Tên gọi: Nha chương Văn hóa Phùng Nguyên
Quyết định công nhận bảo vật: số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020
Nơi lưu trữ: Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ
Phát hiện: Trong hố khai quật khảo cổ học, trong mộ táng hoặc do người dân tìm thấy trong khi canh tác và xây dựng tại các địa điểm Xóm Rền và Phùng Nguyên của văn hóa Phùng Nguyên.
Chất liệu: Đá ngọc Nephrite
Niên đại: Văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 3500-4000 năm
Bộ sưu tập nha chương gồm 4 chiếc:
Nha chương 1: dài 35,7cm; rộng lưỡi 12,2cm; dày 0,5cm; nặng 400g. Màu trắng ngà, mài nhẵn toàn thân, hai bên đốc và thân có mấu hình chữ V, lưỡi mài vát một mặt, lõm. Phần đốc dài 6cm và rộng rộng 8,9cm, có một dấu cưa; có hai lỗ khoan đường kính 0,8cm, cách nhau 3,3cm và cách đầu đốc 2cm. Thân có vết lõm dài 5cm, rộng 1cm.
Nha chương 2: dài 20cm; rộng 7,4cm; dày 0,6cm; nặng 190g. Màu xám xanh lơ, mài nhẵn bóng toàn thân. Đốc hình chữ nhật; phần thân gần đốc hình chữ nhật, phần gần lưỡi xòe rộng, lệch, mài vát một bên tạo mặt cắt hình chữ V lệch, giữa thân và đốc có hai cặp mấu ở hai bên.
Nha chương 3: dài 32cm; rộng 7,6cm; dày 0,7cm; nặng 280g. Màu trắng có vân hồng, mài nhẵn toàn thân. Thân thẳng, rìa lưỡi cong tròn giống đuôi cá, lưỡi mài vát một mặt, lõm giữa.
Nha chương 4: dài 64,2cm; rộng 11cm; dày 0,6cm; nặng 580g. Màu trắng xanh, có vân vàng. Phần đốc hình chữ nhật, có lỗ ở giữa. Giữa đốc và thân có hai mấu nhô ra hai bên. Rìa cạnh hai mấu có các rãnh đối xứng nông, sâu khác nhau, chạy dọc giữa đốc và thân. Phần lưỡi được mài vát một bên, tạo rãnh giữa giống đuôi cá.
Các nha chương dù có sự khác nhau chút ít về kiểu dáng, nhưng đều thống nhất về chất liệu, kỹ thuật chế tác (đẽo, mài, cưa, khoan, gọt, tiện), loại hình, phong cách… Đây là sản phẩm của một nền văn hóa nổi tiếng thời Tiền - Sơ sử Việt Nam - Văn hóa Phùng Nguyên. Người thợ thủ công của Văn hóa Phùng Nguyên đã nắm vững các công đoạn của kỹ thuật chế tác đá, đặc biệt là kỹ thuật mài bóng không để lại vết ghè đẽo trên bề mặt.
Cho tới nay nha chương mới chỉ tìm thấy trong hai địa điểm Xóm Rền và Phùng Nguyên thuộc Văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ. Theo các nhà nghiên cứu, nha chương là một loại hình hiện vật biểu tượng cho quyền lực của các thủ lĩnh thời Tiền Hùng Vương.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Tài liệu tham khảo:
http://dsvh.gov.vn/suu-tap-nha-chuong-3185
Hà Văn Tấn: “Về những chiếc "nha chương" trong văn hoá Phùng Nguyên”, trong tạp chí Khảo cổ học, số 2 năm 1993, tr. 16-27.
Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn: “Trở lại vấn đề nha chương trong văn hóa Phùng Nguyên”, trong tạp chí Khảo cổ học, số 5 năm 2010, tr. 50-63.