Đàn đá Lộc Hoà

Thứ năm - 10/06/2021 13:34
Đàn đá Lộc Hoà
Bảo vật Quốc gia
Tên gọi: Đàn đá Lộc Hòa
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2089/QĐ-TTG ngày 25/12/2017
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước
Phát hiện: Do ông Bùi Hữu Triều tại Ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phát hiện khi canh tác vườn nhà năm 1996.
Chất liệu: Đá mắc ma
Niên đại: Trên 3000 năm. Văn hóa Đồng Nai

 


14 thanh mang ký hiệu 96LH-ĐĐ-B1 – 96LH-ĐĐ-B14 được chế tác từ loại đá mắc ma (đá sừng) màu xám đen, cỡ hạt từ mịn đến rất mịn. Dạng đá này cũng chịu tác động của phong hóa, phủ lớp patin mỏng màu xám ngả xanh lục hoặc xanh đen. Đá loại này có độ cứng trung bình nên dễ ghè đẽo và tu chỉnh. Về kỹ thuật chế tác, hầu hết được ghè đẽo, tạo dáng và tu chỉnh bằng phương pháp thủ công trực tiếp. Kỹ thuật chặt bổ được tu chỉnh sau đó nhưng không có dấu tích của kỹ thuật mài.
Về tính chất âm thanh, loại nhạc cụ này có âm sắc gọn, độ cao rõ rệt, ngân dài, đạt được yêu cầu của một nhạc khí với tổ chức thang âm-điệu thức 10 bậc, 7 âm và được đánh giá phong phú hơn so với các bộ đàn Ndut Lieng Krak (7 bậc 5 âm và Tuy An (8 bậc 7 âm). Bộ đàn đá Lộc Hòa cũng chứa nhiều nửa cung nhất trong các bộ đàn đá đã biết.
Nguyên bộ đàn đá ở Lộc Hòa được tìm thấy trong khu vực phân bố các di tích và di vật khảo cổ học của tầng văn hóa mang đặc trưng văn hóa tiền sử Đông Nam Bộ cách ngày nay trên dưới 3000 năm, văn hóa Đồng Nai. Đàn đá Lộc Hòa có những đặc điểm giống đàn đá Bình Đa được phát hiện trong cuộc khai quật năm 1979 ở di tích Bình Đa (nay thuộc phường An Bình, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai), di tích Bình Đa có niên đại khoảng 3000 năm cách ngày nay. Đàn đá là loại hình hiện vật đặc biệt, biểu hiện cho đời sống tinh thần phong phú và đa dạng của cư dân cổ.
Nhờ phát hiện khảo cổ học này, lịch sử văn hóa vật chất, tinh thần thời tiền sử, sơ sử của cộng đồng cư dân Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung đã có thêm một bằng chứng sinh động, độc đáo.
                                                              Lâm Anh sưu tầm và biên soạn


Tài liệu tham khảo:
  1. Phạm Đức Mạnh: Đàn Đá Tiền sử Lộc Ninh, Nxb ĐHQG TP. HCM năm 2007
  2. https://baodantoc.vn/3000-nam-dan-da-loc-hoa-25348.htm
  3. Bùi Chí Hoàng (cb): Khảo cổ học Nam bộ thời Tiền sử, Nxb KHXH, Hà Nội năm 2017, tr. 322-328

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây