Bảo tàng Nhân học

https://ma.ussh.vnu.edu.vn


Kiếm ngắn núi Nưa

Kiếm ngắn núi Nưa
Tên gọi: Kiếm ngắn núi Nưa
Tên khác: Kiếm ngắn cán hình người
Quyết định công nhận bảo vật: Số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013
Hiện đang lưu trữ và trưng bày tại: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Phát hiện: Kiếm ngắn Núi Nưa được sưu tầm vào năm 1961, dưới chân núi Nưa, xã Tân Ninh, nơi Triệu Thị Trinh dựng cờ khởi nghĩa, nay vẫn còn di tích đền thờ Bà. 
Niên đại: Văn hoá Đông Sơn muộn. Cách ngày nay khoảng 2000 năm
Kích thước: Dài: 46,5 cm; rộng: 5 cm; cán dài: 18 cm; nặng 620gr
Hiện trạng: Tương đối nguyên (sứt nhỏ ở mũi), kiếm được phủ lớp patin màu xanh xám
 

Kiếm có kiểu chuôi và lưỡi hình lá tre mang đặc trưng phong cách sông Mã. Kiếm gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán Kiếm ngắn Núi Nưa là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn hình chóp giống hình búp hoa sen. Mặt trái xoan, cằm hơi nhô ra, cặp mắt được thể hiện bằng hai vòng tròn đồng tâm, xung quanh có những chấm nhỏ, thể hiện cặp lông mày dài, cong, sống mũi thẳng, miệng thon nhỏ, tai dài đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức. Bụng eo được thắt một dải rộng như cạp váy, lưng thắt dải bao dài phủ cả đằng trước và sau trên chiếc váy dài trùm hết chân. Thân mặc áo chẽn dài tay, tay áo và thân bó lấy thân làm nổi rõ những đường cong cơ thể. Áo cánh xẻ ngực không cài khuy để lộ vạt yếm kín cổ bên trong.
Kiếm Núi Nưa thể hiện lối trang phục kín khắp người (áo, váy), trang phục khá lộng lẫy được dệt may công phu, đẹp mắt, hoa văn trang trí trên váy và áo là dạng hình học, với những đường vạch ngắn song song, đường tròn đồng tâm đặc trưng của văn hoá Đông Sơn. Lối mặc áo yếm này ngày nay vẫn phổ biến trong trang phục của phụ nữ Mường. Nhìn tổng thể hình dáng, trang phục và cách trang sức tượng người phụ nữ trên cán kiếm ngắn Núi Nưa, đối chiếu với một số tượng chuôi kiếm, dao găm khác, có thể khẳng định đây là tượng người phụ nữ có hình thể đẹp, vẻ đẹp quyền quý, thuộc tầng lớp quý tộc hoặc tầng lớp trên giàu có. Việc phổ biến cán dao găm có hình tượng người phụ nữ ở Thanh Hoá chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước và những năm đầu thế kỷ III SCN còn rất phổ biến tại đây, phản ánh vai trò và vị trí người phụ nữ vẫn được đề cao, phụ nữ vẫn đảm trách những địa vị và có vị trí cao trong xã hội.
Theo Phạm Minh Huyền, những chiếc kiếm thực thụ của người Đông Sơn tìm được rất ít, cho tới nay chỉ mới tìm thấy 3 chiếc, một ở Núi Nưa, 1 ở Làng Vạc và 1 ở miền núi Thanh Hóa. Những kiếm này giống dao găm có cán tượng người nhưng với kích thước rất lớn.
Kiếm ngắn núi Nưa đã hội tụ đầy đủ ba yếu tố của một bảo vật quốc gia.  Hiện vật gốc độc bản. Hiện vật có hình thức độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một phong cách, một thời đại - thời đại văn hoá Đông Sơn được thể hiện trên trang phục, trang sức người phụ nữ, khi nhìn vào ta nhận thấy được tiêu chí để nhận biết cái riêng của nền văn hoá này. Hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc những năm đầu thế kỷ thứ III SCN trên đất Thanh Hóa.
Lâm Anh sưu tầm và biên soạn
Nguồn:
Phạm Minh Huyền   Văn hóa Đông Sơn – Thống nhất trong Đa dạng, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.87.
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Kiếm ngắn Núi Nưa, http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2015-3-2/KIEM-NGAN-NUI-NUAz2djf0.aspx
Cục Di sản Văn hóa, Kiếm ngắn Núi Nưa, http://dsvh.gov.vn/kiem-ngan-nui-nua-3044

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây