Chuông chùa Bình Lâm

Thứ năm - 23/09/2021 19:42
Chuông chùa Bình Lâm
Tên gọi: Chuông chùa Bình Lâm
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Chùa Bình Lâm, thôn Mường Nam, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, số đăng ký: 01-BVHG
Nguồn gốc xuất xứ: Chuông do thủ lĩnh Nguyễn Anh - Người đứng đầu địa phương cùng với vợ và các lão ông, lão bà, thiện nam, tín nữ góp tiền, của đúc vào giờ Ngọ, ngày rằm tháng ba năm Ất Mùi (1295) và lưu giữ từ đó đến nay. Trên thân chuông có 3 chữ Hán lớn “Phụng Tam bảo” nghĩa là phụng thờ Tam Bảo (phụng thờ chùa Phật).
Niên đại: Chuông chùa Bình Lâm được đúc vào năm Ất Mùi (năm 1295) thời Trần, đời vua Trần Anh Tông.
Kích thước: Đường kính miệng: 59cm; Chiều cao: 101cm, trọng lượng 193kg

http://3.bp.blogspot.com/-T00uDdAlZ3Y/VNgMAJQKAMI/AAAAAAACF9Y/4ZzXf97VamE/s1600/Yic_QCRU9BlIoK48AL7Zlg49739.jpeg
Chuông chùa Bình Lâm (ảnh Hồ sơ Tư liệu Cục Di sản)
Phía ngoài thân chuông trang trí 6 núm gõ được bố trí thành 2 tầng, tầng thứ nhất ở dưới đế chuông có 2 núm đối xứng cách đều nhau 78cm. Tầng thứ 2 có 4 núm tạo thành 2 cặp đối xứng qua trục trung tâm của thân chuông, các núm này cách đều nhau 39cm. Các núm chuông tròn nổi đều bằng nhau, có đường kính 6cm. Đường viền xung quanh mỗi núm có 13 cánh sen đều đặn. Tầng thứ hai cũng chia trang trí thân chuông làm 2 phần: 4 ô chữ nhật đứng ở phía trên và 4 ô chữ nhật nằm ở phía dưới. Giữa các ô chữ nhật đứng là 5 đường gờ nổi chạy song song với nhau từ trên xuống dưới. Vuông góc với 5 đường gờ nổi chạy dọc thân chuông này, ở trên nóc, giữa thân và đế chuông là các đường gờ nổi cũng chạy song song với nhau phối hợp với các gờ nổi dọc tạo thành những ô chữ nhật trên thân chuông. Các ô chữ nhật này được bao quanh bởi những gờ đúc nổi rất thanh thoát và chắc khỏe. Trong lòng 4 ô chữ nhật đứng phía trên có khắc bài minh gồm 309 chữ Hán; 4 ô dưới hình chữ nhật để trơn, không có hoa văn hay ký tự nào.  Vành miệng chuông loe, được trang trí bằng 45 cánh sen to xen lẫn 45 cánh sen nhỏ đều có kích thước bằng nhau.
Ba chữ Hán lớn “Phụng Tam Bảo” nổi lên rõ nét cùng bài minh khắc cho thấy người tổ chức đúc quả chuông này là viên thủ lĩnh tên là Nguyễn Anh và vợ là bà Nguyễn Thị Ninh.
Đây là một Đại hồng chung kích thước lớn, được đúc nguyên khối bằng chất liệu đồng tốt tạo nên thanh âm sắc, ấm, vang xa. Hình dáng chắc khỏe, bố cục trang trí hài hòa, cân đối. Đặc biệt các hoa văn trang trí rồng, sen được tạo dáng khỏe khoắn, tinh xảo mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật trang trí thời Trần, phản ánh trình độ đúc chuông hoàn hảo của cư dân Đại Việt dưới thời Trần.
http://3.bp.blogspot.com/-fNuH2UTk42U/VNgMJS0C11I/AAAAAAACF9g/3aoxkj_N72U/s1600/QjNKKOwswdQRXs45MKsbew132639.jpg
Minh văn trên chuông chùa Bình Lâm
Bài minh trên chuông là một văn bản văn chương gốc thời Trần, bài minh trên chuông có nội dung như sau: "... chùa Bình Lâm tự thời Trần thuộc châu Bà Đồng Thượng ở giáp giới phía Bắc trường Phú Linh, nước Đại Việt. Nay kẻ nối sau là thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ là Nguyễn Thị Ninh cùng thái ông lão bà, thiện nam tín nữ phát tâm đúc quả chuông lớn và giờ Ngọ ngày rằm tháng 3 năm Ất Mùi (1295) ở mái hiên Tiểu Thượng Niên, viện Đại Bi trong thành để lưu truyền mãi mãi ở chùa Bình Lâm..." Minh văn thể hiện thái độ trân trọng của người địa phương miền núi với Vua Trần Anh Tông. Thông qua vị thủ lĩnh Nguyễn Anh - người thay mặt triều đình cai quản một vùng “rất sùng đạo Phật, đã bỏ tiền của dựng chùa, đúc chuông” cũng như việc Vương triều Trần đã sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm. Nội dung minh văn thể hiện nét văn hoá dung hợp Tam giáo: Nho, Phật, Đạo thời Trần. Cũng thông qua bài minh trên chuông ta thấy rõ hơn sự đóng góp to lớn của triều Trần đối với công cuộc hoằng dương chánh pháp, đồng thời đánh dấu một thời hưng thịnh của Phật giáo ở Đại Việt.
Như vậy, chuông chùa Bình Lâm vừa là di vật gốc, độc bản thời Trần, vừa là nguồn sử liệu quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần trên địa bàn Hà Giang nói riêng và Đại Việt nói chung. 
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn
Cục Di sản Văn hóa, Chuông chùa Bình Lâm, http://dsvh.gov.vn/chuong-chua-binh-lam-3058
Bùi Đức Tân, Chuông chùa Việt Nam bảo vật Quốc gia, http://baohagiang.vn/van-hoa/201511/chuong-chua-binh-lam-bao-vat-quoc-gia-646907/
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây