Sứ mệnh và mục tiêu phát triển Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thứ sáu - 29/01/2021 14:13

 

I. Sứ mệnh và tầm nhìn

1. Sứ mệnh

Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN có sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về Khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

2. Giá trị cốt lõi và khẩu hiệu hành động

Tiên phong – Sáng tạo – Chất lượng cao – Trình độ cao

3. Tầm nhìn 2035

Phát huy thế mạnh của một trường đại học khoa học cơ bản, tập trung nguồn lực xây dựng Trường ĐHKHXH&NV thành một trường đại học nghiên cứu, đa ngành và liên ngành với đội ngũ chuyên gia giỏi, đầu ngành; phát triển một số ngành, chuyên ngành đào tạo mới, tiên phong đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản của đất nước đạt trình độ khu vực và quốc tế; xếp vào nhóm 100 các trường đại học hàng đầu của khu vực châu Á và nhóm 500 đại học của thế giới.

II. Mục tiêu chiến lược

1. Mục tiêu chung

Phát triển Trường ĐHKHXH&NV theo định hướng một đại học nghiên cứu, tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025 đưa trường đứng vào nhóm 150 các trường đại học hàng đầu Châu Á, năm 2035 vào nhóm 100 các trường đại học hàng đầu châu lục và ngang tầm với các đại học tiên tiến (thuộc nhóm 500) của thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

- Tạo điều kiện thuận lợi trong việc khơi dậy các tiềm năng sáng tạo, tư duy và tinh thần khởi nghiệp, tạo dựng môi trường học thuật cởi mở, thân thiện, gắn bó…để đội ngũ trí thức, người học và xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển Nhà trường và góp phần xây dựng Xã hội học tập[1].

- Mỗi năm học, các khoa, bộ môn trực thuộc Nhà trường, trung tâm, viện nghiên cứu… mời ít nhất một chuyên gia từ các trường đại học nước ngoài có uy tín đến giảng dạy, trao đổi khoa học. Việc mời các chuyên gia quốc tế sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo.

- Triển khai xây dựng các ngành và chuyên ngành đào tạo đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt, tiếp tục hoàn chỉnh các chương trình đào tạo hiện có theo hướng liên thông, tiếp tục mở rộng các chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng xã hội hóa, đồng thời đề xuất xây dựng mới một số chương trình đào tạo tiên tiến theo hướng liên ngành; mở rộng liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học có uy tín ở khu vực và thế giới.

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả ba bậc đại học: Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Tăng tỷ lệ đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. Đến năm 2025, đảm bảo tỷ lệ dào tạo sau đại học lên 20% so với số lượng sinh viên chính quy.

Quy mô đào tạo đạt 7.800 sinh viên đại học chính quy và 300 học sinh trung học phổ thông năng khiếu vào năm 2025. Trong đào tạo đại học chính quy, có 2% sinh viên là người nước ngoài.

Đến năm 2025, có khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp các ngành học như: Đông phương học, Quốc tế học, Báo chí, Quan hệ công chúng, Du lịch… có năng lực chuyên môn và ngoại ngữ tham gia thành công vào thị trường lao động của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

- Nhà trường coi việc duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao có tinh thần tự chủ, sáng tạo cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm đồng thời là “giải pháp chiến lược”[2] trong định hướng phát triển lâu dài.  

Nghiên cứu khoa học chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc

- Xác định một số hướng nghiên cứu ưu tiên thuộc thế mạnh của Nhà trường và gắn liền với yêu cầu phát triển của Việt Nam về truyền thống lịch sử, văn hóa, xã hội, đất nước và con người Việt Nam; mô hình, con đường phát triển đặc thù của Việt Nam; vai trò, vị thế của Việt Nam trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế; chủ quyền, an ninh đất nước trong đó tập trung nghiên cứu về biên giới, biển đảo, về quá trình lãnh thổ, v.v…

- Xây dựng và phát triển ít nhất 02 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN; Viện Chính sách và Quản lý, Phòng Thực nghiệm Giám định xã hội phục vụ nghiên cứu đạo đức, lối sống và các vấn đề xã hội.

- Quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành, đảm bảo mỗi hướng nghiên cứu trọng tâm có 01 nhóm nghiên cứu mạnh và hoặc nhóm nghiên cứu tiềm năng cấp ĐHQGHN.

- Đẩy mạnh hơn nữa công bố quốc tế nhằm đảm bảo đạt 10% tổng công bố quốc tế của ĐHQGHN.

Phát triển các nguồn lực, thực hiện văn hóa chất lượng

- Thực hiện phương châm: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển đồng thời là chủ thể của sự phát triển”[3], Nhà trường có cơ chế và giải pháp mạnh mẽ trong đào tạo cán bộ đặc biệt là đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành cho các lĩnh vực khoa học của Nhà trường.

- Tăng tỷ lệ giảng viên để đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô đào tạo, cơ cấu tổ chức của một số đơn vị.

- Ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và định hướng phát triển đại học nghiên cứu, tự chủ, sáng tạo, kết nối và khởi nghiệp.

- Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường là những người có bản lĩnh, giàu năng lực và tư duy sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu; nắm vững các phương pháp, quan điểm, cách thức tiếp cận tiên tiến trong giảng dạy, nghiên cứu. Giảng viên của Nhà trường vừa có năng lực chuyên môn giỏi vừa có thể sử dụng ngoại ngữ thành thạo để tham gia vào các chương trình giảng dạy, trao đổi học thuật, phối hợp nghiên cứu và đối thoại khoa học quốc tế.

- Tạo dựng cơ chế để thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi, trình độ cao về Nhà trường công tác; tranh thủ các nguồn lực, các chương trình đào tạo, dự án hợp tác để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đến thỉnh giảng, thuyết trình khoa học, tham dự hội thảo và triển khai hoạt động nghiên cứu.

- Tiếp tục phát triển nguồn lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí do Nhà nước cấp đồng thời có giải pháp đa dạng hóa nguồn lực tài chính, thu hút kinh phí từ các chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu và các dự án phát triển với các đối tác, cơ quan khoa học ở trong và ngoài nước.

- Tăng cường văn hóa chất lượng từ tiến độ đến hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà trường, chuyên nghiệp hóa các hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu; xây dựng tinh thần cộng đồng, cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc chung vì sự phát triển của Nhà trường. Đặt chất lượng phù hợp với chiến lược và mục tiêu lên hàng đầu; tiến tới thực hiện kiểm định chất lượng nhà trường theo tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA), đồng thời, 100% các chương trình đào tạo cử nhân và 30% chương trình đào tạo thạc sĩ được kiểm định chất lượng và đánh giá chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.


1] Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

[2] Cương lĩnh năm 2011 của Đảng coi việc phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba giải pháp mang tính đột phá của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong: Văn kiện Đại học đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 76.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây