Thạp đồng Đào Thịnh

Thứ tư - 04/08/2021 10:03
Thạp đồng Đào Thịnh
Tên gọi: Thạp đồng Đào Thịnh
Quyết định công nhận bảo vật: Số 1426/QĐ-TTg ngày 01/12/2012
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội
Phát hiện: Tháng 9 năm 1961, do người dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái phát hiện một cách tình cờ ở bờ sông Hồng bị lở. Sau đó được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia. Hiện thạp được trưng bày ở phòng đại sảnh cùng với các trống đồng Đông Sơn tiêu biểu.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 – 2500 năm
Kích thước: Đường kính miệng 61cm, đường kính đáy 60cm, chiều cao 98cm.
Thạp có dáng hình trụ, thuôn dần xuống đáy, nắp đậy hình nón cụt, ở giữa có hình mặt trời 12 tia, xung quanh có 11 vành hoa văn. Đặc biệt trên nắp thạp có 4 cặp tượng trai gái đang giao hợp. Trai thì xõa tóc, ngang hông đeo dao găm, đóng khố. Gái thì váy ngắn. Bộ phận sinh dục của nam giới được thể hiện rất rõ, chứng tỏ người xưa cố ý khi đặt khối tượng này trên nắp thạp phản ánh khát vọng sinh sôi nẩy nở, sự phồn thịnh của con người và vạn vật.  Trên thân đúc nổi 25 băng hoa văn: răng cưa, vòng tròn tiếp tuyến…bên trong thạp chứa nhiều than tro và răng người.
Thạp Đào Thịnh đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Một trong những cặp tượng trai gái đang giao duyên trên nắp thạp Đào Thịnh.


Hoa văn trang trí trên thạp đồng Đào Thịnh.
Trang trí hoa văn trên thạp gần gũi với cách trang trí trên trống đồng Ngọc Lũ. Giữa nắp thạp có hoa văn hình ngôi sao 12 cánh tượng trưng cho hình mặt trời. Xung quanh ngôi sao là các vành hoa văn hình học điển hình của văn hóa Đông Sơn. Đáng chú ý có đàn chim xòe cánh, mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Điểm nhấn của nắp thạp chính là những khối tượng người. Hiện tại, có thể thấy 4 khối tượng đối xứng qua tâm nắp thạp. Tuy nhiên, theo nhân dân địa phương thì không chỉ có 4 khối tượng này mà còn 1 khối tượng nữa nằm chính giữa ngôi sao ở đỉnh nắp thạp. Khi mới đào lên, thì khối tượng này bị gãy, chỉ còn dấu tích gãy. Nếu vậy thì thạp phải có đến 5 khối tượng người.
Trang trí vòng quanh thân thạp là những băng hoa văn, giống như những băng hoa văn trên trống đồng. Băng hoa văn rộng nhất được khắc họa hình 6 chiếc thuyền lớn. Trên thuyền có người trong trang phục hóa trang đang cầm mái chèo, cầm vũ khí và đang nhảy múa. Phía trên thuyền có chim bay. Giữa các thuyền còn có hình giao long đang châu đầu vào nhau. Đây là những chiếc thuyền trong ngày hội đua thuyền như nhiều nhà khoa học phân tích. Quai thạp ở hai bên thân và mép nắp thạp, được trang trí hoa văn bông lúa quen thuộc của cư dân làm nông nghiệp trồng lúa nước.
Xét về độ tinh xảo của hoa văn và kỹ thuật đúc, thạp Đào Thịnh có thể sánh ngang với những trống Đông Sơn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.
Khi mới được phát hiện năm 1961, trong lòng thạp Đào Thịnh còn có dấu tích của than tro và răng của người quá cố. Bên trong thạp có một thạp đồng nhỏ hơn bên trên có đậy một mảnh gỗ và một số cục xỉ đồng. Vì thế có thể khẳng định lúc chôn xuống đất, thạp Đào Thịnh có chức năng là một quan tài. Tuy vậy chức năng ban đầu của thạp thì chưa thể xác định một cách cụ thể. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể đây là những dụng cụ đựng thóc giống.
Thạp đồng Đào Thịnh là bản thông điệp của quá khứ gửi cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và quan niệm phồn thực, khát vọng sinh sôi nẩy nở của con người và vạn vật của cư dân nông nghiệp lúa nước

Lâm Anh sưu tầm

Nguồn tài liệu tham khảo:
Trịnh Sinh, Thạp đồng Đào Thịnh, http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1001/28536/thap-djong-djao-thinh.html
Thạp đồng Đào Thịnh, tỉnh Yên Bái - Thông điệp của nền văn hóa Đông Sơn, bảo vật quốc gia, https://www.yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=19&l=SukienHienvatlichsu


 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây