu của đề tài kinh điển Trung Hoa để thể hiện tính phóng khoáng, sáng tạo, đậm chất dân gian, hồn quê đất Việt vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Qua những đề tài thể hiện trên bình gốm cho ta hình dung về thẩm mỹ của Đại Việt thời Lê Sơ thế kỷ XV, một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á thời bấy giờ.
Chiếc bình gốm này xứng đáng là một tác phẩm gốm nghệ thuật độc đáo, vật chứng tiêu biểu của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ XV.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo vật Việt Nam: Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga, http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1001/28550/bao-vat-quoc-gia-binh-gom-hoa-lam-ve-thien-nga.html
Cục Di sản Văn hóa, Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga, http://dsvh.gov.vn/binh-gom-hoa-lam-ve-thien-nga-3020