Bảo tàng Nhân họchttps://ma.ussh.vnu.edu.vn/uploads/ma/logo-btnh_1.png
Thứ tư - 14/06/2023 21:26
Nhằm giới thiệu khái quát những nét đặc trưng và những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hóa dân tộc, Bảo tàng Nhân học phối hợp cùng với Pinart Studio, Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch Sử - Trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN) tổ chức trưng bày chuyên đề: "Di sản Phật giáo Việt Nam". Trưng bày giới thiệu về di sản Phật giáo Việt Nam qua tư liệu, tranh ảnh, bản rập và bộ sưu tập tượng, văn khắc...
Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ khá sớm và trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, có tác động sâu rộng đến tư tưởng văn hóa của Việt Nam trong lịch sử cho đến hiện tại. Về thời gian truyền nhập, hiện có hai quan điểm, quan điểm thứ nhất cho rằng Phật giáo được truyền vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ II TCN, giả thuyết thứ hai cho rằng Phật giáo được Truyền từ Ấn Độ vào Việt Nam khoảng thế kỷ I – II sau Công nguyên. Các nghiên cứu cũng thống nhất cho rằng, ban đầu Phật giáo theo chân các thương thuyền và đạo sĩ Ấn độ đến buôn bán ở Giao Chỉ, trung tâm tiếp nhận là Luy Lâu. Ở Nam Bộ, Phật giáo Nam truyền được truyền vào khu vực này khoảng thế kỷ thứ II trong khi ở miền Trung Phật giáo được vào muộn hơn khoảng thế kỷ IV-V. Do sự khác biệt về điều kiện địa lý, chính trị ở mỗi khu vực nên sau khi được truyền vào Việt Nam, Phật giáo ở mỗi khu vực cũng đi theo chiều hướng khác nhau. Phật giáo miền Bắc được truyền vào từ Ấn Độ nhưng càng về sau càng chịu ảnh hưởng của các Tông phái Phật giáo từ Trung Hoa do vậy, Phật giáo miền Bắc hội đủ các yếu tố của Mật, Tịnh độ và Thiền tông. Trong khi đó Phật giáo ở miền Trung tiếp thu yếu tố Mật tông Nam tông và Phật giáo ở khu vực Nam Bộ phát triển theo hướng Nam Tông. Ngoại trừ khu vực miền Trung còn về cơ bản, dấu ấn của các tông phái Phật giáo ở Việt Nam hiện nay còn phản ánh khá rõ lịch sử truyền bá và tiếp nhận Phật giáo ở mỗi khu vực.
Nhằm giới thiệu khái quát những nét đặc trưng và những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hóa dân tộc, Bảo tàng Nhân học phối hợp cùng với Pinart Studio, Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch Sử - Trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN) tổ chức trưng bày chuyên đề: Di sản Phật giáo Việt Nam. Trưng bày giới thiệu về di sản Phật giáo Việt Nam qua tư liệu, tranh ảnh, bản rập và bộ sưu tập tượng, văn khắc theo 5 chủ đề:
Chủ đề 1: Dẫn nhập - Phật giáo và Phật giáo Việt Nam
Chủ đề 2: Di sản Phật giáo miền Bắc
Chủ đề 3: Di sản Phật giáo Chăm Pa
Chủ đề 4: Di sản Phật giáo Óc Eo - Phù Nam
Chủ đề 5: Phật giáo trong dòng chảy văn hoá dân tộc
Trưng bày diễn ra tại địa điểm: Phòng 205, tầng 2 nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; thời gian: từ 20/06/2023 đến 30/06/2023.