Tên gọi: Chuông chùa Vân Bản
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số đăng ký LSb.18165
Nguồn gốc xuất xứ: Chuông được tìm thấy tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng năm 1958, sau đó được xác định có liên quan chùa Vân Bản, tháp Tường Long ở vùng Đồ Sơn (Hải Phòng).
Niên đại: Thế kỷ XIII – XIV (Thời Trần).
Kích thước: Cao: 127 cm; Đường kính miệng: 80 cm
Trong cuốn Cổ Vật Việt Nam do Bảo tàng Lịch sử quốc gia biên soạn có nói về chiếc chuông này như sau: “Niên đại: thế kỷ XIII - XIV, quai chuông là hình hai con rồng đấu lưng vào nhau, tạo hình vòng cung. Chuông hình trụ, miệng loe, đúc nổi băng cánh sen, minh văn khắc trên một ô nói về ruộng đất cúng vào chùa và chức quan Tả bộc xạ, tìm thấy tại Đồ Sơn, Hải Phòng, 1958”.
Chuông có hình trụ cao, miệng loe. Quai chuông là kiểu cấu trúc rồng đôi đấu lưng vào nhau giống như nhiều quả chuông thời Lê. Nhưng hình rồng có tư thế và hình thể tương tự rồng trên quai chuông chùa Bình Lâm thời Trần ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Hàng vây trên lưng rồng nhô cao, đầu ngẩng lên, bờm cuộn hình ngọn núi, lưỡi cuốn lại 3 vòng, miệng há rộng lộ hàm răng đều đặn. Chỏm quai chuông đúc hình búp sen, thân rồng mập, trang trí vẩy cá chép.
Trang trí rồng đôi đấu lưng vào nhau trên quai chuông.
Thân chuông được chia thành 8 ô bằng các đường chỉ nổi to bản, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật để trơn. Trong hai ô trên có khắc bài minh văn bằng chữ Hán, ô 1 có 16 cột, ô 2 có 10 cột, gồm 250 chữ Hán theo thể Hành thư.
Minh văn trên chuông (bản đánh lại)
Chuông có 6 núm gõ tròn, xung quanh mỗi núm đúc nổi hình bông hoa sen, cánh to xen cánh nhỏ, đều là kiểu cánh sen lật úp. Vành miệng chuông đúc băng 52 cánh sen kép, trên cánh to có 2 đường gân nổi.
Đường chỉ trang trí nổi trên thân chuông.