Đa dạng hóa hoạt động trưng bày của bảo tàng Nhân học thông qua các dự án hợp tác

Thứ năm - 03/06/2021 10:50
Tác giả: ĐOÀN VĂN LUÂN*; CHU LÂM ANH**
Tóm tắt: Đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, đưa hiện vật, tài liệu đến với công chúng và xây dựng chủ đề trưng bày đáp ứng nhu cầu xã hội đương đại là những nhiệm vụ sống còn của mỗi bảo tàng. Bên cạnh nội lực tự thân, để thực hiện được điều này, các bảo tàng cần mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước làm cho các hoạt động trưng bày bên trong và bên ngoài không gian bảo tàng trở nên đa dạng hơn, hiện đại hơn về cả nội dung cũng như hình thức để tiếp cận công chúng một cách dễ dàng và thân thiện hơn.
Bảo tàng Nhân học trong nhiều năm qua đã có những cách tiếp cận và xây dựng nội dung, hình thức trưng bày phù hợp với tính chất của một bảo tàng học đường với công chúng chính là giảng viên, sinh viên… dựa trên các dự án hợp tác với các cơ quan, các trường đại học, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều dự án trưng bày đã được triển khai theo hướng này với các chủ đề đa dạng và thời sự, bám sát các vấn đề của xã hội đương đại cũng như nội dung đào tạo các ngành khoa học xã hội, nhân văn. Có thể kể những trưng bày phối hợp với các Khoa và Phòng ban Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Tổ chức ISEE, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Tài nguyên Văn hóa, Trường Đại học Kanazawa (Nhật Bản), Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình quốc gia Hiroshima (Nhật Bản), Bảo tàng Trường Đại học Valladolid (Tây Ban Nha), Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá...
Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc xây dựng nội dung, phối hợp tổ chức trưng bày cũng như một số phương pháp trưng bày thông qua những dự án hợp tác và một số phương hướng trong thời gian tới.
Từ khóa: Trưng bày chuyên đề, hợp tác trưng bày, đa dạng hóa, tiếp cận công chúng

Dẫn nhập
Bảo tàng Nhân học trực thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, là cơ sở phục vụ đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Những nội dung trưng bày của Bảo tàng gắn liền với sưu tập hiện vật khảo cổ học thể hiện sự phát triển của lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời Tiền sơ sử đến thời Nguyễn; và trưng bày những sưu tập hiện vật về dân tộc học và văn hóa Việt Nam như: công cụ sản xuất của một số dân tộc miền núi phía Bắc, nghề thủ công làm tranh dân gian, nghề dệt thổ cẩm, trang phục một số dân tộc, âm nhạc, lễ hội cổ truyền và giáo dục khoa cử. Bên cạnh sưu tập hiện vật khảo cổ học, trong nhiều năm qua, Bảo tàng đã chú trọng đến một trong các chức năng của bảo tàng đó là công tác sưu tầm và bảo quản các hiện vật Dân tộc học, Khảo cổ học và các tài liệu hiện vật Hán Nôm. Nhiệm vụ của Bảo tàng là hỗ trợ cho công tác đào tạo thông qua những hoạt động đặc thù của mình, Bảo tàng đã trở thành một giảng đường đặc biệt nơi kết hợp giữa lý thuyết với thực tế/thực tiễn khai thác một cách hiệu quả nhất các sưu tập hiện vật được lưu giữ trong bảo tàng (Lâm Thị Mỹ Dung 2016, 3-11). Là một bảo tàng thuộc một trường đại học với thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu, nên công chúng của bảo tàng chính là sinh viên và giảng viên, trong những năm qua, Bảo tàng đã và đang trở thành điểm đến quen thuộc của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các giảng viên và sinh viên đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Công chúng đến với Bảo tàng luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện một cách tối đa về việc khai thác, sử dụng và phát huy giá trị sưu tập của hiện vật trong bảo tàng.
Do không gian trưng bày hẹp và nguồn kinh phí hạn chế, Bảo tàng Nhân học trưng bày các sưu tập hiện vật được chọn lọc kỹ càng, mang tính tiêu biểu, và đa dạng nhằm giúp người xem dễ hiểu và nắm bắt được một cách khái quát nhất nội dung truyền tải. Để giải quyết về diện tích và không gian trưng bày hạn chế, Bảo tàng Nhân học đã lựa chọn giải pháp bằng các trưng bày chuyên đề, những chuyên đề này có thể thay đổi theo từng năm và mang tính thời sự đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên.
Theo khuyến cáo của UNESCO (2015), “Bảo tàng là không gian truyền tải văn hóa, đối thoại liên văn hóa, học tập, thảo luận và đào tạo, cũng đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục (học tập chính quy, không chính thức và suốt đời), gắn kết xã hội và phát triển bền vững. Các bảo tàng có tiềm năng lớn để nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa và tự nhiên và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc đóng góp cho việc chăm sóc và truyền tải của họ. Các bảo tàng cũng hỗ trợ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là thông qua các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo và du lịch”. Về cơ bản hoạt động của Bảo tàng Nhân học trong thời gian qua và trong thời gian tới đều dựa vào khuyến cáo này.

       1. Đa dạng hóa hoạt động trưng bày
Đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, tăng cường liên kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang dần trở thành một hướng đi và xu thế hiện nay của các bảo tàng. Đa dạng hóa các hoạt động trưng bày của bảo tàng là một trong những yếu tố để thu hút công chúng đến với bảo tàng. “Bảo tàng không phải là bảo tàng nếu không có trưng bày. Nổi bật nhất và công khai nhất trong tất cả các dịch vụ bảo tàng, trưng bày là linh hồn của trải nghiệm bảo tàng của hàng triệu khách thăm cũng như những người tạo ra chúng. Như một tổ hợp ba chiều độc đáo, trưng bày cho thấy mọi thứ, cho dù là một tác phẩm nghệ thuật hay máy móc kỹ thuật, một dòng thời gian lịch sử hoặc một chút xương động vật hay người... Trưng bày hoặc triển lãm là một tính năng phổ biến cho tất cả các bảo tàng, từ các tổ chức tham gia vào nghiên cứu học thuật cho một nhóm nhỏ khán giả chuyên nghiệp đến những tổ chức đa ngành lớn”(Kathleen McLean 1999, 83-107). Mỗi bảo tàng tùy theo chức năng và vị trí của mình để lựa chọn những hình thức và nội dung trưng bày sao cho phù hợp nhưng đều hướng đến mục đích tối ưu hóa tương tác giữa sưu tập hiện vật với công chúng và đa dạng hóa các hình thức trưng bày chính là cách để bảo tàng truyền tải được những nội dung đa dạng và phong phú.
Đa dạng hóa hoạt động trưng bày của bảo tàng là việc thay đổi cách thức tổ chức trưng bày, thông qua các hình thức trưng bày khác nhau. Có hai hình thức trưng bày chính đó là trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề. Hình thức trưng bày cố định thường trưng bày theo các diễn trình lịch sử hay theo các chủ đề chính của mỗi một bảo tàng và thường khó có thể thay đổi vì những đòi hỏi phức tạp về mặt phương tiện, kỹ thuật, cơ sở vật chất - hạ tầng… Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay các sự kiện cũng như yêu cầu vẫn đang diễn biến và thay đổi thường xuyên, nên trưng bày chuyên đề - hay trưng bày lưu động là một hình thức bổ sung cho trưng bày cố định nhằm thu hút nhiều thành phần công chúng hơn, cũng như đưa ra được những nội dung đa dạng hơn.
Cho dù trưng bày cố định hay trưng bày chuyên đề thì việc đầu tiên khi tiến hành đó là xây dựng đề cương trưng bày, vì đề cương trưng bày có vai trò quan trọng quyết định đến thành công của mỗi trưng bày. Để thu hút được công chúng thì đề cương trưng bày phải bám sát với nhu cầu thực tiễn của xã hội, liên quan đến các sự kiện, vấn đề đã và đang diễn ra trong xã hội. Đối với những bảo tàng đầu ngành có nguồn kinh phí dồi dào, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, việc xây dựng thay đổi và nâng cấp nội dung trưng bày được chú trọng đầu tư nhiều hơn. Đối với các bảo tàng có nguồn kinh phí hạn chế, việc xây dựng đề cương trưng bày, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và đặc biệt là công tác trưng bày phát huy giá trị của hiện vật thay đổi nội dung trưng bày thường gặp nhiều khó khăn. Một giải pháp trong hình thức trưng bày cố định để nâng cấp và bổ sung cho nội dung trưng bày đó là ứng dụng khoa học công nghệ trong trưng bày. Những tài liệu, hiện vật không được trưng bày sẽ được số hóa hiện vật dưới dạng hình ảnh và được trình chiếu thông qua các phương tiện và thiết bị hiện đại như màn chiếu, kết hợp âm thanh, ánh sáng để thu hút và tăng trải nghiệm đối với công chúng. Hình thức trưng bày cố định kết hợp với việc ứng dụng khoa học công nghệ đang được nhiều bảo tàng ở Việt Nam áp dụng, nhưng để có thể triển khai và áp dụng đối với mỗi bảo tàng thì cần một nguồn kinh phí khá lớn, cần một đội ngũ cán bộ có khả năng và trình độ về công nghệ thông tin để vận hành và sử dụng, đó là chưa kể đến nguồn kinh phí cho hoạt động duy tu bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị.
Trưng bày chuyên đề diễn ra trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả và tác động xã hội lớn, bổ sung cho trưng bày cố định. Việc tổ chức trưng bày chuyên đề không nhất thiết phải diễn ra trong không gian của bảo tàng, mà có thể diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Bảo tàng Nhân học chú trọng và lựa chọn hình thức trưng bày chuyên đề diễn ra bên ngoài không gian của bảo tàng là để khắc phục hạn chế về mặt diện tích trưng bày của bảo tàng. Thông qua sự hợp tác với các đơn vị trong và ngoài Trường, bảo tàng tận dụng tối đa được nguồn lực của đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên của Trường. Bên cạnh đó, đội ngũ tình nguyện viên của Bảo tàng là những sinh viên đang theo học tại trường tham gia vào các dự án trưng bày chuyên đề sẽ được đào tạo, tập huấn một cách bài bản về các kỹ năng trong việc xây dựng nội dung, tổ chức, đánh giá trưng bày.
Việc hiểu rõ đối tượng công chúng phục vụ của bảo tàng là sinh viên, giảng viên trong trường thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như lịch sử, nhân học, du lịch, văn hóa... giúp cho Bảo tàng Nhân học phát huy được hiệu quả trong việc tổ chức trưng bày chuyên đề. “Mỗi khi chuẩn bị tổ chức một cuộc trưng bày hoặc một hoạt động giáo dục xã hội nào đó trước tiên thường phải nêu rõ đối tượng phục vụ chủ yếu của nó. Đối tượng phục vụ chủ yếu cũng chính là nhóm khách tham quan mục tiêu đặc biệt trong đông đảo khách tham quan” (Vương Hoằng Quân 2008) bằng cách tận dụng không gian trong khuôn viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và phối hợp với các bảo tàng khác mang hiện vật đi trưng bày ở một số bảo tàng khác như Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá... Mỗi cuộc trưng bày chuyên đề của bảo tàng với mục đích phục vụ được nhiều đối tượng khác nhau. Những sinh viên đang theo học tại Trường thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau chính là đối tượng công chúng mà bảo tàng luôn hướng đến. Nắm bắt được nhu cầu của đối tượng công chúng này, bảo tàng tiến hành xây dựng các nội dung cho phù hợp, trên sự tư vấn về nội dung từ các chuyên gia để cuộc trưng bày mỗi khi diễn ra mang lại hiệu quả cao nhất, góp phần thiết thực vào việc học tập và nghiên cứu của sinh viên. Từ việc khai thác và phát huy nguồn lực là đội ngũ chuyên gia tư vấn và công chúng mà ít nơi nào có được đã làm cho các trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Nhân học có những nét đặc sắc riêng của một bảo tàng trường đại học.
Các hoạt động trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Nhân học hiện nay không chỉ tập trung xoay quanh các sưu tập hiện vật hiện có mà đã mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị, tổ chức, bảo tàng khác để cùng tiến hành xây dựng trưng bày làm cho hoạt động này  ngày càng đa dạng và phong phú. Chủ đề của các trưng bày cũng mang tính cập nhật, phản ánh nhiều vấn đề được dư luận và xã hội quan tâm, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, hình thức trưng bày đa dạng, trang thiết bị phương tiện sử dụng ngoài việc đáp ứng nhu cầu truyền tải thông tin đến với công chúng, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ nhưng cũng phải đảm bảo được tính lưu động, dễ dàng di chuyển, lắp đặt và giá thành phù hợp. Tận dụng được điều này sẽ làm giảm được nguồn kinh phí cho mỗi cuộc trưng bày. Ngoài sử dụng hiện vật trong trưng bày, có thể sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ như màn hình, máy chiếu để chiếu phim, màn hình tương tác giúp công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin và mang lại hiệu quả. Với một nguồn kinh phí không nhiều cho mỗi cuộc trưng bày nên Bảo tàng Nhân học chú trọng đến mở rộng hợp tác để chia sẻ về nguồn lực. Sự phối hợp giữa các đơn vị vừa đáp ứng được nhu cầu của mỗi bên vừa có thể cùng nhau chia sẻ về nguồn kinh phí cho việc tổ chức trưng bày. Đây cũng sẽ là cơ hội để quảng bá nhiều hơn vị thế của các đơn vị ra bên ngoài thông qua hình ảnh của đơn vị được xuất hiện trên pano giới thiệu trưng bày, những đơn vị hợp tác sẽ được hưởng những chính sách ưu tiên của bảo tàng như cử đại diện phát biểu, được vinh danh, nhận kỷ niệm chương hay các hình thức quảng bá khác trong mỗi sự kiện trưng bày.
Một hình thức kỹ thuật trưng bày mới được biết đến ở các nước phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây đó là trưng bày ảo. Trưng bày ảo là hình thức trưng bày dữ liệu dưới dạng số hoá, thông qua các phần mềm, hiện vật và tư liệu được thể hiện dưới dạng số, công chúng có thể dễ dàng tương tác với các hiện vật thông qua phương tiện, thiết bị hỗ trợ được lập trình trên máy tính. Công chúng có thể xem các trưng bày ảo thông qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể truy cập và tham quan trưng bày ảo mà không cần phải đến bảo tàng. Ngoài ra, ở một số bảo tàng trên thế giới, những chuyên gia làm trưng bày của bảo tàng đã kết hợp với những chuyên gia , những công ty chuyên về thiết kế phần mềm đồ họa để cùng nhau hợp tác và xây dựng các trưng bày số hay những trò chơi trên những ứng dụng trên các thiết bị thông minh để thu hút trẻ em vừa học tập, vui chơi trải nghiệm dựa trên cơ sở dữ liệu hiện vật của bảo tàng. Dựa vào sưu tập hiện vật gốc với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc số hóa hiện vật sau đó thể hiện dưới dạng số hoá thông qua các thiết bị trình chiếu, màn hình cảm ứng, hình ảnh, âm thanh hỗ trợ cho phép công chúng được tiếp cận gần hơn với hiện vật gốc. Bên cạnh trưng bày hiện vật còn có thuyết minh, phim tư liệu làm cho hiện vật của bảo tàng trở nên sống động giúp cho công chúng hiểu được bối cảnh lịch sử và giá trị văn hóa của hiện vật được trưng bày. Ở Việt Nam đã có một số bảo tàng xây dựng không gian trưng bày ảo theo từng chuyên đề như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một ví dụ điển hình trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc đổi mới trưng bày, những thành công bước đầu trong việc số hoá hiện vật và thu hút công chúng. Thông qua những trưng bày ảo mà bảo tàng đã xây dựng số lượng khách đến với bảo tàng ngày càng tăng, cũng như lượng khách truy cập trên website của bảo tàng cũng tăng lên đáng kể. Trưng bày dưới dạng không gian ảo, cho thấy sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng đang thay đổi. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống hiện nay đang dần trở nên phổ biến, những người trong độ tuổi lao động, trẻ em, học sinh, sinh viên thích ứng và sử dụng công nghệ rất nhanh, điều này sẽ là một lợi thế lớn cho các bảo tàng biết cách tạo ra những sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhóm công chúng tiềm năng này.
Với đặc thù là bảo tàng thuộc trường đại học, là một “giảng đường đặc biệt” với mục đích chính là phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, do vậy công chúng của Bảo tàng Nhân học có đặc thù riêng. Công chúng đông nhất chính là sinh viên và giảng viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Họ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với các sưu tập hiện vật, tài liệu và quan tâm tới các trưng bày, chủ yếu để phục vụ công việc học tập và nghiên cứu của mình. Bảo tàng Nhân học đã xây dựng được hình ảnh tích cực đối với đối tượng công chúng  không chỉ là sinh viên, giảng viên mà cả các nhà nghiên cứu.“Trong tất cả các mối quan hệ với công chúng - trực tiếp và gián tiếp - vấn đề quan trọng là phải xây dựng nên một hình ảnh tích cực về bảo tàng dựa trên những thành công và thành tựu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của hoạt động bảo tàng” (Timothy Ambrose và Crispin Paine 2000). Mỗi cuộc trưng bày ngoài nội dung phải đáp ứng được về mặt khoa học, thiết kế trưng bày đảm bảo tính mỹ thuật, hình ảnh, chú thích rõ ràng, bắt mắt để thu hút công chúng. Việc ứng dụng các phương tiện hiện đại, âm thanh, hình ảnh, phim tư liệu phải đạt được hiệu ứng tác động đến công chúng làm tăng sức ảnh hưởng của mỗi cuộc trưng bày. Điều quan trọng nhất của mỗi cuộc trưng bày vẫn là đáp ứng chức năng giáo dục nâng cao nhận thức của công chúng, vừa mang tính khoa học, vừa để giải trí. Ngoài ra, trưng bày còn là nơi để trao đổi, học tập và tương tác giữa công chúng với nhau và giữa công chúng với ban tổ chức.
Ngoài việc đảm bảo về nội dung, hình thức trưng bày cũng phải mang tính thẩm mỹ thu hút được công chúng vừa phải tiết kiệm chi phí nhưng cũng phải đảm bảo khả năng tái sử dụng “bảo tàng còn phải thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề và trưng bày tạm thời. Trưng bày lại không thể cứ rập theo một khuôn, mà phải có nét đặc sắc riêng. Nhưng, không thể tổ chức xong một cuộc trưng bày thì toàn bộ thiết bị và vật dụng sẽ bỏ đi tất cả, rồi đến cuộc trưng bày sau lại làm mới tất cả. Làm như vậy giá thành sẽ cao và lãng phí. Vì vậy, thiết bị và vật dụng trưng bày của bảo tàng phải có bộ phận không thay đổi để nhiều cuộc trưng bày có thể sử dụng”(Vương Hoằng Quân 2008). Bảo tàng Nhân học sử dụng hệ thống tủ trưng bày, pano, giá kệ, màn hình chiếu phim, có thể sử dụng cho nhiều cuộc trưng bày và dễ thay thế, nên tiết kiệm được chi phí. Nguồn kinh phí sẽ được ưu tiên cho việc sưu tầm hiện vật, trả phí bản quyền hình ảnh, các tác phẩm nghệ thuật hay các chi phí phát sinh khác. Sau khi trưng bày chuyên đề kết thúc, chủ nhân của những tác phẩm được trưng bày đa phần đều hiến tặng cho Bảo tàng. Sau mỗi cuộc trưng bày như vậy, Bảo tàng có thêm tư liệu, hiện vật để bổ sung và làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật. Do trưng bày bên ngoài không gian của Bảo tàng thường diễn ra ở ngoài trời nên hạn chế tối đa việc sử dụng các tài liệu, hiện vật gốc để đảm bảo an ninh và an toàn cho hiện vật. Các hiện vật, tài liệu, hình ảnh, phim tư liệu mang ra trưng bày thường được số hóa. Hình ảnh thể hiện được thiết kế đảm bảo tính mỹ thuật, việc in ấn cũng như chọn lựa chất liệu sao cho phù hợp có khả năng chịu được tác động thời tiết mưa nắng trong một khoảng thời gian nhất định và dễ dàng thay thế di chuyển. Trưng bày chuyên đề đã làm thay đổi tư duy và cách thức trưng bày theo lối truyền thống, trưng bày không còn diễn ra cố định tại một địa điểm nữa mà có thể diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa điểm và thời gian khác nhau.

 2. Các dự án trưng bày thông qua hợp tác
Việc đa dạng hóa các hoạt động trưng bày của bảo tàng thông qua tổ chức các trưng bày chuyên đề như đã nêu luôn dựa vào nguồn lực của một trường đại học có thế mạnh về nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội, nơi có đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học uy tín. Bảo tàng Nhân học đã tận dụng được nguồn lực chất xám của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trong việc tư vấn nội dung tổ chức và triển khai các hoạt động trưng bày. Ở đây, chúng tôi xin chia sẻ về một số trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Nhân học đã được triển khai thông qua một số dự án hợp tác với bên ngoài.
Các dự án hợp tác của Bảo tàng Nhân học có thể kể đến như việc phối hợp với tổ chức ISEE, là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động, nghiên cứu về quyền con người, bình đẳng giới và các thành phần yếu thế trong xã hội. Việc hợp tác trưng bày với tổ chức ISEE thông qua một số cuộc trưng bày chuyên đề như: “Một tôi khác”, “Tớ kể bạn nghe”“Văn hóa của mình - Đối thoại trong không gian mở” đã giúp cho đối tượng công chúng ở đây là các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của những người yếu thế trong xã hội. Bằng phương pháp photovoice, kể chuyện bằng hình ảnh, thông qua những bức ảnh để thể hiện tâm tư, nguyện vọng và những suy tư của những người thuộc tầng lớp yếu thế này. Từ đó sau khi xem trưng bày, công chúng sẽ có cái nhìn đúng hơn, cảm thông và chia sẻ với những người đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội hiện nay.
Dự án hợp tác trưng bày với Bảo tàng Tuổi trẻ có chủ đề “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Với hơn 400 hình ảnh và tài liệu, hiện vật lịch sử, cuộc trưng bày đã góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của cán bộ giảng viên, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu niên về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Dự án hợp tác trưng bày với Bộ Thông tin và Truyền thông với chủ đề “Biển Đảo Việt Nam, có ý nghĩa to lớn trong lúc diễn biến phức tạp về việc tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đang diễn ra hết sức căng thẳng. Cuộc trưng bày giúp công chúng Việt Nam và quốc tế tiếp cận các tài liệu, hiện vật, bản đồ, châu bản được sưu tầm ở trong nước và trung tâm lưu trữ ở nước ngoài, qua đó góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, trưng bày còn cho công chúng thấy được cuộc sống và những khó khăn gian khổ mà những người lính canh giữ đảo đang phải đối mặt hàng ngày. Thông qua những câu chuyện bình dị về cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của những người lính đảo, công chúng thấy được cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió như thế nào. Cuộc trưng bày lần đầu tiên diễn ra ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Sau khi cuộc trưng bày kết thúc, Bộ Thông tin và Truyền thông dựa trên nguồn tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Nhân học, đã tiến hành bổ sung chỉnh sửa và tổ chức trưng bày lưu động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và cả ở nước ngoài.
Trưng bày chuyên đề “Đối thoại với di sản - Ruộng bậc thang” là kết quả của dự án hợp tác với Khoa Nhân học, được hình thành trên cơ sở nghiên cứu của một nhà nhân học thuộc Khoa Nhân học, sau nhiều chuyến điền dã đã gợi mở nhiều ý tưởng cho cuộc trưng bày này. Trưng bày không chỉ kể cho công chúng những câu chuyện thú vị về ruộng bậc thang mà còn cho thấy những khía cạnh văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và chứng minh rằng phương thức canh tác ruộng bậc thang không chỉ là cách mưu sinh thông thường mà còn là một di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số vùng cao.
Trưng bày “Thảm họa bom nguyên tử tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki” là kết quả của dự án hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam do Bảo tàng Nhân học thực hiện. Mục đích của trưng bày giúp công chúng nhận thức được hậu quả của bom nguyên tử cũng như truyền tải tới mọi người trên thế giới thông điệp về sự tàn khốc của bom nguyên tử gây ra và ước mong hòa bình của nhân loại. Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình tốt đẹp, cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, những quốc gia đã trải qua nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh. 
Dự án hợp tác với Đại học Valladolid (Tây Ban Nha) với trưng bày chuyên đề “Việt Nam - Đất nước, con người và văn hóa trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Tây Ban Nha trong việc tăng cường hợp tác toàn diện và phát triển kinh tế giữa hai nước. Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học Valladolid đã triển khai hoạt động để công chúng Tây Ban Nha hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn làm đầu mối hợp tác, Bảo tàng Nhân học đã xây dựng nội dung và sưu tầm tư liệu thông qua 100 bức ảnh được ban tổ chức chọn lọc từ nhiều nhà nhiếp ảnh khác nhau thể hiện đời sống văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực và danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam, giúp cho công chúng nước ngoài hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.
Dự án hợp tác trưng bày tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, với chủ đề “Di sản khảo cổ học Vườn Chuối - Cuộc đối thoại từ cộng đồng”, với mục đích góp phần đưa tiếng nói của cộng đồng tới các cơ quan quản lý nhà nước về một di sản văn hóa khảo cổ học có giá trị đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy trước lựa chọn về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa hay phát triển kinh tế. Đây là một trong những dự án hợp tác kết hợp giữa Bảo tàng Nhân học, Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Cuộc trưng bày cho công chúng thấy được những giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích Vườn Chuối nhưng cũng cho thấy sự vào cuộc của nhiều bên liên quan như những nhà nghiên cứu, chính quyền các cấp, người dân địa phương và cơ quan truyền thông công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển kinh tế địa phương. Thông qua trưng bày này, Bảo tàng Nhân học mở ra hướng nghiên cứu và tham gia vào công việc bảo tồn giá trị văn hóa vật thể dưới hình thức quản lý di sản và khảo cổ học cộng đồng.
Từ một số dự án hợp tác nêu trên, Bảo tàng Nhân học đã thu được những thành công bước đầu trong việc hợp tác với các đối tác khác nhau, qua đó, đội ngũ cán bộ của Bảo tàng được học hỏi và hoàn thiện hơn về kỹ năng, nghiệp vụ và hơn hết đó là thu hút được công chúng. Ngoài việc mở rộng các mối quan hệ với nhiều đơn vị, tổ chức khác, Bảo tàng đã và đang từng bước khẳng định là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng và triển khai mô hình từ nghiên cứu đến trưng bày.

Kết luận
Với chức năng của một bảo tàng học đường có không gian hẹp và công chúng đặc thù, Bảo tàng Nhân học từ khi thành lập đến nay đã triển khai nhiều cách thức trưng bày ngoài không gian truyền thống, đưa hiện vật của bảo tàng đến với công chúng. Những cuộc trưng bày này đã có tác động tích cực đến sinh viên và giảng viên của Trường. Nhiều bài viết và ý kiến đóng góp đã giúp cho ban tổ chức nâng cao chất lượng sau mỗi cuộc trưng bày. Các chương trình hợp tác trong và ngoài nước đã góp phần nâng cao vị thế của một bảo tàng đại học đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh những lợi thế mà bảo tàng có được, còn nhiều lĩnh vực chưa được khai thác, trong đó có nguồn lực từ đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường. Trong thời gian tới, Bảo tàng Nhân học cần tiếp cận và khai thác nguồn lực này để có nhiều sáng kiến, ý tưởng cho những trưng bày đa dạng hơn, góp phần vào sự nghiệp giáo dục chung của nhà trường. Việc số hóa nguồn tài liệu, nâng cấp và hiện đại hóa nội dung trưng bày là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới để thu hút công chúng đến tham quan. Bảo tàng Nhân học tiếp tục tìm kiếm mọi cơ hội và khả năng hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để tổ chức các trưng bày chuyên đề đa dạng hơn về chủ đề, hiện đại hơn về kỹ thuật và linh động hơn về không gian, thời gian, nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn, góp phần nâng cao vị thế của Bảo tàng Nhân học nói riêng và của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (2004), Bảo tàng góp phần hoàn thiện nhân cách con người, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
  2. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1997), Sự nghiệp bảo tàng những vấn đề cấp thiết, Nxb. Lao động, Hà Nội.
  3. Bùi Kim Đĩnh (2014), “Xây dựng sứ mệnh và đề cương bảo tàng”, Tạp chí Di sản Văn hóa, Số 1 (46), tr. 105-200.
  4. Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh (2004), Hoạt động bảo tàng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Hà Nội.
  5. Kathleen McLean (1999), “Museum Exhibitions and the Dynamics of Dialogue”, Daedalus, Vol. 128, No. 3, America's Museums (Summer, 1999), pp. 83-107.
  6. Kaulen M.E, Kossova I.M., Sundieva A.A. (2006), Sự nghiệp bảo tàng của nước Nga, Cục Di sản Văn hóa.
  7. Lâm Thị Mỹ Dung (2016), “Xây dựng và phát huy giá trị sưu tập mẫu vật phục vụ đào tạo và nghiên cứu ở Bảo tàng Nhân học”, Tạp chí Bảo tàng & Nhân học, Só 1 (13), tr. 3-11.
  8. Nguyễn Đình Thanh (2007), Bảo tàng - Di tích, Một số vấn đề lý luận thực tiễn, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  9. Nguyễn Thị Huệ (2005), Lược sử sự nghiệp bảo tồn bảo tàng Việt Nam từ 1945 đến nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  10. Timothy Ambrose và Crispin Paine (2000), Cơ sở bảo tàng, Bản dịch của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
  11. UNESCO (2015), Recommendation concerning the protection and promotion of Museums and Collections, their diversity and their role in society, Adopted by the general conference at its 38th session, Paris, 17 November.
  12. Vương Hoằng Quân (2008), Cơ sở bảo tàng học Trung Quốc, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
 
*** Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây