Chuông Thanh Mai

Thứ ba - 05/10/2021 09:57
Chuông Thanh Mai
Tên gọi: Chuông Thanh Mai
Quyết định công nhận bảo vật số: 53/QĐ-TTg ngày 14/01/2015
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Hà Nội
Nguồn gốc xuất xứ: Tháng 4 năm 1986 trong lúc đào lấy đất làm gạch ở bãi Rồng (ven sông Đáy) xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội, người dân địa phương đã vô tình phát hiện được chuông.
Niên đại: Chuông được đúc vào năm 798, trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.
Kích thước: chiều cao 60cm, đường kính miệng 36,5cm, quai chuông cao 7cm, trọng lượng 35,5kg
Hiện trạng: Còn nguyên vẹn
Chuông Thanh Mai
Quai chuông đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau, uốn cong một cách khéo léo tạo thành núm treo chuông. Đỉnh chuông được tạo theo hình chỏm cầu, đúc nổi bằng nhiều cánh sen kép và nhũ đinh. Thân chuông hình trụ, trên to dưới nhỏ, ở mặt thân chuông có các đường gân nổi ngang dọc, chia thân chuông thành 4 ô trên và 4 ô dưới. Hai núm dùng để gõ chuông có hình tròn lồng khéo léo trong nền cánh sen, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc đương thời.
Hình dáng và phong cách chuông Thanh Mai được coi là hình mẫu ban đầu của một số  chuông đúc vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV)  như chuông Vân Bản (Hải Phòng), chuông chùa Bình Lâm (Hà Giang) với những đặc điểm nổi bật như quai chuông được đúc nổi hình đôi rồng đấu lưng vào nhau, cũng có thể coi đây là một trong không nhiều đôi rồng xuất hiện sớm nhất của nghệ thuật tạo hình ở miền Bắc Việt Nam. Những cánh hoa sen to, nhỏ xen kẽ tạo thành đường viền trên đỉnh chuông.

Một phần minh văn chuông
Văn bản được khắc toàn bộ trên chuông. Thân chuông cao 0,42m, được chia làm 4 khoang lớn, tạo bởi những đường gờ nổi. Mỗi khoang lại được chia làm hai ô. Ô trên là hình thang cân, có kích thước: 0,22m (0,18m) x 0,24m, ô dưới là hình chữ nhật, có kích thước 0,23x0,14m. Văn bản gồm hai phần: Phần chính được khắc ở 4 ô trên, nối tiếp theo chiều kim đồng hồ. Phần còn lại cũng được chia đều ở 4 ô dưới. Toàn bộ văn bản gồm 1530 chữ. Chữ còn khá rõ, chỉ bị mờ khoảng 30 chữ. Phần lạc khoản trong văn bản cho biết chuông Thanh Mai được đúc vào năm Mậu Dần niên hiệu Trinh Nguyên 14 (798).
Những nghiên cứu về văn bản của Đinh Khắc Thuân cho thấy, bài minh văn trên chuông Thanh Mai không có đầu đề, không ghi tên người soạn, người khắc và cũng không chia thành bài ký, bài minh như mọi minh văn trên chuông sau này.
Mở đầu là một dòng ghi thời gian và lý do đúc chuông. Sau đó kê tên người tổ chức và tham gia đúc chuông. Có một bài kệ 12 câu nói về giáo lý nhà Phật và công dụng tiếng chuông được khắc ở ô phía dưới xen kẽ những dòng ghi họ tên người có công đức là dân thường.Toàn bộ 4 ô ở phía trên ghi tên các vị quan chức với đầy đủ họ tên, chức tước của họ. Đặc biệt ở đây có nhắc đến một loại hình tổ chức trong xã hội lúc đó không phải là đơn vị hành chính, mà được gọi là Tùy hổ xã. Cơ cấu của nó gồm: xã chủ, xã phó, xã chúng, xã lục sự, xã bình chính, xã chi khiển, xã khổng mục... Văn bản cho biết 53 người trong Tùy hỉ xã tổ chức đúc chuông: "Tùy hỉ xã ngũ thập tam nhân cộng tạo minh chung nhất khẩu...". Khi liệt kê họ tên các vị này, văn bản không kê riêng những người trong "Tuỳ hỉ xã" và những người có công đức tham gia đúc chuông. Cả thảy 212 người, được khắc lần lượt từ 4 ô trên xuống 4 ô dưới với 78 vị quan chức, 8 vị thiện tín nhà Phật, còn lại là dân thường. Trong đó có người Việt, có người Hoa. Số người Hoa đó chủ yếu là quan lại đương chức, ngoài ra cũng có những quan chức đã bãi nhiệm và cả dân thường. Đơn vị hành chính được đề cập đến trong văn bản này là châu, huyện. "Châu" trùm lên "phủ", "huyện". Có một vài "phủ" tương đương "châu". Văn bản đã ghi lại được 20 châu với 43 lần xuất hiện; 5 huyện với 5 lần xuất hiện. Trong đó có 5 châu, 5 huyện và 1 phủ nằm trong địa phận nước ta ngày nay. Số còn thuộc các vùng phía nam Trung Quốc. Văn bản cũng ghi được khá nhiều chức tước khác nhau (51 loại). Một số loại có tần số xuất hiện cao như: Biệt tướng (19 lần), Thượng trụ quốc (12 lần), Triết xung (8 lần), Quả nghị (8 lần), Tướng sĩ lang (4 lần), Thượng hộ quân (4 lần), Thứ sử (4 lần)... Tên người trong văn bản này được ghi đầy đủ họ tên như: Quách Tử Cương, Tô Tam Nương, Đỗ Nương Liên, Nguyễn Thị Thẩm... chữ "Thị" ở đây không phải để chỉ họ như người phương Bắc thường dùng mà là tên đệm chỉ phụ nữ. Đặc biệt mã chữ "Thị" này đều có thêm một chấm ở bên cạnh. Cách dùng chữ "Thị" để chỉ phụ nữ đó là cách dùng phổ biến của người Việt mà ta gặp nhiều trong các văn bản sau này. Dòng niên đại trên chuông cũng được ghi khá đặc biệt "Duy Trinh Nguyên thập tứ niên, tuế thứ Mậu Dần, tam nguyệt, Tân Tỵ, sóc, trấp nhật, Canh Tuất...". Đây là cách ghi năm can chi theo niên lịch và niên hiệu vua. Cách ghi đó muốn chỉ rõ năm Mậu Dần này là năm Trinh Nguyên thứ 14 và cũng là năm Mậu Dần có tháng 3 đủ với ngày mồng một là Tân Tỵ và ngày cuối tháng là Canh Tuất. Ghi như vậy để tránh nhầm lẫn với những năm Mậu Dần khác, và cũng để nhấn mạnh sự kiện đúc chuông này là hệ trọng. Những chữ đài trong văn bản này không dùng lối viết cao lên mà chỉ để cách một, hai chữ. Chữ đài đó không gặp trong trường hợp ghi niên hiệu vua mà là những chữ về Phật giáo như Phật, Pháp... Điều đó chứng tỏ Phật giáo khi ấy khá thịnh ở nước ta. Về ngôn ngữ văn tự, văn bản được ghi bằng chữ Hán. Chữ khắc vuông vức, đường nét rõ ràng tiêu biểu cho loại chữ thời Đường - Tống mà các đời sau đã gọi loại chữ chân phương này là kiểu chữ "phỏng Tống". Ngôn ngữ ở đây là văn ngôn. Tuy vậy đôi chỗ có phần gần gụi với khẩu ngữ Việt như câu "Nam xứng cửu thập cân" (90 cân Nam) hoặc câu "Quách Thị Ngung, nam Dịch, nữ Nương (Nàng) chức" (Quách Thị Ngung, con trai là Dịch, con gái là Nương (Nàng) chức). Tên gọi của những phụ nữ người Việt ghi trên chuông cũng rất thôn dã, mộc mạc như Nỗ, Hi, Đà... chữ Hán khắc trên chuông là lối chữ "khải". Duy có bộ "mịch" ở một số chữ được viết theo lối "tiểu triện". Những chữ "khải" có bộ "mịch" được viết theo lối "tiểu triện" này cũng thường gặp trên một số văn bản thế kỷ XVII, XVIII như trên một số văn minh văn Tùy - Đường. Trong văn bản có khá nhiều cổ tự và những chữ dị thể, hoặc có những chữ ít gặp trong các văn bản đương thời và các từ điển sau này.

Chuông Thanh Mai từng được công nhận là một trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam vào năm 2006, với danh hiệu Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam. Chuông Thanh Mai là cổ vật độc bản, được xem là có niên đại sớm nhất cho đến nay được phát hiện ở Việt Nam.
Chuông có hình dáng và chữ khắc độc đáo, không giống với bất cứ chuông nào trong hệ thống chuông chùa ở Việt Nam; là nguồn sử liệu có ý nghĩa cho nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ VIII. Họa tiết trang trí trên thân chuông thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật đúc đồng thời bấy giờ.
Ngoài ra, chữ viết trên thân chuông vẫn giữ được sự rõ ràng, cụ thể, là nguồn sử liệu chân thực để nghiên cứu xã hội người Việt thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. 
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn

Nguồn:
Đinh Khắc Thuân 1987, Văn bản chuông Thanh Mai, thế kỷ VIII, tạp chí Hán Nôm, số 1 (2), http://hannom.org.vn/web/tchn/data/8701.htm, truy cập ngày 4/10/2021.

Hoàng Phương, Chuông bảo vật hé lộ lịch sử hơn 1000 năm trước, https://vnexpress.net/chuong-bao-vat-he-lo-lich-su-hon-1-000-nam-truoc-3360233.html

Huệ Lâm, Tiếng chuông – tiếng gọi xuân linh, http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/So%2046/4609_Tieng%20chuong%20tieng%20goi%20xuan%20linh.pdf

Minh Hữu, Bức tranh lịch sử trên thân chuông đồng bảo vật Việt Nam, https://baophapluat.vn/buc-tranh-lich-su-tren-than-chuong-dong-bao-vat-viet-nam-post191824.html
Thủy Hương, Độc đáo chuông Thanh Mai, https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/823443/doc-dao-chuong-thanh-mai

 




 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây