Cây đèn đồng hình người quỳ

Chủ nhật - 08/08/2021 07:58
Cây đèn đồng hình người quỳ
Tên gọi: Cây đèn đồng hình người quỳ
Quyết định công nhận bảo vật: Số 1426/QĐ-TTg ngày 1/12/2012
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội
Phát hiện: Cây đèn được nhà khảo cổ học Olov Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và được chuyển về bảo tàng năm 1935.
Niên đại: Văn hóa Hậu Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 1700 năm
Kích thước: cao: 40 cm; dài: 30 cm; rộng: 27 cm.

Cây đèn được tạo hình người đàn ông mình trần, đóng khố trong tư thế quỳ, hai tay bưng đĩa đèn. Tóc cuộn hình xoắn ốc, vấn khăn, đeo hoa tai. Đôi mắt mở to, nổi rõ mí, khối lông mày nổi cao, sống mũi thanh, môi dày, miệng mỉm cười.... Từ những đặc điểm nhân chủng này một số nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trong tạo hình cây đèn này có ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Hai vai và trên lưng có 3 cành chữ “S”. Mỗi nhánh chữ “S” này đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang quỳ. Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của hình người này cho thấy họ là những vũ công. Ngoài ra, trên chân của những tượng này có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác đang chơi một loại nhạc cụ chưa rõ.
 

Cây đèn đồng hình người quỳ trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội

Vành khăn trên trán bức tượng cho thấy dấu hiệu của bậc vương giả. Con mắt không nhìn xuôi mà có tỷ lệ lớn và mở rộng. Hình trên các cánh tay cũng được trang trí tinh tế. Vòng bụng đầy đặn thể hiện sự sung túc của chủ nhân. Trên hai vai và ngực mang đồ trang sức có thể hình dung là một chuỗi hoa sen hoặc đồ trang sức được trang trí hoa văn hoa sen. Các cánh tay đeo vòng và xung quanh bụng có đeo thắt lưng. Những vật trang sức này đều mang mô típ hoa sen.
 

Mặt sau của cây đèn đồng hình người quỳ

Đây là cây đèn hình người lớn nhất trong số ít những cây đèn cùng loại của giai đoạn cuối của văn hóa Đông Sơn và sau thời văn hóa Đông Sơn. Cây đèn đồng Lạch Trường là hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo không chỉ thể hiện sự giao lưu với văn hóa Hán và văn hóa Ấn Độ vào thời kỳ Hậu Đông Sơn ở những thế kỷ đầu Công nguyên, mà còn thể hiện tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật đúc đồng khéo léo của cư dân cổ giai đoạn này đặc biệt là nghệ thuật đúc tượng tròn.
                                                                          Lâm Anh sưu tầm và biên soạn

Nguồn:
Bảo vật Quốc gia, Cây đèn đồng hình người quỳ, http://dsvh.gov.vn/cay-den-dong-hinh-nguoi-quy-3018
Những bảo vật quốc gia của xứ Thanh - Bài 3: Cây đèn đồng hình người quỳ, https://toquoc.vn/nhung-bao-vat-quoc-gia-cua-xu-thanh-bai-3-cay-den-dong-hinh-nguoi-quy-99206354.htm



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây