Tên gọi: Thạp đồng Hợp Minh
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Bảo tàng tỉnh Yên Bái
Phát hiện: Thạp được dân quân xã Hợp Minh đào công sự tập luyện quân sự ở độ sâu 50m thì phát hiện ở trên đỉnh đồi Chọi nằm sát ngay bên kia đầu cầu Yên Bái đi Văn Chấn (hữu ngạn Sông Hồng) rồi đưa về trụ sở chính quyền xã Hợp Minh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Theo Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 08/06/1995 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái thạp đã được giao nộp cho Bảo tàng tỉnh Yên Bái vào ngày 12/6/1995.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm
Kích thước: Nặng 13.5kg, Cao 47,4 cm, đường kính miệng 34,4 cm, đường kính đáy 32,5, đường kính nắp 34,5 cm
Hiện trạng: Khi được phát hiện, thạp bị chọc xà beng thủng 01 lỗ ở nắp, thạp còn nguyên vẹn, màu xanh gỉ đồng.
Thạp đồng Hợp Minh có dáng hình trụ thân hơi phình ra, đáy hơi thon vào, thân có dáng hơi thẳng, cân đối, có hai quai hình chữ “U” ngược. Về kỹ thuật, thạp đồng Hợp Minh được đúc bằng khuôn hai mang. Đường giáp khuôn chia thạp thành hai nửa bằng nhau. Đó cũng là ranh giới phân chia các mảng hoa văn, không làm ảnh hưởng đến đường nét của các đồ án.
Nắp thạp: Được tạo khum thành gò nổi cao, chính giữa là mặt trời 19 tia, tia ngắn xen giữa các tia là văn lông chim dạng lông công, ngoài là các đường vạch ngắn song song hướng về tâm, tiếp theo là 05 vòng hoa văn, mép nắp thạp có 4 tượng chim quay theo 4 hướng khác nhau.
+ Vòng 01 và 05 là vân chấm nhỏ.
+ Vòng 02 và 04 là các đường tròn chấm giữa, được nối với nhau bằng các đoạn thẳng vạch chéo xương cá.
+ Vòng 3 chính giữa là vân chủ đạo, thể hiện loại hồi văn chữ “S” gấp khúc nằm ngang nối với nhau. Gần mép nắp thạp có 04 cụm tượng hình bồ nông, mỏ dài, dẹt, đuôi ngắn, mỏ quay ra ngoài theo 04 hướng đều nhau.
Thân thạp: Có 18 vòng hoa văn, được chia thành các nhóm như sau:
+ Nhóm 01: Có 4 cụm hoa văn hình học được lặp lại giống nhau gồm đường tròn chấm giữa nối với nhau bằng những đoạn thẳng, răng cưa (dạng hình tam giác) và vạch ngắn song song. Chính những cụm hoa văn này tạo nên dải phân cách cho các vòng hoa văn tả thực (cụm: 1,2, 3-5,6,7-12,13,14 và cụm 16,17,18).
+ Vòng 9,10 là đường vạch ngắn song song phân cách 02 vòng hoa văn tả cảnh sinh hoạt con người.
+ Nhóm 02: Có 02 vòng hoa văn tả động vật, trên gần miệng thạp là một đàn chim mỏ dài, đuôi xoè trong tư thế co cổ gồm 19 con, dưới gần chân thạp là một đàn động vật một đực, một cái nối đuôi nhau gồm 16 con. Cả chim và thú đều bay hoặc chạy theo chiều từ trái sang phải.
+ Nhóm 03: Có 2 vòng hoa văn tả sinh hoạt của con người, ở vòng trên mô tả một lễ hội mùa lúa hay còn gọi là lễ hội tôn vinh, thờ cúng thánh thần, thủ lĩnh hay chủ nhân với nội dung gồm nhà sàn mái cong, bên trên có chim công, bên dưới có người ngồi được dâng rượu và nghe đàn nhạc, phía dưới nhà sàn là dãy vũ công đội mũ lông chim đóng khố tua dài, tay cầm vũ khí nhảy theo nhịp điệu của dàn trống ở phía sau nhà, sau đó là một nhà kho, xung quanh là những chú chim bay nhảy.
Vòng băng dưới là hình 4 chiếc thuyền mũi cong trong lễ hội khải hoàn, chiến binh trên thuyền trang điểm lộng lẫy, trong tay cầm vũ khí nhảy múa, có người chèo thuyền, có người chỉ huy, mỗi thuyền có 5 - 6 người, bên trên thuyền có chim bay và bên dưới thuyền là cá, rùa và các loại chim thú dưới nước ăn cá, hẳn là nghệ nhân đã có chủ đích rõ ràng khi tạo ra các mô tít hoa văn dọc thân thạp có 2 băng hoa văn được bố trí dọc, chia các băng hoa văn chữ “S” đứng gấp khúc, móc nhau (hồi văn).
Hoa văn trên thạp đồng Hợp Minh có nhiều điểm giống trên thạp đồng Đào Thịnh I, song được mô tả sinh động hơn, với nhiều chi tiết cụ thể hơn nội dung lễ hội mà mới chỉ thấy trên một số trống đồng Đông Sơn Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa…
Thạp được tìm thấy nguyên vẹn, khi mới tìm thấy mở nắp thạp thấy một lớp màng màu đen phủ phía trên. Bóc đi lớp mảng màu đen này xuất hiện một lớp mền bằng vỏ một thực vật màu xám. Dưới lớp mền là bộ xương đặt ở tư thế ngồi, lưng tựa vào thành thạp, mặt nhìn ra hướng sông. Bên cạnh đó có 1 con dao găm, 1 quả chuông nhỏ, 1 khuyên tai đá 4 mấu và một số mảnh gốm vụn. Phía trên, bên ngoài thạp đồng còn tìm thấy một âu đồng ba chân đã bị vỡ làm nhiều mảnh, ngoài ra còn có vết đan lóng đôi dính trong thành của thạp. Bộ hài cốt được Nguyễn Lân Cường nghiên cứu, phục hồi gần như hoàn chỉnh, được xác định là một bé gái khoảng 4 – 5 tuổi. Đây là chiếc thạp duy nhất có hài cốt người được biết đến hiện nay trong những thạp đã phát hiện.
Thạp đồng Hợp Minh có kiểu dáng và đề tài sinh động, trang trí độc đáo là hiện vật tiêu biểu của cư dân nông nghiệp lúa nước mang thông điệp và ý tưởng hoà mình cùng thiên nhiên tồn tại bền vững của quá khứ cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và tinh thần, ý tưởng của cư dân Đông Sơn.
Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức trang trí độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật đúc thạp đồng của người Đông Sơn. Hiện vật đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một bảo vật quốc gia.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn:
Thạp đồng Hợp Minh, http://dsvh.gov.vn/thap-dong-hop-minh-3046
Thạp Hợp Minh - Quan tài cho người quyền quý, http://baotanglichsuquocgia.vn/vi/Articles/3101/16031/thap-hop-minh-quan-tai-cho-nguoi-quyen-quy.html