Trưng bày chuyên đề
Cùng với hoạt động trưng bày thường xuyên, trưng bày mở, Bảo tàng Nhân học còn chú trọng để tổ chức trưng bày chuyên đề nhằm giới thiệu các sưu tập hiện vật đang lưu trữ tại của Bảo tàng. Trong thời gian vừa qua, Bảo tàng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trung tâm Unessco nghiên cứu và bảo tồn cổ vật, Trung tâm Thành tổ để tổ chức các trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm các ngày lễ và các sự kiện quan trọng của đất nước như trưng bày nhân dịp hội nghị APEC, trưng bày nhân kỷ niệm 1000 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh... Trong thời gian tới, Nhà Trường có kế hoạch để xây dựng phòng trưng bày chuyên đề tại khuôn viên hiện nay của Bảo tàng với mục đích để phát huy giá trị của các bộ sưu tập hiện vật đang lưu trữ tại Bảo tàng Nhân học, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo. Bên cạnh trưng bày các sưu tập hiện vật, phòng trưng bày chuyên đề còn giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở trong nước và khu vực.
Để khắc phục những hạn chế do không gian trưng bày cố định nên Bảo tàng Nhân học đã chú trọng đổi mới phương pháp và cách thức trưng bày chú trọng phát triển các trưng bày chuyên đề. Những trưng bày chuyên đề đã dần trở thành thế mạnh của bảo tàng. Từ 2010 đến 2020, bảo tàng đã tổ chức được 18 cuộc trưng bày chuyên đề, trong đó có 12 cuộc trưng bày do Bảo tàng tổ chức và 6 cuộc trưng bày bảo tàng tham gia phối hợp với các cơ quan trong và bên ngoài Trường. Có 3 cuộc trưng bày quy mô lớn, 10 cuộc trưng bày quy mô trung bình và 3 cuộc trưng bày quy mô nhỏ. Mỗi cuộc trưng bày quy mô lớn đã thu hút từ 4.000 - 5.000 lượt người xem. Chỉ riêng cuộc trưng bày “Biển đảo Việt Nam” tổ chức tại Trường ĐHKHXH & NV đã thu hút trên 5.000 lượt người xem, trong đó có hơn 1.000 ý kiến của khách thăm quan bày tỏ cảm tưởng đánh giá cao và có những phản hồi tích cực về cuộc trưng bày. Dự án kết hợp với Cục Thông tin Đối ngoại, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông về chủ đề “Trường Sa, Hoàng Sa - Những bằng chứng lịch sử” đã được tổ chức ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Bảo tàng phối hợp với các cơ quan trong và bên ngoài Trường để tổ chức các trưng bày chuyên đề như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Môi trường và Văn hóa (ISEE), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung Tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên văn hóa Khoa Lịch sử, Khoa Lưu trữ và Quản trị Văn phòng, Trung Tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông... Hoạt động trưng bày chuyên đề ngày càng đi vào chiều sâu theo phương châm là “từ nghiên cứu đến trưng bày”.
Trưng bày ảo
Để khắc những hạn chế về diện tích và không gian trưng bày cố định của Bảo tàng Nhân học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đầu tư dự án xây dựng Bảo tàng ảo (giai đoạn 1: từ 2010 đến 2012). Dự án đã đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ xây dựng và trưng bày các sản phẩm trưng bày 3D ảo trong lĩnh vực Bảo tàng như máy Scan 3D hiện vật, máy tính xử lý dự liệu, màn hình hiển thị, ở cứng chứa dữ liệu, và phần mền quản lý dữ liệu... Kết quả của dự án là đã hoàn thiện được 3 sản phẩm trưng bày 3D ảo gồm: Bảo tàng ảo 3D với 24 phòng trưng bày chuyên đề về Khảo cổ học, Nhân học, Văn hoá học; Mô hình Cơ thể ảo 3D; Mô hình nhà Văn Miếu ảo 3D. Đây là những mô hình ảo 3D đầu tiên trong lĩnh vực Bảo tàng ở Việt Nam. Những sản phẩm 3D ảo này đã được sử dụng phục vụ giảng dạy cho 400 lượt sinh viên/1 năm, thuộc các chuyên ngành như Lịch sử, Văn hoá học, Nhân học, Khảo cổ, Du lịch học... Dự án xây dựng Bảo tàng ảo được triển khai hiệu quả và thành công đã góp phần đổi mới phương pháp trưng bày, nâng cao chất lượng và hiệu quả hỗ trợ đào tạo của Bảo tàng Nhân học. Dự án Bảo tàng ảo giai đoạn 1 đã giải quyết được vấn đề về diện tích trưng bày của bảo tàng. Để nội dung trưng bày của bảo tàng ảo hoàn thiện và phong phú hơn, thì cần có các dự án nhằm tiếp tục nâng cấp hoàn thiện, bổ sung số hóa hiện vật cho Bảo tàng ảo 3D, mô hình Văn Miếu ảo 3D cũng như cần xây dựng thêm các mô hình 3D ảo mới nhằm đáp ứng cho nhu cầu trưng bày, giảng dạy và nghiên cứu.