Bình gốm Đầu Rằm

Thứ tư - 09/06/2021 11:32
Bảo vật Quốc gia
Bình gốm Đầu Rằm
Tên gọi: Bình gốm Đầu Rằm (Bình gốm Hoàng Tân)
Quyết định công nhận bảo vật: số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018
Hiện đang lưu giữ tại: Hiện tại bình gốm Đầu Rằm được bảo quản và trưng bày trong phòng trưng bày về tiền sơ sử của Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Số đăng ký: BTQN 382/G235.
Phát hiện: Năm 1998 tại di chỉ khảo cổ Đầu Rằm, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên.
Chất liệu: Đất nung
Niên đại: Trên 3000 năm cách ngày nay tương đương giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên.


Kích thước: Chiều cao còn lại là 25,3cm, đường kính vai bình 14cm. Thân bình hình chóp cụt, phần trên lớn hơn phần dưới, chia thành 3 phần: miệng bình rộng 6,5cm, vai bình cao 2,3cm, thân bình cao 16,2cm. Chân bình hình thang có đáy hình vuông, kích thước 6,8cm. Toàn bộ thân bình có màu đỏ sẫm, 2/5 thân bình có màu trắng xám (do lộ trên mặt đất, bị vôi hóa do nước trong hang đá vôi).

Bình gốm Đầu Rằm là hiện vật gốc độc bản và có hình thức độc đáo như chiếc gùi tre. Đây là loại hình duy nhất cho đến nay tìm được trong các địa điểm khảo cổ học của thời đại đồ đồng Việt Nam. Bình gốm Đầu Rằm được làm bằng chất liệu đất sét, nung ở nhiệt độ khoảng 700-800°C, thuộc loại gốm tương đối cứng, hay còn gọi là gốm chắc. Xương gốm màu xám đen, làm bằng đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể. Áo gốm màu đỏ sẫm làm bằng đất sét mịn pha bột thổ hoàng. Xương gốm dày trung bình từ 0,5cm đến 0,7cm. Phần miệng bình bị vỡ, chân đế có một số vết sứt nhỏ, 2/5 diện tích bề mặt ngoài của bình bị vôi hóa. Trên thân bình có một lỗ nhỏ (khoảng 3cm) gần vai, khả năng đây là lỗ của vòi bình đã bị vỡ. Bình gốm được tạo dáng bằng kỹ thuật bàn xoay kết hợp với bằng tay.
Sự độc đáo của bình gốm Đầu Rằm không chỉ được thể hiện ở hình dáng mà còn ở kỹ thuật tạo hoa văn đắp nổi, khắc vạch, chấm dải… Dọc thân bình có bốn đường gờ nổi đắp thêm chạy dài từ phần vai đến hết phần chân đế, chia thân bình và chân đế thành bốn mặt. Quanh miệng bình là những đường chỉ dài được khắc chìm, miết láng trở thành đường viền bao và tạo ra một hình vành khuyên để trang trí các họa tiết hoa văn hình chiếc lá trên phần vai gần miệng bình. Motif hoa văn chữ S ngược được trang trí kín cả bốn mặt của phần thân bình và phần chân đế.
Bình có hoa văn trang trí phong phú, bố cục chặt chẽ, phản ảnh ý thức tâm linh về sức mạnh của thiên nhiên và con người. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong lịch sử phát triển của nghề thủ công làm gốm Việt Nam thời tiền sơ sử. Đặc biệt các đồ án hoa văn hình chữ S trên bình gốm Đầu Rằm mang tính đặc trưng, điển hình cho hoa văn trang trí trên đồ gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Điều này minh chứng cho mối quan hệ chặt chẽ giữa cư dân ở Đầu Rằm, thuộc văn hóa Tràng Kênh vùng ven biển Đông Bắc với cư dân thuộc Văn hóa Phùng Nguyên vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ.


Bình gốm Đầu Rằm trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh
                                                               
                                                                          Lâm Anh sưu tầm và biên soạn

Tài liệu tham khảo:
  1. Hồ sơ Bảo vật Quốc gia tỉnh Quảng Ninh
  2. http://www.baotangquangninh.vn/Chuyen-de/binh-gom-dau-ram-quang-ninh-bao-vat-quoc-gia-1020.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây