Phạm vi và định nghĩa về Di sản: từ Hữu hình đến Vô hình

Thứ tư - 02/06/2021 09:50
The Scope and Definitions of Heritage: From Tangible to Intangible - Phạm vi và định nghĩa về Di sản: từ Hữu hình (vật thể) đến Vô hình (phi vật thể)
Yahaya Ahmad
International Journal of Heritage Studies Vol. 12, No. 3, May 2006, pp. 292–300
This article was downloaded by: [Florida State University]
On: 30 April 2013, At: 04:47
Publisher: Routledge
Informa Ltd Registered in England and Wales Registered Number: 1072954 Registered office: Mortimer House, 37-41 Mortimer Street, London W1T 3JH, UK
Lược dịch: Nguyễn Huy Nhâm-Bảo tàng Nhân học
Từ khi thông qua Hiến chương Venice năm 1964, đã có nhiều hướng dẫn bảo tồn dưới hình thức các hiến chương, khuyến nghị và nghị quyết đã được các tổ chức quốc tế như UNESCO và ICOMOS đưa ra và thông qua. Bài viết này tập trung vào phạm vi và định nghĩa về di sản được ban hành bởi các hiến chương khác nhau trên toàn cầu. Thuật ngữ "di tích lịch sử" (historic monument) sử dụng trong Hiến chương Venice năm 1964 đã được ICOMOS giải thích lại vào năm 1965 với nghĩa là "di tích" (monument) và "địa điểm" (site), và được UNESCO định nghĩa là “tài sản văn hóa” bao gồm cả những tài sản di động (movable) và bất động (immovable). Các thuật nữ khác nhau giữa UNESCO và ICOMOS đã được thống nhất, hòa hợp tại Công ước Di sản Thế giới năm 1972. Ở cấp quốc gia và khu vực, phạm vi của thuật ngữ di sản đã được mở rộng bao gồm các khu vườn, cảnh quan/thắng cảnh và môi trường, và sau đó được giải thích lại và được định nghĩa khá khác nhau ở châu Âu, Úc, New Zealand , Canada và Trung Quốc. Nói chung, phạm vi của thuật ngữ di sản hiện nay đã được thống nhất trên quy mô quốc tế để bao gồm cả di sản “hữu hình (vật thể)” và “vô hình (phi vật thể)” cũng như “môi trường”, tuy nhiên, thuật ngữ tốt hơn về 'di sản' vẫn chưa được định hình hợp lý hoặc chưa được tiêu chuẩn hóa và do đó, không có sự đồng bộ giữa các quốc gia.
Từ khoá: Hiến chương; Di sản; Phạm vi; Định nghĩa
Sự phát triển các nguyên tắc bảo tồn vào nửa sau của thế kỷ 20 đã được nhiều người coi là thành tựu quan trọng nhất của các hoạt động bảo tồn quốc tế. Các nguyên tắc hoặc hướng dẫn này được ban hành dưới hình thức các hiến chương, khuyến nghị, nghị quyết, tuyên bố hoặc phát biểu được soạn thảo và chủ yếu thông qua bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO và ICOMOS với mục đích chính là bảo vệ tài sản văn hoá, bao gồm các di tích lịch sử, của các tòa nhà, các địa điểm khảo cổ và các thành phố trên toàn cầu, chống lại các mối đe dọa khác nhau. Nguyên tắc quan trọng nhất là Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn và Phục dựng các di tích và địa điểm, thường được gọi là Hiến chương Venice năm 1964[1], đã đặt ra một tiêu chuẩn đáng kể cho các nguyên tắc quản lý bảo tồn và phục dựng kiến trúc. Hiến chương đã giúp mở rộng khái niệm về các tòa nhà lịch sử, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các công trình bảo tồn, hợp tác quốc tế và, quan trọng nhất, đã cung cấp một bộ các nguyên tắc bảo vệ di sản kiến trúc và các địa điểm khảo cổ. Sau khi được quốc tế thông qua năm 1964, Hiến chương Venice đã được sử dụng làm điểm tham chiếu cho việc phát triển một số văn kiện bảo tồn khác trên thế giới.
Cho đến nay, đã có không dưới 40 văn bản như vậy tồn tại ở cấp quốc gia và quốc tế; những văn bản này đã được khởi xướng chủ yếu bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) và Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS). Đã có ít nhất 27 văn bản mang tính chất quốc tế và 17 văn bản khác mang tính chất khu vực và quốc gia. Trong số đó có những văn bản được ban hành để tham khảo quốc tế như:
 
  • ·      Hiến chương quốc tế về Bảo tồn và Phục dựng Di tích và Di chỉ (Hiến chương Venice), CATHM, 1964;
  • ·       Khuyến nghị về Bảo tồn Tài sản văn hoá bị đe doạ bởi các công trình công cộng hoặc tư nhân, UNESCO, 1968;
  • ·       Nghị quyết của hội nghị chuyên đề về việc giới thiệu kiến trúc đương đại vào các nhóm tòa nhà cổ, ICOMOS, 1972;
  • ·       Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, UNESCO, 1972;
  • ·       Khuyến nghị về bảo vệ và vai trò đương đại của khu vực lịch sử, UNESCO, 1976;
  • ·       Hiến chương về bảo tồn các khu di tích lịch sử và đô thị, ICOMOS, 1987;
  • ·       Hiến chương về bảo tồn công viên lịch sử, ICOMOS, 1982;
  • ·       Hướng dẫn về giáo dục và đào tạo trong bảo tồn các di tích, phong cảnh và các di chỉ, ICOMOS, 1993;
  • ·       Tư liệu Nara về Tính xác thực, Nhật Bản và UNESCO, 1994;
  • ·       Hiến chương về Bảo vệ và Quản lý Di sản Văn hóa dưới nước, ICOMOS, 1996;
  • ·       Nguyên tắc ghi chép (lập hồ sở) các di tích, các nhóm kiến trúc và các di chỉ, ICOMOS, 1996;
  • ·       Các nguyên tắc bảo quản các kiến trúc gỗ lịch sử, ICOMOS, 1999;
  • ·       Hiến chương về xây dựng di sản ở địa phương, ICOMOS, 2000;
  • ·       Công ước về Bảo vệ di sản văn hoá dưới nước, UNESCO, 2001
Cách hiểu-sự giải thích ở cấp độ độ quốc tế
Một trong những mối quan tâm chính của các nguyên tắc này là xác định và thiết lập phạm vi của định nghĩa di sản và các định nghĩa chung. Kể từ Hiến chương Venice năm 1964, phạm vi của di sản đã mở rộng từ sự quan tâm về di sản vật thể như các di tích, kiến trúc lịch sử cho đến các di tích kiến trúc đô thị và khu vực nông thôn, các công viên lịch sử và cho đến di sản phi vật thể bao gồm môi trường, các tác nhân xã hội, và sau đó là các giá trị vô hình. UNESCO và ICOMOS đã đi đầu trong việc xác định thuật ngữ chung và phạm vi di sản từ năm 1965. Thuật ngữ "di tích lịch sử" trong Điều 1 của Hiến chương Venice năm 1964, "không chỉ là công trình kiến trúc đơn lẻ mà cả môi trường đô thị và nông thôn" vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hiến chương đã không giải quyết được câu hỏi về Cái gì cấu thành nên một di tích lịch sử và cũng không thảo luận về các đặc tính của các môi trường đô thị và nông thôn và định nghĩa về các địa điểm/di chỉ. Do đó, năm 1965 trong Hội nghị thành lập của ICOMOS[2], phạm vi di sản đã được định nghĩa lại. Di sản sau đó được định nghĩa là di tích và các di chỉ:
Điều 3: 1
Thuật ngữ "di tích" (monument) sẽ bao gồm tất cả các tài sản thực, dù có là bao gồm các kiến trúc hay không, có tầm quan trọng về khảo cổ học, kiến trúc, lịch sử hoặc dân tộc học và có thể bao gồm nội thất trang trí được bảo vệ cùng với chúng.
Thuật ngữ “địa điểm/di chỉ” (site) được xác định như một nhóm các yếu tố do tự nhiên hoặc con người tạo ra, hoặc do sự kết hợp của hai yếu tố đó, vì lợi ích của cộng đồng để bảo tồn.
Để xác định được sự liên quan giữa hai định nghĩa này (như được mô tả bởi người đưa tin của Hội nghị thành lập tổ chức họp năm 1965) và để tránh chồng chéo về chuyên môn giữa ICOMOS và Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), nó đã được làm rõ trong Điều 3c rằng, các sưu tập khảo cổ học, tất cả các tài sản văn hóa di động giống như các sưu tập bảo tàng và bảo tàng ngoài trời đã được loại khỏi định những nghĩa này. Điều này nhằm tôn trọng chuyên môn của ICOM và phân biệt giữa những tổ chức nên chịu trách nhiệm về "di sản kiến trúc" với những tổ chức liên quan đến "các sưu tập bảo tàng".
Năm 1968, tại kỳ họp thứ 15 của Đại hội đồng tại Paris, UNESCO đã thông qua Khuyến nghị về Bảo tồn Di sản văn hoá bị đe doạ bởi các công trình công cộng hoặc tư nhân[3], trong đó, kỳ họp này cũng đã cố gắng đưa ra định nghĩa về phạm vi di sản. Định nghĩa di sản là 'di tích' và 'các địa điểm/di chỉ' được ICOMOS đưa ra trước năm 1965 không được chấp thuận bở toàn thể Đại hội đồng; thay vào đó, họ đã định nghĩa lại thuật ngữ là “tài sản văn hoá” như đã được giới thiệu trong Công ước La Hay năm 1954[4]. Tài sản văn hoá được tập hợp lại và được định nghĩa năm 1968 như là tài sản di động và bất động sản. Tài sản văn hoá di động (Movable) được gọi là "các sưu tập bảo tàng" và tài sản văn hóa bất động (Immovable) được gọi là "di sản kiến trúc". Tài sản văn hoá bất động được định nghĩa bao gồm không chỉ các di tích lịch sử và các di tích tiêu biểu mà quan trọng hơn là nó phải bao gồm các nhóm cấu trúc truyền thống và các khu phố lịch sử ở khu vực thành thị và nông thôn:
Điều 1a
Các kiến trúc, di tích khảo cổ, di tích lịch sử hoặc các di tích tiêu biểu khác có tính lịch sử, có giá trị khoa học, mỹ thuật, kiến trúc, dù là tôn giáo hay thế tục, bao gồm nhóm các công trình truyền thống, các khu phố lịch sử ở được xây dựng khu vực nông thôn hay thành thị và các công trình kiến trúc dân tộc học của những nền văn hóa trước đây vẫn tồn tại dưới hình thức hợp lệ. Nó áp dụng cho các di tích bất động như các tàn tích trên mặt đất cũng như các di tích khảo cổ học hay di tích lịch sử được tìm thấy bên dưới mặt đất. Thuật ngữ tài sản văn hoá cũng bao gồm bối cảnh của của các tài sản như vậy. Do đó, vào cuối những năm 1960, phạm vi di sản được định nghĩa trong Hiến chương Venice năm 1964 là di tích lịch sử đã được UNESCO và ICOMOS diễn giải một cách khác biệt. Mặc dù cả hai tổ chức đều nhất trí về nguyên tắc rằng di sản không còn giới hạn trong các di tích và các kiến trúc lịch sử và cần được mở rộng bao gồm các nhóm công trình kiến trúc và các khu phố lịch sử, thuật ngữ được sử dụng là khác nhau; trong khi UNESCO định nghĩa di sản như là 'tài sản văn hóa' (cultural property), ICOMOS lại định nghĩa di sản là "di tích và địa điểm/di chỉ" (Monuments and sites).
Năm 1972, các thuật ngữ khác nhau này và phạm vi di sản kiến trúc đã được hợp nhất tại Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên Nhiên Thế giới, còn gọi là Công ước Di sản Thế giới 1972[5]. Công ước UNESCO coi di sản là di sản văn hoá và di sản thiên nhiên và những định nghĩa trước đây của UNESCO về di sản văn hoá di động và bất động sản đã bị loại bỏ. Định nghĩa các di tích và địa điểm/di chỉ đã được đề cập trong các quy chế ICOMOS thông qua năm 1965 đã được diễn đạt lại và một loại thứ 3 về nhóm các công trình kiến trúc cũng được đưa vào. Di sản văn hoá bây giờ được định nghĩa bao gồm các di tích, các nhóm các công trình kiến trúc và các địa điểm/di chỉ. Đây được coi là một động thái rõ ràng để đảm bảo rằng các nhóm các công trình kiến trúc và khu đô thị đang được bảo vệ. Di sản văn hoá được UNESCO định nghĩa năm 1972 như sau:
Điều 1: 1
Di tích (Monuments): Các công trình kiến trúc, các tác phẩm hội họa và điêu khắc kiến trúc, các yếu tố hoặc cấu trúc có tính chất khảo cổ học, minh văn, các di chỉ cư trú trong hang động và sự kết hợp giữa các di tích tiêu biểu có giá trị phổ quát nổi bật từ quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học.
Nhóm các công trình kiến trúc(Groups of buildings): các nhóm kiến trúc tách biệt hoặc nối liền bởi kiến trúc, tính đồng nhất hoặc vị trí của chúng trong bối cảnh là giá trị phổ quát nổi bật từ quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học.
Di chỉ/địa điểm khảo cổ (sites): các tác phẩm của con người hoặc các tác phẩm kết hợp của tự nhiên và con người, và các khu vực bao gồm các địa điểm khảo cổ có giá trị phổ quát nổ bật từ các quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học.
Sau đó, theo luật sửa đổi của nó năm 1978[6], ICOMOS duy trì hai phạm trù rộng của tài sản văn hóa là di tích và di chỉ/địa điểm nhưng thêm “nhóm các công trình kiến trúc” như nhóm thứ 3 để giải thích rõ ràng bối cảnh đô thị và nông thôn và để được giống như những định nghĩa của UNESCO:
Điều 3b
Nhóm các công trình kiến trúc (group of buildings): bao gồm các nhóm kiến trúc tách biệt hoặc nối liền và xung quanh chúng, dù là đô thị hay nông thôn, bởi kiến trúc tính đồng nhất hoặc vị trí của chúng trong bối cảnh là giá trị phổ quát nổi bật từ quan điểm lịch sử, nghệ thuật, khoa học, xã hội hay quan điểm dân tộc học.
Thuật ngữ của UNESCO vẫn không thay đổi cho đến ngày nay. Tuy nhiên, với mục đích ghi tên di sản vào Danh sách Di sản Thế giới, thuật ngữ đã được chuyển từ 'Di sản Văn hoá' sang 'Tài sản văn hoá' và 'Di sản tự nhiên' sang 'Tài sản tự nhiên'[7].
Vào năm 1975 và 1979, phạm vi di sản đã được mở rộng để bao gồm các công viên lịch sử, thắng cảnh và môi trường ở Châu Âu[8] và Australia[9],  nhưng về ngữ nghĩa, phạm vi này không áp dụng được ở các quốc gia khác. Có thể nhận ra rằng các dự án bảo tồn và khôi phục trước đây chỉ tập trung vào việc bảo vệ các di tích và không phải xung quanh di tích nhưng bất kỳ sự thay đổi hoặc sự thiệt hại nào xung quanh di tích cũng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ các di tích.
Tuyên bố Amsterdam[10]
Được biết, tính liên tục lịch sử phải được bảo tồn trong môi trường nếu chúng ta duy trì hoặc tạo ra môi trường xung quanh cho phép các cá nhân tìm được bản sắc của họ và cảm thấy an toàn bất chấp những thay đổi đột ngột.
Điều này đã thúc đẩy Ủy ban Quốc tế về các Công Viên lịch sử của ICOMOS để xây dựng một hiến chương quốc tế tập trung cụ thể vào việc bảo tồn các khu vườn lịch sử trên toàn thế giới. Hiến chương Florence về Vườn/Công viên lịch sử[11] đã được thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1982. Hiến chương coi các vườn lịch sử là những công viên nhỏ và lớn, dù là có hình thức hay có cảnh quan, và dù có hoặc không liên quan đến một công trình kiến trúc (Điều 6). Hiến chương này cũng xem các khu vườn lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với công chúng từ quan điểm lịch sử hay nghệ thuật và do đó có thể phân loại chúng thành những di tích theo quy chế ICOMOS năm 1978. Tất nhiên, bởi vì các khu vườn chủ yếu là thực vật và trùy thuộc vào tình trạng bị phân hủy và tái sinh, chúng được phân loại là “các di tích sống” (living monuments) đòi hỏi phải có các quy tắc bảo vệ đặc biệt. Đây là điều đáng quan tâm của Hiến chương Florence năm 1982.
Tương tự như vậy, sự quan tâm mở rộng rằng, di sản cũng nên bao gồm các yếu tố xã hỗi của các thị trấn lịch sử được để cập trong Tuyên bố Amsterdam 1975. Hiến chương ICOMOS về Bảo tồn các khu vực nông thôn và đô thị lịch sử, thường được gọi là Hiến chương Washington 1987[12], nhấn mạnh sự cần thiết bảo tồn các đặc tính lịch sử của các đô thị lịch sử, bao gồm môi trường tự nhiên và con người và nhiều chức năng khác mà các đô thị lịch sử có được qua thời gian. Điều này thừa nhận rằng "tất cả các cộng đồng đô thị, dù đã phát triển theo thời gian hay đã được tạo ra một cách cố ý, là một biểu hiện của sự đa dạng của các xã hội trong lịch sử" (Điều 1: 1)
Sự giải thích ở cấp quốc gia và khu vực
Vào cuối những năm 1970 và 1980, trọng tâm của các điều lệ quốc tế, các khuyến nghị và nghị quyết đã được đưa ra nhiều hơn để sàng lọc các nguyên tắc ở cấp quốc gia và khu vực. Sự cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc quốc gia cụ thể đã được Công ước Venice năm 1964 công nhận trong lời mở đầu của nó:
Cần thiết phải thống nhất và đặt ra các nguyên tắc hướng dẫn bảo tồn và khôi phục các công trình kiến trúc cổ trên cơ sở quốc tế, mỗi quốc gia có trách nhiệm áp dụng kế hoạch trong khuôn khổ văn hoá và truyền thống của mình.
Tại châu Âu, Hội đồng châu Âu đã dẫn đầu thế giới bằng cách xây dựng và áp dụng các điều lệ khu vực liên quan đến tình hình các nước châu Âu - Hiến chương Châu Âu về Di sản Kiến trúc và Tuyên bố Amsterdam đã được thông qua tại Amsterdam vào năm 1975. Cả hai đều thảo luận về khái niệm mở rộng di sản kiến trúc và chiến lược thực hiện, khái niệm về bảo tồn tổng hợp và đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý di sản kiến trúc. Tuyên bố Amsterdam năm 1975 đã mở rộng phạm vi di sản kiến trúc châu Âu từ những mối quan tâm trước đây chỉ đối với các công trình kiến trúc riêng biệt cho đến các nhóm kiến trúc và môi trường xung quanh, các khu phố cổ và các khu đô thị và làng mạc có lợi ích về lịch sử hoặc văn hoá, môi trường truyền thống và các tòa nhà hiện đại; những công trình kiến trúc hiện đại ngày nay sẽ là di sản của ngày mai. Nó cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tính liên tục của các đặc trưng xã hội và vật chất hiện tại, cả ở các cộng đồng đô thị và nông thôn và nhu cầu hội nhập các yếu tố xã hội, như các chức năng xã hội và tĩnh xác thực về kinh tế, với chính sách quy hoạch di sản kiến trúc và thị trấn.
Sáng kiến của Hội đồng chung châu Âu để xây dựng các điều lệ chung giữa các nước châu Âu đã sớm được theo sau bởi các nước phát triển khác trên thế giới. Tại Úc, Australia ICOMOS đã soạn thảo và thông qua Hiến chương ICOMOS của Úc về Bảo tồn Các địa điểm có Ý nghĩa Văn hóa (cultural significance), thường được biết đến là Hiến Chương Burra 1979, tập trung vào ba khía cạnh: các nguyên tắc bảo tồn, quy trình bảo tồn và thực tiễn bảo tồn. Phạm vi di sản nói chung vẫn giữ nguyên như những gì đã được Hội đồng chung châu Âu đưa ra vào năm 1975, nhưng Hiến chương Burra đã đưa ra ba điều khoản mới:
place, đề cập đến địa điểm, khu vực, các tòa nhà hoặc các nhóm các công trình xây dựng hoặc các công trình khác cùng với các nội dung thích hợp và môi trường xung quanh;
cultural significance, đề cập đến giá trị thẩm mỹ, lịch sử, khoa học hoặc xã hội;
fabric, có nghĩa là tất cả vật chất vật chất của địa điểm.
Hiến chương Burra 1979 được sửa đổi vào năm 1981, 1988 và 1999 để phản ánh mối quan tâm hiện tại về di sản và bảo tồn ở Úc, bao gồm cả việc bảo tồn các giá trị vô hình. Nó thừa nhận các giá trị xã hội và thẩm mỹ như là một phần của ý nghĩa văn hoá, cũng như các giá trị phi vật thể hoặc di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO đề cập đến như là một khía cạnh không thể tách rời của ý nghĩa di sản. Tầm quan trọng của các giá trị phi vật thể như là một phần của di sản đã được UNESCO nhấn mạnh khi thông qua một công ước vào năm 2003[13] đã giúp bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, được định nghĩa là:
Điều 2 (Định nghĩa)
Sự thực hành, biểu đạt, diễn đạt, kiến thức, các kỹ năng, nhạc cụ, đồ vật, hiện vật và không gian văn hoá liên quan đến cộng đồng, nhóm người và cá nhân.
Ở Canada, một hiến chương cụ thể cho tỉnh Quebec đã được ICOMOS Canada soạn thảo năm 1982 do mối đe doạ về di sản của nó từ sự hiện đại hóa và theo đuổi lối sống mới. Hiến Chương bảo vệ Di sản Quebec[14] đã định nghĩa phạm vi di sản của Quebec trong ba thực thể chính: văn hoá vật chất (tài sản văn hoá), đại diện cho "toàn bộ môi trường vật chất mà chúng ta đang sống", bao gồm các công trình kiến trúc, các hiện vật khảo cổ và dân tộc học, đồ nội thất và các đối tượng nghệ thuật; môi trường địa lý, như bờ biển tự nhiên, núi non, đồng bằng - cảnh quan thiên nhiên và giá trị toàn cảnh; và môi trường con người có nền văn hóa, phong tục và truyền thống riêng.
Tại New Zealand, Ủy ban Quốc gia New Zealand của ICOMOS đã soạn thảo và thông qua một hiến chương bảo tồn cụ thể cho New Zealand, được gọi là Hiến chương về Bảo tồn Các Giá trị Di sản Văn hóa[15] tại hội nghị thường niên vào ngày 4 tháng 10 năm 1992. Hiến chương này đã thông qua thuật ngữ "địa điểm" (place) được đưa ra trong Hiến chương Burra nhưng mở rộng phạm vi bao gồm "đất được bao phủ bởi nước và không gian tạo thành bối cảnh không gian cho vùng đất đó" và "bất kỳ nguồn nước nào, dù nước ngọt hay nước biển, đều tạo thành một phần di sản lịch sử và văn hoá của New Zealand '(Điều 22: 5).
Ở Trung Quốc, ICOMOS Trung Quốc thông qua các Nguyên tắc bảo tồn di sản ở Trung Quốc[16] năm 2000, được soạn thảo với sự hợp tác của Viện Bảo tồn Getty và Ủy ban Di sản Úc. Nguyên tắc này cung cấp hướng dẫn chuyên nghiệp để bảo tồn di sản và cũng nêu rõ các tiêu chí để đánh giá tất cả các hoạt động bảo tồn trong nước. Không giống như các Hiến Chương của Úc và New Zealand xác định di sản của họ như là địa điểm (place), người Trung Quốc xác định chúng đơn giản chỉ là các di sản, được chấp nhận như là "những di vật vật chất không thể di chuyển được tạo ra trong lịch sử nhân loại và có ý nghĩa" (Điều 1: 1); trong số đó có các di tích và phế tích khảo cổ, các ngôi mộ, kiến trúc truyền thống, các chùa trong hang động và các ngôi làng và thị trấn lịch sử.
Tại các nước Đông Nam Á, đến nay, không có hiến chương, hướng dẫn hay các khuyến nghị được phát triển và thông qua bởi ICOMOS hoặc UNESCO. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao các nước này đã họp vào ngày 25 tháng 7 năm 2000 đã thông qua Tuyên bố ASEAN về Di sản văn hoá[17], định nghĩa di sản văn hoá là "cấu trúc, hiện vật, địa điểm và nơi cư ngụ của con người, di sản truyền khẩu hoặc văn hoá dân gian, di sản văn bản và di sản văn hoá phổ biến '. Tương tự như các quốc gia khác, phạm vi di sản ở Đông Nam Á nói chung bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể, nhưng các định nghĩa rộng hơn rất khác với những gì được sử dụng bởi UNESCO hoặc ICOMOS, đã thông qua các điều khoản di tích, nhóm các công trình kiến trúc và các di chỉ/địa điểm; hoặc với các nước láng giềng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương định nghĩa 'địa điểm' (place) là di sản của họ. Mức độ sàng lọc phạm vi và các định nghĩa ở cấp quốc gia ở Đông Nam Á khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam, di sản được định nghĩa là các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, và tại Philippines, di sản hiện nay được định nghĩa là tài sản văn hoá, bào gồm cả tài sản di động và bất động.
Vào cuối thế kỷ 20, phạm vi di sản, nói chung, đã được đồng thuận trên bình diện quốc tế bao di sản vật thể và phi vật thể cũng như môi trường. Để thông tin tốt hơn cho cộng đồng quốc tế, năm 1999, UNESCO đã làm rõ phạm vi giá trị di sản văn hóa vật thể như tài sản văn hoá bao gồm các di tích, các nhóm công trình kiến trúc và địa điểm/di chỉ (Điều 23: 5) và phạm vi của môi trường như các tài sản tự nhiên (Điều 43:10); và thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (UNESCO, 2003), định nghĩa "di sản văn hoá phi vật thể" là:
(Điều 2: 2)
Các thực tiễn, biểu đạt, biểu thức, kiến thức, kỹ năng - cũng như các nhạc cụ, vật phẩm, hiện vật và không gian văn hoá liên quan đến các cộng đồng, các nhóm và, trong một số trường hợp, các cá nhân thừa nhận là một phần của di sản văn hoá của họ. Di sản văn hoá phi vật thể này, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, liên tục được các cộng đồng và các nhóm phản hồi liên tục để tái tạo lại môi trường, tương tác với thiên nhiên và lịch sử của họ, và mang đến cho họ một ý nghĩa về bản sắc và tính liên tục, sự sáng tạo của con người.
Điều này bao gồm truyền thống truyền miệng, cách biểu đạt, ngôn ngữ, nghệ thuật diễn xướng, thực hành xã hội, các nghi lễ, các sự kiện lễ hội và nghề thủ công truyền thống.
Tóm lược
Trong 40 năm qua, kể từ khi thông qua Hiến chương Venice năm 1964, đã có rất nhiều hướng dẫn bảo tồn dưới hình thức hiến chương, khuyến nghị, và các nguyên tắc trong đó có những định nghĩa cụ thể về phạm vi di sản và các định nghĩa rộng hơn . Phạm vi đã được mở rộng đáng kể từ mối quan tâm về các công trình riêng lẻ và các địa điểm/di chỉ bao gồm các nhóm các công trình kiến trúc, khu vực lịch sử, thị trấn, môi trường, các yếu tố xã hội và gần đây là di sản phi vật thể. Mặc dù phạm vi di sản đã được mở rộng bao gồm môi trường và các giá trị phi vật thể và đã nhận được sự nhất trí của các cộng đồng quốc tế, thuật ngữ tốt hơn về "di sản" chưa được sắp xếp hợp lý và không có sự thống nhất giữa các quốc gia. Mặc dù cả UNESCO và ICOMOS đều thống nhất về nguyên tắc rằng phạm vi di sản nên bao gồm cả di sản văn hoá và thiên nhiên, thuật ngữ "di sản văn hoá" bao gồm các di tích, các nhóm các tòa nhà và các địa điểm đã không được tuân thủ ở cấp quốc gia. Úc đề cập đến di sản của nó như là "địa điểm, ý nghĩa văn hoá và vải", Canada đề cập đến "văn hoá vật chất, môi trường địa lý và môi trường của con người", New Zealand đề cập đến "địa điểm" và Trung Quốc đề cập đến "dấu vết vật chất bất động" . Mặc dù đây là đặc quyền của mỗi quốc gia để xây dựng thuật ngữ và diễn giải di sản của riêng mình, nhưng nên theo một số thuật ngữ chung và phổ biến. Cần khuyến nghị rằng, UNESCO và ICOMOS nên dẫn đâu việc thảo luận về các thuật ngữ, phạm vi và thuật ngữ chung; và các quốc gia trên thế giới áp dụng chúng ở cấp quốc gia.
Notes
1 [1] Congress of Architects and Technicians of Historic Monuments (CATHM), the Venice Charter 1964.
2 [2] ICOMOS, Constitutive Assembly, 1965.
3 [3] UNESCO, 15th Session of the General Conference, 1968.
4 [4] UNESCO, The Hague Convention, 1954.
5 [5] UNESCO, the World Heritage Convention, 1972.
6 [6] ICOMOS, ICOMOS Statutes, 1978.
7 [7] UNESCO, Operational Guidelines, 1999.
8 [8] Council of Europe, European Charter of the Architectural Heritage 1975.
9 [9] ICOMOS Australia, the Burra Charter 1979.
10[10] Council of Europe, Amsterdam Declaration, 1975, 2.
11[11] ICOMOS, the Florence Charter 1982.
12[12] ICOMOS, the Washington Charter 1987.
13[13] UNESCO, 32nd Session of the General Conference, 2003.
14[14] ICOMOS Canada, Quebec Charter 1982.
References
ASEAN Foreign Ministers. ASEAN Declaration on Cultural Heritage, Bangkok, July 2000.
Congress of Architects and Technicians of Historic Monuments (CATHM). The International
Charter for the Conservation and Restoration of Monuments and Sites, Venice, 1964 (the Venice Charter 1964).
Council of Europe (CoE). The Declaration of Amsterdam. Congress on the European Architectural Heritage, Amsterdam, October 1975.
Council of Europe (CoE). European Charter of the Architectural Heritage. Committee of Ministers of the Council of Europe, Amsterdam, 21–25 October 1975.
ICOMOS. Report on the Constitutive Assembly, Warsaw, Poland, 21–22 June 1965.
ICOMOS. ICOMOS Statutes, 1978.
ICOMOS. Historic Gardens, Florence, Italy, 15 Dec 1982.
ICOMOS. Charter on the Conservation of Historic Towns and Urban Areas. 8th General Assembly, Washington, DC, October 1987.
ICOMOS Australia. The Australian ICOMOS Charter for the Conservation of Places of Cultural Significance, Burra, Australia, 1979.
ICOMOS Australia. The Australian ICOMOS Charter for Places of Cultural Significance, Australia, 1999.
ICOMOS Canada. Charter for the Preservation of Quebec’s Heritage, Quebec, Canada, April 1982.
ICOMOS China. Principles for the Conservation of Heritage Sites in China, Chengde, October 2000.
ICOMOS New Zealand. Charter for the Conservation of Places of Cultural Heritage Value, New Zealand, October 1992.
UNESCO. Convention for the Protection of Cultural Property in the Event of Armed Conflict, The Hague, 1954.
UNESCO. Recommendation Concerning the Preservation of Cultural Property Endangered by
Public or Private Works. 15th Session of the General Conference, Paris, 1968.
UNESCO. Convention Concerning the Protection of the World Cultural and Natural Heritage, Paris, 1972.
UNESCO. Operational Guidelines for the Implementation of the World Heritage Convention. World Heritage Committee, Paris, 1999.
UNESCO. Convention for the Safeguarding of the Intangible Cultural Heritage. 32nd Session of the General Conference, Paris, 29 September–17 October 2003.





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây