Trưng bày thường xuyên của BTNH có hai phòng trưng bày:
Phòng trưng bày về Khảo cổ học
Đến với trưng bày khảo cổ học người xem sẽ tận mắt chứng kiến (trong một số trường hợp sẽ tận tay sờ thấy) những hiện vật bằng nhiều chất liệu thể hiện lối sống, lối ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội của những cộng đồng dân cư theo thời gian và theo không gian:
Trưng bày khảo cổ học được chia thành hai loại: Trưng bày theo bộ sưu tập đặc trưng cho các thời đại/văn hoá khảo cổ từ thời đại từ đá cũ đến thời nhà Nguyễn. Hiện vật từ nhiều vùng miền khác nhau phản ánh quá trình nghiên cứu điền dã, khai quật của cán bộ và sinh viên trường ĐHTH trước đây và ĐHKHXH & NV hiện nay. Bên cạnh hiện vật là hệ thống bản đồ, sơ đồ, bản vẽ và bản ảnh tạo bối cảnh sinh động và cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa các hiện vật với địa tầng và di tích. Tuy diện tích trưng bày nhỏ và số lượng hiện vật không nhiều nhưng trưng bày khảo cổ học của bảo tàng Nhân học đáp ứng những tiêu chí của trưng bày dạy học: Tiêu biểu, Khái quát, Dễ hiểu, Chính xác và Bắt mắt. Ngoài bộ hiện vật thường gặp trong mỗi văn hoá khảo cổ Bảo tàng Nhân học còn sở hữu một số hiện vật độc đáo như bộ trang sức vòng tay, hạt chuỗi bằng đá ngọc văn hoá Tiền Đông Sơn lưu vực sông Hồng; Vật đeo hình đầu trâu có niên đại văn hoá Gò Mun (cách nay khoảng 3000 năm); Sưu tập trống đồng và đồ đồng văn hoá Đông Sơn; Chum gốm quan tài văn hoá Sa Huỳnh (cách nay trên 2000 năm); Bình hình trứng gốm Chăm cổ (cách nay gần 2000 năm); Ngói mặt hề Chăm (khoảng 1600-1500 năm cách ngày nay); Gạch trang trí Luy Lâu (cách đây khoảng 1400 năm); Sưu tập gốm sứ Xóm Trại Gốm (thế kỷ 16-18) …
Trưng bày mở các bộ mẫu vật gốm, đá của một số văn hoá tiền và sơ sử Việt Nam. Bảo tàng Nhân học là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo khảo cổ và là cơ sở lưu giữ nhiều sưu tập mẫu vật của các nền văn hoá khảo cổ Việt Nam, do vậy thế mạnh của bảo tàng chính là những mẫu vật gốm, đá, kim loại được phân loại và sắp xếp theo từng giai đoạn, từng nền văn hoá. Mục đích của bảo tàng là giúp cho người nghiên cứu và người học tiếp cận trực tiếp và khai thác các mẫu vật này một cách dễ dàng. Những nhà nghiên cứu và sinh viên có thể tiếp cận những mẫu vật này bằng hai cách:
1. Trực tiếp tới xem và làm việc với hiện vật tại bảo tàng
2. Xem trên website của bảo tàng
Trong tương lai, bảo tàng sẽ công bố một cách dần dần và đầy đủ cơ sở dữ liệu mà bảo tàng đang tiến hành hệ thống hoá và số hoá. Mỗi một năm hàng trăm nghìn hiện vật khảo cổ học, cổ sinh học, cổ nhân học và văn hoá cổ truyền được phát lộ một cách ngẫu nhiên và phần lớn trong chúng đã bị biến mất trước khi các nhà chuyên môn biết đến. Với những trưng bày mẫu vật của mình, chúng tôi hy vọng thu hút sự chú ý của sinh viên và công chúng tới việc bảo tồn và gìn giữ những di tích, di vật văn hoá dân tộc. Nếu có bất cứ thông tin gì xin hãy thông báo cho chúng tôi.
Phòng trưng bày Dân tộc học và Văn hoá Việt Nam truyền thống
Phòng trưng bày rộng 80m2 nằm tại tầng 4 dành để giới thiệu về văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Trong một diện tích trưng bày hạn chế hiện vật được tổ chức trưng bày theo từng lĩnh vực hoạt động sống của con người, ví dụ:
* Hoạt động sản xuất bao gồm: công cụ sản xuất, cụ thể là công cụ sản xuất của từng phương thức canh tác.
* Hoạt động tôn giáo: Phân loại công cụ phục vụ đám cưới, đám ma, lễ hội.
* Hoạt động mặc bao gồm trang phục, trang sức và các sản phẩm liên quan đến nghề dệt cũng sẽ được phân loại theo kiểu thức, chức năng, kĩ thuật... theo các đồ án, mầu sắc và ý nghĩa biểu trưng của hoa văn trên những sản phẩm đó.
* Hoạt động ăn uống (văn hoá ẩm thực) được trưng bày các kiểu bếp, đồ dùng, dụng cụ chế biến, món ăn, cách thức ăn uống,nghi thức, nghi lễ...
* Ngoài ra, hiện vật DTH được trưng bày theo từng chuyên đề cụ thể. Ví dụ: các công cụ đánh bắt cá, các công cụ hái lượm, thậm chí đi sâu vào các loại câu, các loại chài lưới, đó, các loại cung tên hay các loại bẫy.. Những công cụ này được trưng bày lồng ghép vừa theo dân tộc, vừa theo chức năng.
Trên thực tế, di sản văn hoá phi vật thể ẩn chứa trong từng hiện vật cụ thể của Khảo cổ học, Dân tộc học, Lịch sử văn hoá... Ví dụ trang phục, món ăn... đặt trong các nghi thức, nghi lễ của lễ hội, lễ tiết, lễ thức đều mang tính đa nghĩa. Ở đây chúng tôi thu thập, bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản này thông qua những phương pháp và kĩ thuật hiện đại.
Ngôn ngữ các dân tộc được trưng bày theo từng chữ viết của các dân tộc, các văn bản từ cổ chí kim (chữ Thái, chữ Khơme, chữ Chăm, Nôm Dao, Nôm Tày, Chữ H'Mông, Êđê, Giarai hay lịch sử chữ phổ thông...). ở đây chúng tôi chú ý trưng bày các biểu tượng thông báo như "ta leo" (Thái), các loại cờ báo giờ, cầm canh hay trống, mõ, tù và...
Phòng Kho bảo quản phục vụ nghiên cứu
Tham quan nghiên cứu và phân tích mẫu vật. Sưu tập hiện vật và những tài liệu liên quan của BTNH dùng phục vụ cho việc dạy học, nghiên cứu, công bố, trưng bày, phục dựng và sáng tạo nghệ thuật. Do tính chất nhạy cảm của nhiều loại chất liệu đối với sự thay đổi của điều kiện môi trường bên ngoài nên việc tiếp xúc với những hiện vật cần được tuân thủ theo những quy định của bảo tàng và phải được đặt dưới sự giám sát của các nhà chuyên môn. Sinh viên và nhà nghiên cứu có nhu cầu làm việc với hiện vật Bảo tàng cần liên hệ trước với cán bộ của Bảo tàng để thu xếp ngày giờ làm việc và cần thực hiện đầy đủ những quy định và quy chế của BTNH.
Hiện nay, BTNH đã xây dựng và đưa vào khai thác một số sưu tập mở sau (những sưu tập này cũng vẫn đang trong quá trình bổ sung và hoàn thiện):
1. Sưu tập mẫu hiện vật mẫu loại hình miệng và hoa văn gốm Phùng Nguyên - Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn.
2. Sưu tập mẫu hiện vật loại hình và chất liệu công cụ và trang sức đá Phùng Nguyên - Đồng Đậu – Gò Mun.
3. Sưu tập mẫu hiện vật loại hình và chất liệu công cụ đá văn hoá Hoà Bình.
4. Sưu tập mẫu hiện vật gốm văn hoá Sa Huỳnh.
5. Sưu tập mẫu hiện vật gốm Chăm (giai đoạn sớm thế kỷ 1- 4 và giai đoạn từ thế kỷ 5-10).
6. Sưu tập hiện vật gốm sứ thời Trần, thời Lê.