Bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Nhân học được xây dựng dựa trên cơ sở bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học do giảng viên và sinh viên bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử thu thập từ nhiều năm nay thuộc các thời kỳ Tiền, Sơ và Lịch sử. Có thể kể tới một số bộ sưu tập theo các lĩnh vực nghiên cứu như:
- Bộ sưu tập khảo cổ học lên tới trên 11.000 hiện vật nguyên và mảnh, trong đó tiêu biểu nhất là sưu tập công cụ đá trên 2.000 hiện vật của văn hóa Hòa Bình có niên đại cách ngày nay trên 10.000 năm. Hiện vật khảo cổ học được chia nhỏ thành các bộ sưu tập hiện vật của các văn hóa Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng, bộ sưu tập hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam...
- Bộ sưu tập Hán Nôm bao gồm hơn 200 cuốn sách giáo khoa, đồ dùng học tập, trên 20 tấm thác bản văn bia liên quan đến truyền thống Nho học và sự nghiệp giáo dục của cha ông...
- Bộ sưu tập về văn hóa Việt Nam bao gồm dụng cụ lao động của nhiều làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ, đúc đồng Ngũ Xã, vàng bạc Đồng Xâm.
Ngoài cách phân chia hiện vật sưu tập theo các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, Bảo tàng Nhân học cũng phân chia chi tiết các loại hình chất liệu hiện vật (hiện vật đá, hiện vật đồng, sắt, gốm, gỗ, vải, giấy.v.v.) và theo loại hình chức năng hiện vật (đồ dùng sinh hoạt, trang phục, công cụ sản xuất, đồ trang trí, đồ minh khí, đồ trang sức,.v.v.).
Cách thức sưu tầm hiện vật
Bảo tàng Nhân học thực hiện nhiều phương pháp sưu tập linh hoạt và chủ động như nhận hiến tặng, mua, trao đổi mậu dịch, chuyển giao hoặc thu thập qua điền dã thực địa. Trên thực tế Bảo tàng Nhân học đã tiến hành trao đổi hiện vật với bảo tàng trên toàn quốc. Bảo tàng Nhân học cũng đã nhận được sự trợ giúp về vật chất cũng như tinh thần từ các nhà nghiên cứu, một số nhà sưu tập tư nhân.
Các bộ sưu tập hiện vật đóng góp như thế nào vào công tác hỗ trợ đào tạo nghiên cứu?
Giống như hoạt động trưng bày của Bảo tàng, công tác sưu tầm xây dựng các sưu tập phải gắn với nội dung chương trình nghiên cứu và đào tạo. Các bộ sưu tập hiện vật đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và phục vụ đào tạo cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và các nhà nghiên cứu thuộc các Viện nghiên cứu ngoài Trường và nước ngoài. Bảo tàng đặc biệt lưu ý tới phương pháp và hình thức xây dựng và hoạt động của hệ thống kho mở phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Hình thức kho mở đã thu hút được sinh viên các chuyên ngành Khảo cổ học, Dân tộc học, Văn hóa học tới tham gia học tập và nghiên cứu chuyên sâu. Kho mở cũng giúp các nhà nghiên cứu có điều kiện tiếp cận trực tiếp với hiện vật, phục vụ cho các đề tài nghiên cứu của mình.