Đại hồng chung chùa Thiên Mụ

Thứ hai - 04/10/2021 10:09
Đại hồng chung chùa Thiên Mụ
Tên gọi: Đại hồng chung chùa Thiên Mụ
Tên khác: Chuông chùa Thiên Mụ
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013
Hiện đang lưu giữ và trưng bày tại: Chùa Thiên Mụ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Nguồn gốc xuất xứ: Các chữ khắc trên chuông cho biết: “Quốc chúa nước Đại Việt là Nguyễn Phúc Chu truyền thừa đời thứ 30 của Tào Động thượng chánh tông, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung nặng 3285 cân, nhập vào thiền tự Thiên Mụ do Chúa xây dựng để vĩnh viễn cúng dường Tam bảo”.
Niên đại: Năm 1710
Kích thước: Cao 240cm (thân cao:188cm; quai cao:52cm); Đường kính miệng: 140cm; Đường kính thân: 114,6cm
Trọng lượng: 3285 cân thời chúa Nguyễn (tương đương 1.985,8kg)
Hiện trạng: Chuông còn rất tốt, không xảy ra hiện tượng ăn mòn hóa học. Tuy nhiên thân chuông có 2 vết thủng ở phía trên biểu tượng quẻ Càn. Vành miệng chuông có một vết khoét dài khoảng 15cm, rộng 1,5cm. Văn tự và hoa văn chạm khắc trên thân chuông bị ăn mòn nghiêm trọng. Nguyên nhân ăn mòn là sự bào mòn cơ học bởi tác động trực tiếp của  khách tham quan. Có nhiều vết bẩn, chữ viết, hình vẽ bằng mực, bút chì và sơn trên chuông.
 
Nhà chuông và chuông chùa Thiên Mụ
Đại hồng chung có hình dáng cân đối, hoa văn và những motif trên han chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét.
Từ trên xuống, đầu tiên là phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía; 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông. Thân bồ lao uốn cong lại, trên lưng là một bông sen. Râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi.
Quai chuông chùa Thiên Mụ
Thân chuông trang trí nhiều motif hoa văn biểu thị tính tổng hợp và siêu nghiệm của triết lý Đông phương. Chính giữa đỉnh chuông có một lỗ tròn nhỏ, là nơi để thoát bớt sức ép của âm thanh mỗi khi đánh chuông nhằm tránh sự rạn vỡ thân chuông do tác động của âm thanh gây ra. Từ phần chân con bồ lao trở ra, có nhiều đường tròn nhỏ, thanh mảnh, bao quanh vai chuông và phân chia thân chuông thành nhiều phần trang trí khác nhau.
Phần vai chuông kế tiếp rộng 10cm, trang trí 4 hình rồng và 4 hình chim phụng xen kẽ nhau. Mỗi hình rồng dài 3cm, cứ cách một khoảng 7cm là hình chim phụng dài 3cm. Đuôi chim có 3 nhánh uốn lượn như dải lá, kéo từ thân chim ra sau dài hơn 2cm; 2 chân chim xuôi về đằng sau, uốn lượn theo hình lông đuôi. Cánh chim giang rộng, cổ và đầu chim uốn cong, hướng về phía trước theo tư thế đang bay. 4 con chim phụng được bố trí thành 2 cặp quay đầu vào nhau. Các hình rồng cũng tạo thành 2 cặp theo motif “lưỡng long triều nguyệt”. Rồng có 5 móng, được tạo hình theo tư thế rất sinh động. Bên dưới vành trang trí rồng phụng ở vai chuông là phần thân chuông, có 4 nhóm trang trí được tạo thành bởi các đường gờ song song với nhau. Các nhóm gờ nổi này tạo thành các ô hình chữ nhật, kích thước 7,2cm x 3,9cm. Góc trên của mỗi ô có hoa văn hình mây, ở giữa khắc 2 chữ Thọ, kiểu chữ triện, rất lớn. Quanh 4 ô này có 8 chữ “Thọ” được thể hiện theo 8 kiểu thức khác nhau. Dưới các chữ Thọ là hồi văn “cửu ngũ” rộng 10cm.
Phần chính thân chuông có những đường gờ trang trí chia thân chuông thành 4 ô đều nhau. Mỗi ô có kích thước 7cm x 6cm. Giữa mỗi ô có đúc nổi 4 chữ Hán lớn. Xung quanh các chữ Hán này là những chữ Hán nhỏ hơn, theo kiểu chữ chân, khắc chìm quanh đường viền của 4 đại tự. Cụ thể:
- Ô thứ nhất ở phần thân chuông hướng về phía tháp Phước Duyên có 4 chữ: “Hoàng đồ củng cố”. Bên phải 4 chữ Hoàng đồ củng cố có khắc chìm những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới. Thiết vi u ám tất giai văn”. Bên trái 4 chữ này là hàng chữ nhỏ hơn: “Văn trần thanh tĩnh chứng viên thông. Nhất thiết chúng sinh thành chính giác”.
- Ô thứ hai có khắc 4 chữ: “Đế đạo hà xương”. Bên phải 4 chữ “Đế đạo hà xương” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Văn chung thanh, phiền não khinh. Trí huệ trưởng, Bồ đề sinh. Li địa ngục, xuất hỏa khanh”. Bên trái 4 chữ “Đế đạo hà xương” là hàng chữ nhỏ hơn: “Nguyện thành phật độ chúng sinh. Úm ca la đế da ta bà ha”.
- Ô thứ ba ở trên mặt chuông nhìn về sông Hương, có khắc 4 chữ: “Phật nhật tăng huy”. Bên phải 4 chữ “Phật nhật tăng huy” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Đại Việt Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, tự Động Thượng chánh tông tam thập đại, pháp danh Hưng Long, chú tạo hồng chung, trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu...”. Bên trái 4 chữ “Phật nhật tăng huy”  là hàng chữ nhỏ hơn: “...ngự kiến Thiên Mụ thiền tự vĩnh viễn cúng phụng Tam bảo”.
- Ô thứ tư có khắc 4 chữ: “Pháp luân thường chuyển”. Bên phải 4 chữ “Pháp luân thường chuyển” có khắc những hàng chữ Hán nhỏ hơn: “Duy nguyện: Phong điều  vũ thuận, quốc thái dân an. Pháp giới chúng sinh, đồng viên chủng trí”.  Bên trái 4 chữ “Pháp luân thường chuyển”  là hàng chữ nhỏ hơn: “Vĩnh Thịnh lục niên, tuế thứ Canh Dần tứ nguyệt, Phật đản nhật kính tạo”.

Dưới phần khắc chữ này là một dải rộng 18cm, tạo bởi 6 đường gờ nổi nhỏ song song bao quanh thân chuông, nối liền với bốn núm lớn (đường kính 20cm), là nơi đánh chuông, được tạo hình mặt trời cách điệu với những cụm mây tỏa ra xung quanh có nhiều tầng, độ dài ngắn, đậm nhạt khác nhau.
Phần kế tiếp phía dưới các núm tròn là dải các biểu tượng biểu trưng cho 8 quẻ trong bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, được đúc nổi trên thân chuông. Mỗi biểu tượng rộng 9cm, dài 12cm. Khoảng cách giữa 2 biểu tượng là 32cm. Đáng chú ý là vị trí của 8 biểu tượng thể hiện 8 quẻ ở trên chuông đều được đặt đúng theo hướng của những quẻ này trong thiên nhiên, chẳng hạn: quẻ Chấn ở hướng đông, quẻ Đoài ở hướng tây, quẻ Li ở hướng nam, quẻ Khảm ở hướng bắc.
Phía dưới dải biểu tượng của bát quái là các hình chạm nổi trong bộ bát bửu, chạy quanh sát vành miệng chuông. Các hình này được bố trí ở khoảng trống xen kẻ với 8 biểu tượng của bát quái ở phía trên, lần lượt là: gươm, đèn lồng, ống sáo, đàn nguyệt, hai cây bút lông, bầu rượu, phách, quạt vả. Mỗi vật quý đều có dải lụa có nút thắt quấn ngang. Bộ bát bửu này là sự kết hợp giữa bát bửu của Phật giáo với bát bửu của Đạo giáo. Theo L. Cadière trong bài khảo cứu Các mô tip mỹ thuật An Nam, bộ bát bửu của Đạo giáo gồm: cây quạt, kiếm, bầu hồ lô, cặp phách, giỏ hoa, ống trúc và cây roi, cây sáo, đóa hoa sen. Trên đại hồng chung chùa Thiên Mụ không có hình giỏ hoa, ống trúc và cây roi, đóa hoa sen, thay vào đó là ống sáo, đèn lồng, bút lông, là những biểu tượng trong bộ bát bửu của Phật giáo.
Phần dưới cùng của thân chuông là một đường viền nhỏ, thanh với một dải hoa văn chấm tròn chạy quanh vành chuông. Từ đường dải hoa văn này trở xuống là phần loe ra của miệng chuông, rộng 12cm, chạm nổi văn thủy ba với 4 lớp sóng lớn, 3 lớp sóng nhỏ.
Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ là một tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng đặc sắc thời chúa Nguyễn. Các motif trang trí trên đại hồng chung này thể hiện tính tổng hợp và dung hòa cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Hệ thống tư tưởng tổng hợp này đã kết hợp với tinh thần và tình cảm của dân tộc Việt Nam, rất mực nhu nhuyễn, uyển chuyển, thực tế. Tín ngưỡng, hay đúng hơn là Phật giáo Việt Nam đã không tách rời niềm tin với cuộc sống thực tế hàng ngày của nhân dân là luôn luôn cầu mong “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn:
Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, http://dsvh.gov.vn/dai-hong-chung-chua-thien-mu-3056

Thừa Thiên Huế: Phát huy giá trị ngôi quốc tự 420 tuổi, https://bvhttdl.gov.vn/thua-thien-hue-phat-huy-gia-tri-ngoi-quoc-tu-420-tuoi-20210913155059425.htm

[ẢNH] Huế: Chiêm ngưỡng 2 bảo vật quốc gia ở chùa Thiên Mụ, http://daidoanket.vn/anh-hue-chiem-nguong-2-bao-vat-quoc-gia-o-chua-thien-mu-509048.html
 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây