Bảo tàng học đường đầu tiên

Thứ năm - 03/06/2021 08:11
Bảo tàng đầu tiên trong trường ĐH ở nước ta là Bảo tàng Nhân học, thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia HN.
Bảo tàng học đường đầu tiên
"Cũng như văn hoá đọc, văn hoá bảo tàng cần được hình thành và củng cố ở mọi nơi, mọi lúc. Và cần đưa tới gần sinh viên (SV), giảng viên hơn" - PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học nói.
 
https://i.ndh.vn/2014/04/08/2014_98_16_a1-1396924132.jpg
 
Chủ tịch UBTƯMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân tham quan Bảo tàng Nhân học
Hiểu, để có thể yêu…
Trong không gian lưu giữ những giá trị của tâm linh và thế tục đầy ấn tượng, những tinh túy của lý tưởng thẩm mỹ cùng ý chí sinh tồn nhiều thế kỷ quy tụ, Bảo tàng Nhân học tựa tấm gương soi đa diện tâm hồn Việt Nam.
Được trưng bày ở đây là những hiện vật, mẫu vật của văn hoá vật thể, những di sản, tài sản văn hoá phi vật thể, truyền thống và đương đại được sưu tầm, phục chế và phục dựng, có cả bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học là cơ sở đầu tiên xây dựng nên Bảo tàng, do chính giảng viên, SV Bộ môn Khảo cổ học thu thập từ 3 miền Bắc Trung Nam trong nhiều năm. Bảo tàng khuyến khích SV và mọi người đến tham quan, khám phá quá khứ, diễn giải đời sống văn hoá xưa và nay của các cộng đồng cư dân VN.
Nhưng để thấu hiểu thành tựu trí tuệ người xưa, những giá trị của truyền thống minh triết lâu đời, phải học cách tiếp cận với những chuẩn mực tạo nên giá trị đặc sắc ấy. Nói như học giả người Pháp Jacques Dournes cách đây ba phần tư thế kỷ: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu", đây có thể xem như một công thức cho sự nhận biết các giá trị văn hóa.
Bảo tàng Nhân học vì thế đã nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sưu tầm, trưng bày, lưu giữ và quản lí hiện vật, mẫu vật và tài liệu. Tại đây, hiện vật của những cuộc khai quật, điền dã, sưu tầm dân tộc học và văn hoá VN được xử lý bài bản, khoa học, sau đó gửi trả các bảo tàng địa phương. Một số mảnh và hiện vật sưu tầm được bổ sung vào các sưu tập mẫu Bảo tàng.
Mô hình đặc sắc
Một bảo tàng dạy học, phục vụ đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt ở điểm nào? Cùng với trưng bày hiện vật đẹp, tiêu biểu, có giá trị, phải chú trọng những bộ sưu tập đặc tả, để người nghiên cứu chuyên sâu có thể tiếp cận dễ dàng, trực tiếp sờ, xem....
Đối thoại với bảo tàng cũng chính là đối thoại với cá nhân mỗi chúng ta. Tìm lại lịch sử, những giá trị bị che lấp, quên lãng, hiểu thêm những câu chuyện phía sau cái mà ta nhìn thấy hằng ngày.
Cả "một trời đồ gốm" trong đời sống cư dân Việt cổ hiện lên phía sau các địa điểm khảo cổ ở Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, những sưu tập gốm, đá thời kỳ tiền Đông Sơn, Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng độc đáo, đặc biệt nhất là sưu tập mẫu hoa văn đồ gốm của văn hoá Phùng Nguyên, được trưng bày tại bảo tàng...
Bảo tàng thu hút sự quan tâm tới công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc và nhân loại. Đình làng - ngôi nhà chung có các kiến trúc đặc sắc bị biến đổi ra sao qua thăng trầm của lịch sử. Xem ở đây để trân trọng, để biết phẫn nộ một khi giá trị của đình làng bị xâm cư, cải tạo, huỷ hoại làm biến dạng.
Do tính độc đáo đó, có thể xử lý và phân tích trực tiếp những sưu tập mẫu vật ở bảo tàng, SV chuyên ngành khảo cổ, dân tộc… được nâng cao kỹ năng nghề. Một số nhà nghiên cứu nước ngoài cũng sử dụng mẫu vật ở đây cho nghiên cứu, so sánh. Vai trò phòng thí nghiệm/thực hành của bảo tàng được khẳng định, đáp ứng nhu cầu đa dạng và nhiều trình độ trong nghiên cứu và học tập…
Nguyên tắc sưu tầm, trưng bày chú trọng tính chân xác, đa dạng, đơn giản nhưng cập nhật. Chú trọng các trưng bày chuyên đề, trưng bày ảo và mở rộng hợp tác để có thể xã hội hoá, đa dạng trưng bày.
…Hy vọng với sự phối hợp các chất liệu dân gian và đương đại, hiện vật sắp đặt theo hình thức khoa học mà nghệ thuật, Bảo tàng Nhân học tiếp tục khơi gợi hồi ức của lớp người lớn tuổi vốn say vốn cổ, mang đến cho lớp trẻ sự tiếp cận, tưởng tượng, cảm nhận và rung động với di sản nhân học của hôm qua, hôm nay.
Biết đâu từ đây, chính những người trẻ có được giác ngộ đẹp đẽ, nhìn ra giải pháp đích đáng cho gìn giữ di sản và truyền dạy lịch sử trong thời đại mới.
Theo Đại Đoàn Kết - Thanh Như
Thứ ba, 8/4/2014, 09:28 (GMT+7)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây