Trưng bày “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan”

Thứ tư - 29/11/2023 09:04
Trưng bày “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan” được thực hiện bởi Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXHNV - ĐHQGHN với sự hợp tác của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, đánh dấu hơn 400 năm giao lưu nhân dân và 50 năm quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam - Hà Lan.
Trưng bày “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan”
Trưng bày “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan”
1. Mục đích trưng bày:
Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập quan hệ giao thương từ thời Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) vào khoảng thế kỷ 17. Ngay từ trước khi VOC được thành lập, nhiều bản đồ miêu tả bờ biển Việt Nam đã được vẽ và in ấn tại Bỉ, Hà Lan, Luxembourg. Trên các bản đồ phương Tây, vùng đất Việt Nam ngày nay thường được gọi là “Tokin” (Bắc Kỳ) chỉ miền Bắc Việt Nam, và ‘Cochinchina’ hay ‘Quinam’ chỉ khu vực miền Nam Việt Nam. Địa danh 'Champa' hoặc 'Tsiompa' còn được dùng để chỉ khu vực phía Nam trong các bản đồ cổ hơn.
Tuy Việt Nam không phải là nước trọng yếu trong thương mại biển của Hà Lan, nhưng vẫn có hai thương điếm ở Việt Nam. Năm 1630, công ty VOC ký hiệp định với vương quốc Bắc Kỳ, còn gọi là Đàng Ngoài dưới sự cai trị của chúa Trịnh - mở một thương điếm ở Phố Hiến, gần Hà Nội, trạm này được duy trì cho đến  năm 1699. Năm 1637, thương điếm thứ hai được mở tại Faifo (Hội An ngày nay) tại Quinam, do các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cai trị, trạm này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn cho đến năm 1652. Năm 1887, miền Trung hình thành, được gọi là An Nam hay Trung Kỳ như một phần của Đông Dương thuộc Pháp cùng với hai vùng khác. ‘Cochinchina’ hay Nam Kỳ sau đó được đặt tên cho vùng phía nam và Tonkin hay Bắc Kỳ cho phần phía bắc của Việt Nam. Thực ra vào năm 1862, Hạ Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Địa danh Bắc Kỳ được sử dụng từ năm 1884 đến năm 1945 để gọi vùng bảo hộ của Pháp ở miền Bắc. Theo thời gian “thuộc địa” của Pháp ngày càng mở rộng và được đặt tên là “Đông Dương”, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào ngày nay. Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945, Lào và Campuchia năm 1954.
Triển lãm này được thực hiện với sự hợp tác của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, đánh dấu hơn 400 năm giao lưu nhân dân và 50 năm quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam - Hà Lan. Qua nhiều thế kỷ, rất nhiều loại bản đồ, từ hải đồ sử dụng trong điều hướng hàng hải đến tập bản đồ atlas đã được sản xuất. Chúng phản ánh sự thay đổi tình hình chính trị và địa lý của khu vực. Hầu hết các bản đồ trong triển lãm này đều thể hiện một vùng rộng lớn hơn Việt Nam, cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực xung quanh. Theo thời gian, một số bản đồ và tập bản đồ atlas chi tiết và toàn diện được xuất bản. Triển lãm tập trung vào các bản đồ Việt Nam được sản xuất tại Hà Lan, một phần trong bộ sưu tập bản đồ của Thư viện Đại học Leiden.
Triển lãm tập trung vào các bản đồ Việt Nam được sản xuất tại Hà Lan và hệ thống tư liệu hình ảnh trong trưng bày cung cấp nhiều thông tin tư liệu về bản đồ, về mối quan hệ với Hà Lan trong suốt 400 năm và mối qua hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam - Hà Lan trong 50 năm qua. Đây cũng là nguồn tài liệu quý cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực xung quanh, nguồn tài liệu quý phục vụ thiết thực cho việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về lịch sử và quan hệ quốc tế, hội nhập hiện nay. Được sự đồng ý của Nhà trường, Bảo tàng Nhân học đã trao đổi và thống nhất với Ban tổ chức trưng bày để mượn hệ thống pano và hình ảnh triển lãm “Vẽ bản đồ Rồng: Việt Nam trong mắt các nhà làm bản đồ Hà Lan” bằng 2 ngôn ngữ Tiếng Anh và Tiếng Việt để trưng bày tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhằm giới thiệu đến học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về hệ thống bản đồ Việt Nam đã được thực hiện và sản xuất bởi Hà Lan trong nhiều thế kỷ, đồng thời tiếp cận với nguồn tư liệu bản đồ và tư liệu khác từ thư viện Đại học Leiden.

2. Nội dung trưng bày:
2.1. Hải đồ và công ty Đông Ấn Hà Lan
- Bản đồ Linschoten
- Bản đồ Blaeu của công ty VOC
- Bản đồ biển Nam Trung Hoa của công ty VOC
- Bản đồ dành cho thuyền trưởng của Van Keulen
2.2. Việt Nam trên những tập bản đồ Hà Lan – thời kỳ khởi đầu
- Trong tập Atlas nhỏ
- Trong cuốn Atlas major
- Atlas bỏ túi
- Isaak Tirion
- Pegu, Siam và Chochinchina
2.3. Bản đồ minh họa sách
- Bắc Bộ
- Bản đồ hành trình
- Những chuyến du ký của Prevost
- Bản đồ Raynal
- Sứ quán Macartney
2.4. Việt Nam trong những tập bản đồ sử dụng ở Trường học trong thế kỷ 19
- Jacob Kuyper
- Atlas bằng tiếng Indo
- Tập Atlas bỏ túi của Van Otterloo
- Bản đồ Bakker & Deelstra
3. Hình thức trưng bày: 30 pano và giá kệ trưng bày các thông tin, hình ảnh, bản đồ.
4. Thời gian và địa điểm:
- Thời gian thực hiện: từ 14/12/2023 đến 21/12/2023 (07 ngày).
- Địa điểm trưng bày: Khu vực sân trước tòa nhà D, Trường ĐHKHXH&NV.
5. Đơn vị tổ chức thực hiện
- Đơn vị tổ chức: Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- Đơn vị phối hợp: Hệ thống pano, hình ảnh do Ban tổ chức triển lãm Đại sứ Quán Hà Lan tại Hà Nội cung cấp.

Tác giả: MOA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây