Mộ thuyền Việt Khê

Thứ năm - 19/08/2021 08:58
Mộ thuyền Việt Khê

Tên gọi: Mộ thuyền Việt Khê
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2599/QĐ-TTg ngày 20/12/2013
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Phát hiện: Mộ Việt Khê M2 được phát hiện vào năm 1961 cùng với 4 mộ thuyền khác tại một cánh đồng ven sông Hàn, thuộc thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trong 5 ngôi mộ, mộ Việt Khê M2 là quý giá nhất bởi còn khá nguyên vẹn và có nhiều đồ tùy táng, với hơn 100 hiện vật chôn theo.
Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ 4 trước công nguyên
Kích thước: Dài: 476 cm; Rộng: 77 cm; Dày: 60 cm; Sâu: 39 cm; Cao cả nắp: 60 cm.
Hiện trạng: Chiếc quan tài tương đối nguyên vẹn, được làm từ một thân cây được khoét rỗng, có đôi chỗ bị nứt.
Mộ quan tài thân cây khoét rỗng (M2) Việt Khê

Đây là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài giữ nguyên mặt cây gỗ, chỉ bóc đi lớp, hình dáng quan tài như thuyền độc mộc, đầu to, đầu nhỏ. Hai đầu quan tài được bịt kín bằng hai mảnh ván hình bán nguyệt. Ở đầu to mảnh ván này lắp vào đầu quan tài bằng cách buộc dây hoặc tra chốt vào lỗ mộng. Ở đầu nhỏ cũng được lắp tương tự, nhưng được đục một rãnh sâu để kìm mảnh ván cho chắc hơn. Trên mép quan tài có gờ dọc cao khoảng 4cm để đậy nắp cho được kín và mỗi bên có 3 mộng để giữ chặt nắp. Xương cốt trong mộ đã bị tiêu hết.
Bên trong chứa 107 đồ tùy táng gồm chủ yếu là đồ đồng, một số là đồ gỗ và đồ da có sơn. Đầu to của quan tài để xếp những nhiện vật lớn như bình, thạp, đỉnh, trống đồng, đầu nhỏ đặt công cụ và vũ khí như rìu, đục, dao găm. Một bên mép quan tài để các loại giáo tra cán, một bên có bơi chèo và di vật loại khác. Ở giữa có chuông, khay, thố đồng và một mảnh da có sơn. Lót dưới các di vật là đồ đan như cói, vải (chỉ còn lại dấu vết.





Một số đồ tùy táng M2 Việt Khê
Bộ sưu tập di vật ở Việt Khê vừa có yếu tố bản địa bên cạnh những hiện vật ngoại lai do buôn bán trao đổi mà có.  Việc phát hiện mộ thuyền Việt Khê có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó không chỉ là nguồn tài liệu quý giá để nghiên cứu về táng tục và táng thức của cư dân Đông Sơn, mà còn là cơ sở để nghiên cứu về lịch sử hình thành các giai tầng trong xã hội Đông Sơn, về mối quan hệ văn hóa giữa khu vực Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, về sự hình thành và phát triển các ngành nghề thủ công và buôn bán, trao đổi đường trường.
                                                                           Lâm Anh sưu tầm và biên soạn


Nguồn:
Bùi Văn Liêm 2013, Mộ thuyền Đông Sơn Việt Nam. Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.42-44.
Cục Di sản Văn hóa, Mộ thuyền Việt Khê , http://dsvh.gov.vn/mo-thuyen-viet-khe-3047
Nguyễn Văn Đoàn, Bảo vật Quốc gia Việt Nam Mộ thuyền Việt Khê, http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/1001/19918/bao-vat-quoc-gia-viet-nam-mo-thuyen-viet-khe.html


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây