Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn

Chủ nhật - 08/08/2021 07:55
Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn
Tên gọi: Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn
Quyết định công nhận bảo vật: Số 1426/QĐ-TTg ngày 01/12/2012
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội
Phát hiện: nhà khảo cổ học O.Janse người Thụy Điển phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Pho tượng được chuyển về Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 1935.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm
Kích thước: Tượng cao 8,5cm, rộng 9,5cm

 

Tượng miêu tả hai người đầu chít khăn, y phục giản đơn, khuyên tai nổi rõ, mắt và miệng được diễn tả đến từng chi tiết nhỏ, người cõng dáng khom đang nhún nhảy đôi chân theo tiếng khèn, hai tay ôm vòng lấy người ngồi trên lưng. Người được cõng ngồi vững chãi trên lưng đang say sưa thổi khèn. Cả nhạc công và vũ công như hoà nhập thành một thực thể thống nhất ăn ý, hài hoà. Các nhà nghiên cứu đánh giá toàn khối tượng là một tổng thể xếp chồng với nhiều chi tiết khá phức tạp. Tượng có mảng đặc, mảng thủng nhưng vẫn liên kết với nhau một cách mạch lạc, tạo cho khối tượng vẻ cân đối, vững chắc.

Trong các nền văn hoá Tiền Đông Sơn đã phát hiện được nhiều pho tượng, nhưng chỉ đến văn hoá Đông Sơn thì tượng mới thực sự nở rộ với số lượng lớn và phong phú về chủng loại cũng như chức năng sử dụng. Tổng hợp lại, nghệ thuật tạo tượng Đông Sơn có hai dòng chính: dòng tượng tròn và dòng tượng trang trí. Dòng tượng tròn xuất hiện trước tuy đã có mặt trong các văn hoá Tiền Đông Sơn, nhưng đến văn hoá Đông Sơn nó mới trở nên đa dạng hơn hẳn với sự ra đời của những tượng động vật mới và những dáng vóc đặc sắc của hình tượng người. Khối tượng hai người cõng nhau thổi khèn ở đây thuộc dòng tượng tròn, được đánh giá là sinh động nhất trong những khối tượng đã được phát hiện từ trưa đến nay. Tượng đúc liền khối chứ không chắp vá, chứng tỏ kỹ nghệ làm khuôn rất giỏi, phải có cách tạo khuôn ghép nhiều bộ phận nhỏ, mới tạo ra được các khối thanh mảnh, các chỗ lồi lõm, mà khi đúc, nước đồng vẫn điền đầy chi tiết.
Bức tượng người cõng nhau thổi khèn còn chứa chất khá nhiều thông điệp về lịch sử thời văn hóa Đông Sơn. Qua đó, ta biết được thời điểm này, người Đông Sơn rất lạc quan, tâm thái của tượng có cái chất phơi phới, vô tư. Tượng cũng cho thấy hình ảnh của cây khèn đang được thổi, đó là một loại nhạc cụ được khắc họa trên trống đồng, rìu đồng, tượng người thổi khèn còn trên cán muôi. Đây là nhạc cụ phổ biến thời Đông Sơn. Chúng ta có thể thấy một dàn nhạc có bộ gõ (trống, chuông, chiêng) bộ hơi (khèn) đã làm nên một dạng hòa âm đặc biệt của thời này. Khèn cũng là một dụng cụ âm nhạc tồn tại khá lâu, cho đến nay, nhiều dân tộc ở miền núi Việt Nam vẫn coi khèn là nhạc cụ không thể thiếu của dân tộc mình như người H’Mông, người Tây Nguyên. Qua cây khèn bè và những so sánh dân tộc học, có thể đoán định vào thời văn hóa Đông Sơn của các Vua Hùng, có nhiều tộc người khác nhau cùng tham gia khai phá và dựng nước, họ cũng đều là các tộc người thích âm nhạc, nhất là khèn.
Tượng còn cho thấy một nét sinh hoạt văn nghệ đương thời: múa nhảy. Người cổ vừa thổi khèn, vừa múa nhảy. Qua hình tượng đã có thể khẳng định thêm các tư liệu khảo cổ đã biết: người xưa đã có múa nhảy. Họ đã đeo khá nhiều vòng có gắn nhạc đồng, mà các nhà khoa học gọi là vòng ống. Đeo vòng ống dọc bắp tay, cánh tay, cổ chân. Một số khuyên tai, xà tích cũng gắn nhạc. Đến khi nhảy, múa, tiếng nhạc rung lên lanh canh, rộn ràng. Việc múa và nhảy trong sinh hoạt văn hóa là đặc điểm của Đông Sơn, phần lớn được thực hiện trong các ngày hội như mừng năm mới, mừng cơm mới, cưới xin...
Gíá trị tiêu biểu: Đây là tiêu bản hiếm hoi về nghệ thuật tượng tròn thời Đông Sơn, phản ánh về sinh hoạt âm nhạc mang đậm yếu tố truyền thống, được khởi nguồn từ nghệ thuật Đông Sơn, đến nay còn đọng lại trong nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Được coi là tác phẩm tượng nghệ thuật cổ độc đáo, như một thông điệp của thời đại Hùng Vương dựng nước gửi lại cho muôn đời sau. Tượng hai người cõng nhau thổi khèn là khối tượng tả thực nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp giản dị, bình yên của một xã hội Đông Sơn phát triển về mọi mặt.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn

Nguồn:
Trịnh Sinh 2017, Bảo vật Quốc gia: Tượng người cõng nhau thổi khèn, http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1001/28543/bao-vat-quoc-gia-tuong-nguoi-cong-nhau-thoi-khen.html
Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn, http://dsvh.gov.vn/tuong-dong-hai-nguoi-cong-nhau-thoi-khen-3017
Những bảo vật quốc gia của xứ Thanh - Bài 1: Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn, https://toquoc.vn/nhung-bao-vat-quoc-gia-cua-xu-thanh-bai-1-tuong-dong-hai-nguoi-cong-nhau-thoi-khen-99206333.htm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây